Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vụ Hè Thu 2025: Chủ động các phương án để đồng ruộng không "khát"

Vụ Hè Thu 2025 được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về khô hạn. Do đó, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động các phương án ứng phó từ sớm để hướng đến mục tiêu cao nhất là không để đồng ruộng khô khát và bảo đảm một mùa vụ thắng lợi.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/07/2025

Theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, tổng lượng mưa từ tháng 5 – 7/2025 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong đó tháng 7 đạt xấp xỉ và thấp hơn.

Theo đó, để chủ động chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2025 đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả trước những điều kiện sản xuất bất lợi và nỗ lực kéo giảm tối đa các chi phí.

Hệ thống thủy nông Đồng Cam đảm bảo nưới tưới hai vụ cho hơn 20.000 ha lúa.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, vụ này hệ thống thủy nông Đồng Cam bảo đảm cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất cho gần 20.000 ha. Vì vậy, trước khi mở nước, đơn vị đã tiến hành sửa chữa 23 hạng mục gồm: xây lắp công trình, tu bổ nạo vét hệ thống kênh mương, bảo dưỡng công trình máy móc thiết bị, với kinh phí hơn 9 tỷ đồng.

Qua kiểm tra mới đây, tình hình nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi, các hồ chứa bảo đảm phục vụ cho sản xuất vụ Hè Thu 2025. Tuy nhiên, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, trời không mưa, nguy cơ thiếu nước tưới và hạn cục bộ ở một số nơi có thể xảy ra. Để chủ động trong công tác tưới, công ty đề ra các giải pháp cung cấp đủ nước và chống hạn trong trường hợp thời tiết diễn biến bất thường.

Còn theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, vụ Hè Thu 2025, đơn vị cung cấp nước tưới cho trên 27.307 ha cây trồng, trong đó có 25.325 ha lúa nước. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới, ngay sau khi kết thúc vụ Đông Xuân 2024 - 2025, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành đóng cống tích nước. Mặc dù mùa mưa đến sớm nhưng lượng mưa phân bố không đều. Tổng lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay mới đạt khoảng 30% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa sau khi phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2024 -2025 thì mực nước đã xuống thấp, một số hồ đã về mực nước chết. Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị, hiện mới có 49 hồ đạt mực nước dâng bình thường và vẫn còn 79 hồ có dung tích dưới 50%.

Vận hành trạm bơm Xi Phong - Bến Lội (xã Phú Hòa 2) để cung cấp nước tới cho lúa vụ Hè Thu.

Trên cơ sở dự báo và tình hình thực tế tại các công trình, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho tất cả các công trình. Đặc biệt, chú trọng những công trình có khả năng thiếu nước vào cuối vụ và có nguồn dự phòng để chống hạn. Đồng thời, công ty thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và nguồn nước tại công trình để chủ động kế hoạch mở nước tưới phù hợp với thực tế.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, dự kiến có khoảng 20 công trình (gồm 17 hồ chứa và 3 đập dâng) có nguy cơ thiếu nước về cuối vụ và có nguồn dự trữ phục vụ công tác chống hạn. Diện tích dự kiến phải thực hiện chống hạn khoảng hơn 923 ha, trong đó có hơn 902 ha lúa. Tính đến thời điểm này, chưa có công trình nào phải thực hiện công tác chống hạn. Tuy nhiên, công ty tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để có chỉ đạo kịp thời trong công tác phục vụ tưới vụ Hè Thu 2025.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, vụ Hè Thu 2025, toàn tỉnh Đắk Lắk gieo sạ 91.500 ha lúa nước. Tính đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân đã cơ bản xuống giống, bảo đảm khung thời vụ đề ra. Riêng tại các xã phía Đông của tỉnh đã gieo sạ 24.500 ha lúa. Sau hơn một tháng xuống giống, hiện nay phần lớn diện tích này đang trong giai đoạn đẻ nhánh – cuối đẻ nhánh.

Theo ông Lê Văn Sơn (xã Phú Hòa 2), trong những ngày này, gia đình ông thường xuyên ra thăm đồng để kiểm tra nguồn nước, sâu bệnh hại lúa. Vụ này, hơn 1 ha lúa được ông áp dụng canh tác theo Chương trình IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp) nên cây lúa đang sinh trưởng tốt. Ông Sơn cho hay, đây là vụ thứ ba gia đình ông áp dụng đồng bộ các biện pháp IPHM trên ruộng lúa do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ, chuyển giao. Qua thực tế triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như sử dụng giống, giảm mật độ gieo sạ, bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học… đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Như vụ hè thu trước, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình thu về là 4,5 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất lúa truyền thống từ 2 - 3 triệu đồng/sào.

Cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã Ea Phê xuống đồng cùng nông dân kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa vụ Hè Thu 2025.

Tại các xã Tây Đắk Lắk, ngành nông nghiệp địa phương căn cứ điều kiện thực tế nguồn nước của từng vùng để khuyến cáo nông dân thực hiện chương trình “ba giảm, ba tăng” và “một phải, năm giảm”. Đối với những vùng chủ động điều tiết nước, ưu tiên sử dụng các giống lúa có chất lượng gạo ngon để tăng giá trị sản xuất như: Đài Thơm 8, ST25, RVT… Ở những vùng có chân ruộng trũng, người dân tranh thủ gieo sạ sớm và sử dụng các giống lúa thuần ngắn hoặc trung ngày (90 - 95 ngày) để có thể thu hoạch trước ngày 30/8, tránh mưa lũ, ngập lụt.

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (xã Đắk Liêng) cho hay, vụ này đơn vị gieo sạ hơn 289 ha lúa, với các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài Thơm 8… Nhờ lợi thế là có vùng nguyên liệu nằm dọc dòng sông Krông Ana nên rất thuận lợi về nguồn nước tưới cũng như được bồi đắp phù sa từ dòng sông này. Hiện nay, diện tích lúa của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng sạch – xanh, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm của thị trường.

Theo ông Trương Quang Tưởng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, để quản lý tốt dịch bệnh, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chăm sóc và phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn để truyền đạt kiến thức về IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), IPHM trên cây lúa, giúp nông dân tiếp thu nhiều tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trong canh tác lúa.

Minh Thuận – Ngọc Hân

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202507/vu-he-thu-2025-chu-dong-cac-phuong-an-de-dong-ruong-khong-khat-9b30b21/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm