Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp?

Hiện nay, toàn TP Hải Phòng có gần 150.000 hộ kinh doanh cá thể, nhiều hộ có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn các hộ kinh doanh này vẫn ngại chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng09/07/2025

anh-quang(1).jpg
Với doanh thu mỗi năm lên tới cả tỷ đồng nhưng anh Phùng Văn Quảng, chủ cơ sở sản xuất, gia công nhôm kính ở xã Phú Thái vẫn e ngại khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp

E ngại thủ tục, chi phí phát sinh

Anh Phùng Văn Quảng, chủ cơ sở sản xuất, gia công nhôm kính tại xã Phú Thái cho biết đã duy trì hoạt động kinh doanh gần 10 năm, với 5 lao động thường xuyên và doanh thu trung bình mỗi năm cả tỷ đồng. Dù vậy, anh vẫn chưa có ý định chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Nếu chuyển đổi, tôi phải thành lập ban lãnh đạo, thuê kế toán, ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động… Như vậy sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí”, anh Quảng chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Khắc Chung, phường Thành Đông đang kinh doanh theo hình thức nộp thuế khoán. Với mô hình hộ kinh doanh gia đình, chị trực tiếp quản lý việc nhập hàng, ghi chép sổ sách và trực tiếp bán hàng, giao hàng tại khu vực. Khi được hỏi về việc có dự định chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp hay không, chị thẳng thắn cho biết: “Tôi không có ý định chuyển đổi vì thủ tục đối với hộ kinh doanh đơn giản, dễ quản lý hơn so với doanh nghiệp”.

Anh Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh tại phường An Dương cũng cùng quan điểm. Anh cho rằng việc vận hành hiện tại theo mô hình gia đình đã quen thuộc, nếu chuyển đổi thành doanh nghiệp thì mô hình quản lý hoàn toàn khác. Chủ hộ kinh doanh chưa có kiến thức về thuế, kế toán, quản trị doanh nghiệp… nên chưa dám tính đến chuyện chuyển đổi mô hình hoạt động.

Hiện nay có nhiều hộ kinh doanh hoạt động với quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp do e ngại các thủ tục hành chính rườm rà, không quen làm việc với cơ quan chức năng và thiếu hiểu biết về quy trình thành lập doanh nghiệp, quản lý sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và các nghĩa vụ liên quan đến thuế.

Không ít hộ cho rằng việc chuyển đổi đồng nghĩa phải minh bạch hoạt động kinh doanh hơn, nộp thuế nhiều hơn và bị giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng…

Hiện Hải Phòng có gần 150.000 hộ kinh doanh cá thể (tỉnh Hải Dương cũ trên 30.000 hộ, Hải Phòng cũ trên 100.000 hộ). Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 5 - 7% trong số này chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Nhiều cơ hội

chuyend-doi-doanh-nghiep(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ cửa hàng tạp hóa ở phường Thành Đông không có ý định chuyển đổi mô hình hoạt động vì cho rằng thủ tục hộ kinh doanh đơn giản, dễ quản lý hơn so với doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cá thể của ông Phạm Xuân Biên tại xã Bình Giang vừa chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH Tân Việt Long Biên. Ngay sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty triển khai dự án sản xuất, kinh doanh đá ốp lát với tổng vốn đầu tư 32 tỷ đồng.

Ông Biên cho biết doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, miễn thuế đất, đồng thời dễ dàng tiếp cận các khoản vay tín dụng với hạn mức cao hơn so với thời còn là hộ kinh doanh.

Cũng đi lên từ hộ kinh doanh, bà Vũ Thị Thu ở phường Lê Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Nam cho biết so với mô hình kinh doanh cá thể thì hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Từ việc phục vụ khách hàng đến mở rộng mô hình kinh doanh đều rất thuận lợi và bài bản. Trở thành doanh nghiệp cũng giúp công ty có cơ hội tiếp cận những đối tác kinh doanh mới.

Hiện nay, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ được cấp mã số thuế, có thể xuất hóa đơn, mở rộng quy mô, tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống, tham gia chuỗi cung ứng, đấu thầu và xuất khẩu. Đó là những cơ hội mà hộ kinh doanh không thể có nếu chỉ hoạt động phi chính thức.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới ban hành cũng đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm, miễn lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển phần vốn góp từ hộ kinh doanh sang công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể được hưởng thuế suất ưu đãi từ 15 - 17% nếu đáp ứng điều kiện.

Với gần 150.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, TP Hải Phòng xác định việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng. Miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Thành phố cũng đẩy mạnh số hóa, đơn giản hóa quy trình kế toán, thuế, bảo hiểm; hỗ trợ miễn phí phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, đào tạo kỹ năng quản trị, kế toán, nhân sự… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ kinh doanh.

Đồng thời bố trí nguồn lực, xã hội hóa dịch vụ hỗ trợ và thường xuyên tổ chức đối thoại để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra thực chất và hiệu quả.

HÀ VY

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/vi-sao-nhieu-ho-kinh-doanh-khong-muon-chuyen-doi-thanh-doanh-nghiep-415981.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm