Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 khách mời là đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp...
Chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ông Trần Quốc Khánh nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Diễn đàn là hoạt động khoa học thường niên quan trọng, nhằm đánh giá những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, cần phải tháo gỡ của mô hình tăng trưởng hiện nay, tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030, với tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Tổ chức diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm gồm: Phân tích các quan điểm về lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế; Kinh nghiệm về đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của một số quốc gia trên thế giới; Phân tích thực trạng vấn đề mô hình tăng trưởng hiện tại của kinh tế Việt Nam, các bất cập, hạn chế và các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay; Phác thảo, nhận diện mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến 2045.

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, thậm chí cả địa chính trị-những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển.
Cụ thể, ro-bot và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra các chuỗi giá trị mới dựa trên dữ liệu. AI kiểm soát dữ liệu-người đó kiểm soát sức mạnh. Vấn đề chuyển đổi xanh và cam kết khí hậu cũng là nhân tố quan trọng. Áp lực giảm phát thải carbon, thuế biên carbon của EU, yêu cầu ESG từ các nhà đầu tư buộc các nền kinh tế chuyển mình nhanh chóng hoặc bị loại khỏi sân chơi. Sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu: Xu hướng "Trung Quốc+n", near-shoring, "friend-shoring" mở ra cơ hội mới cho Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi năng lực logistics, công nghiệp phụ trợ và công nghệ vượt trội. Về chính trị là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và cạnh tranh địa chính trị: Các cường quốc cạnh tranh công nghệ, dữ liệu và tài nguyên sẽ định hình lại quy tắc toàn cầu, tạo ra nhiều rủi ro mới.
Trong tình hình như vậy, nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, bị kẹt lại ở những nấc thang thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, và hậu quả là ngày càng xa rời mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Diễn đàn là dịp để thảo luận, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới mà Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ là dựa trên năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với chuyển đổi số, kinh tế xanh là những mũi đột phá. Để thực hiện thành công cuộc chuyển đổi này là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp, đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao, một tinh thần đổi mới không ngừng, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp để có báo cáo kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô gửi đến Chính phủ và bộ ngành Trung ương, các cơ quan liên quan.
Nguồn: https://nhandan.vn/xac-lap-mo-hinh-tang-truong-moi-cho-viet-nam-post893885.html
Bình luận (0)