Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trước hội đàm hẹp - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trưa 16-5, sau cuộc hội đàm hẹp và đồng chủ trì cuộc họp nội các chung lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng gặp gỡ báo chí.
Thủ tướng Việt Nam bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Thái Lan, khẳng định cơ chế họp nội các chung là hình thức Việt Nam chỉ có duy nhất với Thái Lan. Nhắc lại lịch sử các cuộc họp trước đây, ông cho biết vì nhiều lý do khách quan nên đã có quãng thời gian bị ngắt quãng.
Tuy nhiên cuộc họp lần thứ 4 này đã diễn ra hết sức tốt đẹp, trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, góp phần vào sự thành công chuyến thăm lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.
"Kết quả quan trọng nhất là hai bên đã thống nhất nâng cấp từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện", Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo tại cuộc gặp báo chí.
Như vậy, Thái Lan là nước thứ 13 có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, là nước thứ 4 tại Đông Nam Á sau Indonesia, Singapore và Malaysia.
5 tăng cường cho quan hệ song phương
Về định hướng thời gian tới sau khi nâng cấp quan hệ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo hai bên đã nhất trí khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2025-2030 dựa trên các trụ cột chính.
Thứ nhất, Đối tác vì hòa bình bền vững. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của hai nước.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường tiếp xúc cấp cao và cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước. Trước mắt, theo Thủ tướng, sẽ thúc đẩy chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan đến Việt Nam, cũng như chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Tô Lâm vào thời điểm phù hợp cho cả hai nước. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc họp thường niên giữa hai Thủ tướng trong các sự kiện đa phương và chuyến thăm song phương.
Đồng thời nghiên cứu nâng cấp cơ chế đối thoại, thúc đẩy mở rộng hợp tác an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng. Hai bên tái khẳng định cam kết không cho bất kỳ nước nào dùng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Thứ hai, Đối tác vì phát triển bền vững. Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trong khuôn khổ chiến lược 3 kết nối gồm kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp, địa phương hai nước, kết nối chiến lược tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất triển khai 5 tăng cường.
Trước hết, tăng cường tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của nhau, phấn đấu đạt 25 tỉ USD kim ngạch thương mại trong thời gian tới theo hướng cân bằng.
Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước này mở rộng kinh doanh tại nước kia, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, logistics, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây từ đó tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân hai nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào các lĩnh vực kinh tế, hướng đến kinh tế số, kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp
Thứ tư, tăng cường hợp tác việc làm, an sinh xã hội, triển khai thỏa thuận và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam sang Thái Lan và ngược lại.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ, vì tương lai gắn kết bền vững giữa người dân hai nước. Trong đó có việc mở rộng thêm trung tâm đào tạo tiếng Việt Nam tại Thái Lan và tiếng Thái Lan tại Việt Nam.
Hai bên khuyến khích phát huy tối đa quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương, mở thêm các đại học tại mỗi nước cũng như mở đường bay thẳng kết nối địa phương hai nước và thúc đẩy hiện thực hóa kết nối du lịch 6 quốc gia 1 điểm đến.
Ký kết nhiều văn kiện hợp tác
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết nhân chuyến thăm, ông và Thủ tướng Thái Lan đã cùng chứng kiến lễ ký kết và trao các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục.
Kết thúc phát biểu, Thủ tướng Việt Nam bày tỏ tin tưởng với tầm nhìn chung, nền tảng hữu nghị và sự tin cậy chiến lược, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lan tỏa các giá trị tích cực không chỉ vì lợi ích hai nước mà còn khu vực và thế giới.
Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bày tỏ vui mừng khi trong chuyến thăm lần này hai nước đã nâng cấp quan hệ, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương.
Bà cho biết tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã trao đổi toàn diện về nhiều vấn đề trong bầu không khí hữu nghị.
Trong đó về chính trị, bà đồng tình với những chia sẻ trước đó của Thủ tướng Việt Nam. Nhân dịp này, bà Paetongtarn Shinawatra cũng trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương và đến thăm Thái Lan vào năm 2026 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng đề xuất hợp tác nhiều hơn giữa hai nước trong quốc phòng - an ninh, hoan nghênh sự hợp tác giữa hai bên nhằm ngăn lừa đảo trực tuyến và buôn bán ma túy, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo để triệt phá các mạng lưới tội phạm.
Nhất trí thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho rằng cả hai nước cần tận dụng thế mạnh của mỗi bên. Trước mắt, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược triển khai các trụ cột chính của khuôn khổ quan hệ vừa nâng cấp.
Trong đó về thương mại, phấn đấu đạt kim ngạch song phương 25 tỉ USD trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho nông sản và sản phẩm chăn nuôi của mỗi nước. Nhân dịp này, bà Paetongtarn Shinawatra cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thái Lan và khẳng định hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thái Lan.
Về hàng không, bà đề xuất mở đường bay thẳng giữa Việt Nam với khu vực đông bắc Thái Lan, bởi nơi này đang được phát triển thành trung tâm logistics mới của khu vực. Tăng cường kết nối đường bộ Thái Lan - Lào - Việt Nam, đường thủy là Thái Lan - Lào - Campuchia - Việt Nam.
Về giáo dục, Thái Lan muốn cùng Việt Nam tăng cường phát triển nguồn nhân lực trong ngành STEM, AI, bán dẫn trong đó mô hình hợp tác Đại học FPT và Đại học Khon Kaen (Thái Lan) cho ngành công nghiệp bán dẫn là một điểm sáng, khuyến khích mở rộng mô hình hợp tác này.
Ngày 15-5, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên bà Paetongtarn Shinawatra thăm Việt Nam trên cương vị thủ tướng, và cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm.
Chuyến thăm nhận được nhiều kỳ vọng sẽ đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026.
"Việc hai Thủ tướng đồng chủ trì cuộc họp nội các chung lần thứ 4, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt, đã thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương", Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng chia sẻ trước chuyến thăm.
Dự kiến sẽ có nhiều văn kiện hợp tác được ký kết nhân dịp này, qua đó tạo nền tảng cho hợp tác giữa hai nước nói chung, doanh nghiệp và địa phương nói riêng, góp phần làm sâu sắc quan hệ trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan tại cuộc gặp báo chí - Ảnh: MẠNH QUÂN
Hai Thủ tướng chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa hai bên - Ảnh: MẠNH QUÂN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp báo chí chung - Ảnh: MẠNH QUÂN
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc gặp báo chí cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: MẠNH QUÂN
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/viet-nam-va-thai-lan-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20250516121407699.htm
Bình luận (0)