Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Về chung một nhà

Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đang hòa cùng dòng chảy của “cuộc cách mạng về tổ chức”. Thành phố Cần Thơ mới vẫn là Tây Đô của miền Tây, đang được kỳ vọng tạo cực tăng trưởng mới của vùng, một mảng sáng trên bản đồ hành chính - kinh tế quốc gia.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ01/07/2025

Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam. Ảnh: MỸ THANH

Không gian mới, nguồn lực mới

Ngày 1-7-2025 đi vào lịch sử của những “người anh em ruột thịt” Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, sau mấy thập niên chia tách đã về chung một nhà. Thành phố Cần Thơ mới với diện tích hơn 6.300km², dân số hơn 4 triệu người, đang mở ra không gian phát triển mới, nối liền một dải từ Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng Tây Sông Hậu tiếp giáp với bán đảo Cà Mau, bao trọn những mảng cù lao dọc theo sông Hậu kéo dài ra biển Đông.

Thành phố Cần Thơ có hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức với sân bay quốc tế Cần Thơ, các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn, quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến đường giao thông đường sông huyết mạch, luồng tàu biển lớn qua kênh Quan Chánh Bố và luồng tàu biển Định An - Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ mới không chỉ có cụm cảng biển Cần Thơ lớn nhất vùng mà còn ghi nhận với siêu cảng biển quốc tế Trần Đề - Sóc Trăng trong tương lai, công suất 55 triệu tấn/năm đón tàu biển lớn 5 vạn DWT ra biển Đông, hình thành “tam giác vận tải” đường sắt - đường bộ - đường thủy. Thành phố trực thuộc Trung ương này cần Trung ương quan tâm tăng tốc đầu tư cho giai đoạn mới.

Giảm phân mảnh địa giới hành chính đồng nghĩa mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng. TP Cần Thơ mới từ “bộ 3” Cần Thơ - Sóc Trăng - Hậu Giang liên kết lại với vai trò hạt nhân của vùng châu thổ. Từ 3 mảnh ghép có phần rời rạc trước đây, trung tâm mới của đồng bằng đang được kỳ vọng tạo ra không gian mới, nguồn lực mới cho phát triển vùng và quốc gia.

Sáp nhập tỉnh đối với người dân và doanh nghiệp là sự phấn khởi. Thủ tục đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp phép điều chỉnh quy hoạch… chắc chắn có nhiều cải cách, từ thủ công chuyển sang hành chính số, rút ngắn thời gian một cửa từ 15 ngày xuống 7 ngày. Khoảng 25-30% đầu mối sở, phòng được tinh giản, tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách mỗi năm là nguồn lực tái đầu tư cho y tế, giáo dục, hạ tầng số.

Thành phố mới còn được kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái kinh tế - văn hóa đa dạng, từ bản sắc đậm đà của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cộng cư nhiều đời ở miền Tây. Giá trị gia tăng từ không gian phát triển mới còn là nguồn lực vô hình. Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, niềm tin của người dân vào năng lực phục vụ của chính quyền. Khi niềm tin tăng, chi phí không chính thức giảm, dòng vốn sẽ tìm đến những “tọa độ” mới trên bản đồ mở.

Những giá trị văn hóa bản địa từ di sản phi vật thể chợ nổi Cái Răng, văn minh miệt vườn, đờn ca tài tử, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc Kinh, Hoa, Khmer - từ kiến trúc chùa chiền ở Sóc Trăng, lễ hội Ok Om Bok… là nguồn tài nguyên du lịch quý giá để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo ra tuyến du lịch “mạch chảy hai bờ văn minh sông nước”. Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, bảo tồn di sản, cùng với du lịch MICE, du lịch đường sông của Cần Thơ được dự báo sẽ thu hút nhiều du khách hơn nữa.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang (cũ). Ảnh: MỸ THANH                                     

Chính quyền 2 cấp - Kỳ vọng mới

Việc cắt giảm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị mới chỉ thật sự tạo ra động lực mới khi bộ máy vận hành hiệu lực, hiệu quả và thân thiện. Muốn vậy, cần nhìn thẳng 3 vấn đề và tập trung giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn:

Một là, kiến tạo và cấu trúc bộ máy chính quyền 2 cấp là trục xương sống. Tăng thẩm quyền và tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong đó, cấp xã, phường sẽ tập trung phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đằng sau sự thay đổi bảng tên phải là yêu cầu số hóa triệt để hồ sơ địa chính, dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp phải “nạp” vào kho dữ liệu quốc gia trước 1-7-2025 là mốc chính thức hoạt động của chính quyền mới.

Hai là, đột phá về nhân sự. Khi chức năng, nhiệm vụ thay đổi, định biên và vị trí việc làm phải tái cấu trúc. Cơ chế KPI - Chỉ số đo lường hiệu suất công việc, lương gắn hiệu quả, đánh giá độc lập bảo đảm “lương đủ sống, thưởng vì cống hiến” thay cho phong cách làm việc cầm chừng, tìm kiếm vùng an toàn của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy thời gian qua. Cán bộ dôi dư cần hưởng chính sách thỏa đáng, song quyền lợi cộng đồng phải đặt lên trên “trạng thái ổn định” của bộ phận thiểu số.

Ba là, vai trò giám sát, lập quy của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND cần được phát huy. Dữ liệu giám sát, ý kiến cử tri được công khai theo dõi trên hệ thống thông tin điện tử công cộng, tránh “đứt gãy” phản hồi.

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã lần này là một quyết định lịch sử. Không dừng ở việc gộp địa giới, mà cốt lõi là mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Phối cảnh cảng Trần Ðề. Ảnh: MỸ THANH

Chung sức bứt phá

Khả năng bứt phá của Cần Thơ mới phụ thuộc vào 3 nhóm giải pháp đồng thời được kích hoạt. Trước hết, về thể chế và điều phối liên vùng, cần lập Ban Điều phối Phát triển trực thuộc Chính phủ, được trao quyền quyết định nhanh các dự án hạ tầng ưu tiên, quyền điều động ngân sách và vận hành Quỹ Đầu tư phát triển. “Một cửa liên thông” từ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng đến cấp phép môi trường sẽ biến “mê cung thủ tục” thành “đường băng” cho doanh nghiệp cất cánh.

Nhóm giải pháp huy động vốn và kiến tạo kết cấu hạ tầng thông minh cũng đang là đòi hỏi cho siêu đô thị của đồng bằng này. Đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường bộ ven biển, siêu cảng Trần Đề, đai rừng phòng hộ ven biển chống sạt lở của Cần Thơ mới ở Sóc Trăng hiện tại cần được quan tâm đầu tư. Hạ tầng số cho nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn. Cần Thơ cần những trái phiếu xanh, trái phiếu đô thị cho thời kỳ phát triển mới.

Chất lượng nguồn nhân lực lâu nay là điểm yếu trong phát triển vùng, cần tăng tốc đầu tư hơn nữa để đáp ứng yêu cầu vận hành của kinh tế tri thức. Cần có những sáng kiến cho người Tây Đô “học để trở về”, kêu gọi khoảng 10.000 trí thức Việt kiều, người xuất cư lâu nay và sinh viên xuất sắc quay về đóng góp, bảo đảm người có ý tưởng sẽ có đất dụng võ, có nhà ở xã hội, có cổ phần khởi nghiệp. Mô hình “ngân hàng đất” tạo cơ chế tích tụ tự nguyện, bù đắp thỏa đáng, để nông hộ nhỏ lẻ trở thành cổ đông một liên hiệp nông nghiệp hiện đại, vừa hưởng cổ tức, vừa giữ quyền canh tác... là những “cơ chế đặc thù” cho Cần Thơ mới.

Kỳ vọng đó, đòi hỏi Cần Thơ phải vượt qua các thách thức trong quản lý điều hành. Nếu các cơ quan quản lý vẫn theo lối cũ, mỗi sở ngành còn “cửa trong cửa ngoài”, thì giấc mơ 1 chính quyền điện tử tích hợp sẽ khó thành hiện thực. Để tránh “3 người anh em, 3 hệ thống”, mọi dịch vụ công, từ đăng ký khai sinh, cấp giấy phép xây dựng đến thanh toán thuế phải hợp nhất trên 1 cổng duy nhất, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt nhất, thì mới mong tạo ra nguồn lực đột phá.

Khi địa giới liền mạch, nguồn lực được thông suốt; khi chính quyền, doanh nghiệp, người dân đồng lòng sẽ tạo ra nguồn lực mới. Nếu quyết tâm biến lời nói thành cam kết, cam kết thành dự án, dự án thành hiệu quả cụ thể, Tây Đô không chỉ khơi thông long mạch miền Tây mà còn thắp sáng một cực tăng trưởng xanh, bao trùm, nhân văn cho đất nước trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.

Tiến sĩ TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn: https://baocantho.com.vn/ve-chung-mot-nha-a188037.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm