Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xã khó tìm cách nâng cao tiêu chí thu nhập

(Baothanhhoa.vn) - Để đạt tiêu chí thu nhập trong XDNTM đòi hỏi các xã khó khăn trên địa bàn huyện Lang Chánh phải nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo đeo bám bấy lâu nay.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa19/05/2025

Xã khó tìm cách nâng cao tiêu chí thu nhập

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Ngân Văn Yêu ở bản Sắng Hằng, xã Yên Khương.

Ông Hà Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho biết: “Tiêu chí thu nhập luôn được địa phương xem là tiêu chí quan trọng. Bởi, ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, để thực hiện tiêu chí này là điều không hề dễ. Bởi thực tế, hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của cấp trên dành cho xã biên giới, xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Song, thu nhập hiện nay của người dân mới đạt 19,8 triệu đồng/người/năm".

Để đạt tiêu chí thu nhập, ông Hoài cho biết địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trên tinh thần đó, 216ha lúa sẽ được cơ cấu 70% giống lúa lai, 30% giống lúa thuần, đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi và lâm nghiệp. Ngoài duy trì đàn gia súc, gia cầm gần 33.600 con theo hình thức chăn nuôi hộ và gia trại, địa phương sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đưa các con đặc sản bằng cách tạo quỹ đất để các hộ phát triển gia trại, trang trại. Hiện trên địa bàn xã đã xuất hiện mô hình của hộ gia đình anh Ngân Văn Yêu, bản Sắng Hằng nuôi dúi và cầy hương, với 150 con (120 con dúi, 30 con cầy hương), đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng/năm.

Với diện tích đất lâm nghiệp 8.066,23ha bao gồm rừng tự nhiên và rừng sản xuất, bên cạnh công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, địa phương sẽ dần thay thế hơn 5.000ha keo thông thường sang giống keo cấy mô đạt năng suất, giá trị hơn hẳn so với giống keo thông thường trước đây. Đồng thời, cuối năm nay sẽ chuyển đổi 50ha đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng mới (cây tre mai), bởi cây này sau 3 năm trồng sẽ cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha. Hiện tại, cây tre mai được người dân trong xã liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm tại Hà Nội, đưa vào trồng cách đây gần 1 năm tại bản Me, với diện tích 40ha và cây đang phát triển rất tốt... Với cách làm này, tin chắc thu nhập của người dân trong xã sẽ được nâng cao, ông Hoài cho biết.

Thuộc xã khó khăn và không nằm trong lộ trình về đích xã NTM của huyện trong năm 2025 nhưng để thực hiện tiêu chí thu nhập, xã Yên Thắng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy. Hiện, với 273ha trồng lúa, người dân trong xã đã đưa các giống lúa lai vào gieo cấy mỗi vụ là 150ha, còn lại là diện tích lúa thuần và năng suất lúa đạt 50 tạ/ha.

Trong chăn nuôi, ngoài vật nuôi truyền thống, trên địa bàn xã đã hình thành 6 mô hình nuôi con đặc sản như hộ gia đình anh Lò Văn Thuận ở bản Ngàm Pốc nuôi 200 con dúi; mô hình nuôi lợn mán, nuôi hươu lấy nhung của anh Lò Văn Thương ở bản Vặn... Các mô hình này, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm... Vì vậy, địa phương sẽ phát triển, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề nông thôn như đan lát, xây dựng, dịch vụ - thương mại... đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Công tác xuất khẩu lao động cũng đạt được kết quả ghi nhận. Hiện địa phương có 40 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường chủ yếu Đài Loan, Nhật... đem lại thu nhập cho các lao động này từ 250 – 400 triệu đồng/năm.

Tuy phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, song thu nhập của người dân trong xã mới chỉ đạt 25 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, để đạt được mức thu nhập 48 triệu đồng/người/năm (xã về đích NTM năm 2025) như Quyết định số 25/2024/QĐ-UBND, ngày 26/6/2024 của UBND tỉnh), ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Ngoài tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quan tâm phát triển, bảo vệ rừng, địa phương sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với các dịch vụ homestay tại các bản Peo, Ngàm Pốc, Tráng, Vặn. Bởi nơi đây, đang là điểm dừng chân của nhiều du khách đến để chiêm ngưỡng, check-in vẻ đẹp của các ruộng bậc thang, nhất là vào mùa lúa chín và tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lang Chánh cho biết: Ngoài xã Yên Thắng, Yên Khương, trên địa bàn huyện còn có xã Lâm Phú thuộc diện xã khó khăn của huyện. Để tạo điều kiện cho các xã khó khăn phát triển kinh tế, thực hiện tiêu chí thu nhập, thời gian qua huyện Lang Chánh đã ưu tiên, dùng phần lớn các nguồn lực hỗ trợ các xã phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề... Đồng thời, lồng ghép các chương trình dành cho huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới... hỗ trợ các địa phương đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng... Tuy các xã trên không nằm trong lộ trình về đích xã NTM năm 2025 nhưng với sự hỗ trợ này, đã tạo động lực giúp các xã phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, sớm về đích.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xa-kho-tim-cach-nang-cao-nbsp-tieu-chi-thu-nhap-249211.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm