Người đầu tiên mang Vovinam về với mảnh đất Thép là thầy giáo Võ Xuân Thủy, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Vovinam, Trưởng Bộ môn Vovinam tỉnh Thái Nguyên. Thầy đến với Vovinam như một cái duyên, năm 2010 khi công tác ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thầy được Nhà trường chọn cử đi tập huấn môn võ này về “ươm mầm” cho tỉnh.
May mắn gặp thầy Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Hà Nội, thầy Thủy được học tập và giới thiệu về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên để phát triển môn võ này tại tỉnh nhà.
Thầy giáo Võ Xuân Thủy hồi tưởng: Thời điểm mới mở lớp, vì đây là môn võ hoàn toàn mới mẻ, xa lạ, nên chưa thu hút nhiều người luyện tập. Điều kiện tập luyện lúc đó cũng còn nhiều khó khăn, buổi khai giảng lớp cũng chỉ có sàn tập đơn sơ. Nên tôi suy nghĩ cái cần nhất trước tiên là truyền thụ đam mê cho các học viên.
Từ suy nghĩ đó, thầy Thủy đã dành trọn nhiệt huyết và đam mê để truyền “lửa” cho những học viên đầu tiên. Không chỉ dạy các em quyền pháp, mà còn truyền ý chí, đạo đức, lý tưởng sống đến các võ sinh. Từ lớp học ấy, những "mầm non" đầu tiên được ươm trồng, ngày càng có thêm nhiều người có chung đam mê với thầy, cùng thầy dẫn dắt phong trào luyện võ Vovinam phát triển.
Nhận thấy tiềm năng và giá trị của Vovinam, năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch mở rộng các lớp Vovinam tại các trường học và địa phương.
Ban đầu, phong trào đã thu hút 700 võ sinh với 11 CLB hoạt động thường xuyên. Những cái tên như CLB Vovinam Trường Đại học Sư phạm, Đại học Nông Lâm, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã trở thành điểm sáng của phong trào.
Có mặt tại buổi luyện tập của CLB Vovinam tại một số trường đại học như: Sư phạm, Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), chúng tôi thấy ở đây thầy và trò không có khoảng cách, không phân biệt tuổi tác, sang hèn, chỉ có chung đam mê với võ Việt. Có lẽ bởi thế mà không khí luyện tập lúc nào cũng vui vẻ, sôi nổi, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tinh thần thượng võ.
Trong suốt buổi tập, các huấn luyện viên luôn tâm huyết, nhiệt tình chỉ dạy những đường quyền, tỉ mỉ chỉnh sửa từng động tác cho các học viên. Điều đặc biệt là lớp học này hoàn toàn miễn phí, các huấn luyện viên hằng ngày đến đây dạy võ không thu một đồng nào, mà chỉ với đam mê, khát khao lan tỏa rộng thêm môn võ mang hồn cốt Việt Nam tới nhiều người.
Thầy Trương Văn Cảnh là một người dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của Vovinam tại Thái Nguyên, với 7 năm đi dạy miễn phí môn võ này cho các sinh viên. Thầy cho biết: Từ khi còn là cậu bé THCS, được chú dẫn đến CLB Vovinam của Trường THCS Sơn Cẩm 2, tôi đã rất ngưỡng mộ những võ sinh trong mầu võ phục xanh toát lên sự mạnh mẽ. Thế là tôi đăng ký tham gia, càng tập tôi lại càng thấy mê môn võ này.
Khi tập luyện Vovinam, môn võ mang đậm bản sắc dân tộc Việt, người học không chỉ rèn luyện thể lực mà còn phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về kỷ luật, tinh thần và đạo đức.
Cũng là người đam mê mãnh liệt với môn võ mang hồn cốt Việt, anh Vy Văn Duy đã gắn bó gần 10 năm với việc truyền dạy Vovinam tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Những năm qua, anh không chỉ là huấn luyện viên mà còn là người dẫn đường, truyền lửa và ươm mộng cho nhiều thế hệ học trò.
Ngoài anh Cảnh, anh Duy, còn rất nhiều huấn luyện viên đầy tâm huyết, đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển Vovinam ở Thái Nguyên. Họ đã lặng lẽ vun trồng những "hạt mầm" tâm huyết cho phong trào rèn luyện võ thuật.
Kết quả, tại Thái Nguyên hiện 8 trường đại học có CLB võ thuật với gần 1.000 sinh viên tham gia tập luyện Vovinam hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa Vovinam vào để giáo dục thể chất cho học sinh.
Vovinam phát triển không bằng những chiến dịch rầm rộ, mà bền bỉ qua từng buổi tập giản dị. Các lớp học miễn phí, không quảng cáo, vẫn đều đặn sáng đèn mỗi chiều, thu hút học sinh, sinh viên, cả người từng thi đấu chuyên nghiệp. Võ sinh đủ mọi lứa tuổi, từ sinh viên đến học sinh phổ thông, từ những đứa trẻ mảnh khảnh mới lớn đến những gương mặt đã từng lăn xả trên các sàn đấu lớn nhỏ.
Mới đây, tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic - cơ sở Thái Nguyên diễn ra Giải Vovinam "Hào khí võ Việt" mở rộng lần thứ I năm 2025. Giải đấu quy tụ gần 300 vận động viên từ 14 đơn vị trong và ngoài tỉnh, ở nhiều độ tuổi từ tiểu học đến cao đẳng, đại học. Các vận động viên tranh tài ở những nội dung: Quyền cá nhân, đồng đội, võ nhạc và đối kháng.
Các trận đấu không chỉ mang đến những màn trình diễn đẹp mắt mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và khát khao vượt qua thử thách của các vận động viên đúng với tinh thần của môn võ.
Ngoài giải đấu “Hào khí võ Việt”, giới võ Vovinam cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu, giao lưu giữa các câu lạc bộ nhằm tạo sự cọ sát, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Anh Nguyễn Văn Sơn, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Nam Hòa, cho biết: Tôi bị Vovinam chinh phục bởi khác với nhiều môn võ chỉ thiên về một hướng, Vovinam mang tính toàn diện, giúp người học phát triển đồng đều thể lực, tốc độ, kỹ năng chiến đấu và tự vệ.
Khẩu hiệu “Học võ để rèn thân – luyện tâm – giúp đời” thể hiện rõ triết lý nhân văn trong Vovinam là điều không chỉ anh Sơn mà tất cả những người theo học Vovinam đều yêu thích. Người học luyện được tốc độ, sự dẻo dai, phản xạ tốt và sức mạnh toàn thân, được rèn đạo đức, lòng kiên trì, khiêm nhường và tinh thần phụng sự cộng đồng – điều mà không phải môn võ nào cũng đề cao như vậy.
Nhờ sự tâm huyết của đội ngũ huấn luyện viên, sau 15 năm xây dựng và phát triển, từ một “mầm cây” được ươm trồng, đến nay Vovinam đã phát triển mạnh ở Thái Nguyên, với trên 80 câu lạc bộ, thu hút hàng nghìn người, chủ yếu là học sinh, sinh viên tham gia.
Sắc xanh của võ phục Vovinam phủ khắp, trở thành một "cánh rừng" xanh tươi. Sự phát triển này không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn ở chất lượng, khi các võ sinh thường xuyên tham gia những giải đấu cấp tỉnh và quốc gia, mang về nhiều thành tích đáng tự hào.
Không chỉ dừng lại ở việc tập luyện, Vovinam còn được đưa vào các hoạt động thi đấu và biểu diễn, hiện môn võ này có mặt ở nhiều hội khỏe, giải đấu, giải thể thao thành tích cao. Những sân tập giờ không chỉ giới hạn trong khuôn viên các trường đại học, mà đã lan tới các huyện, thành phố, đến từng khu dân cư.
Vovinam đã "bén rễ, đơm hoa", đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa thể thao của nhiều người Thái Nguyên, góp phần rèn luyện sức khỏe, ý chí và tinh thần dân tộc cho người dân đất Thép.
Vừa gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt, các câu lạc bộ Vovinam cũng đã và đang góp phần quảng bá về mảnh đất và con người xứ Trà tới mọi miền Tổ quốc.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/vovinam-va-hanh-trinh-15-nam-tren-dat-thep-f6c0ec3/
Bình luận (0)