Đến xã Đoàn Kết, cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, những sườn đồi được phủ xanh bằng những vườn cây ăn quả. Nhân dân trong xã đã trồng trên 2.100 ha cây ăn quả trên đất dốc, chủ yếu là nhãn, xoài, mít, chuối...
Thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Lường Văn Nhân, bản Tà Lại, một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc của xã. Ông Nhân chia sẻ: Từ năm 2013, gia đình cải tạo 5 ha đất dốc để trồng nhãn, xoài. Đến nay, vườn cây cho thu hoạch ổn định, cho thu lãi trên 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Giờ đây, cuộc sống gia đình ổn định, tôi có điều kiện lo cho con cháu, xây dựng nhà cửa khang trang hơn.
Tận dụng nguồn nước lạnh dồi dào, từ các khe suối trên núi cao và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản lâu năm, nhiều hộ dân bản Nong Cụt mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá tầm, có giá trị kinh tế cao. Anh Vì Văn Đặm, bản Nong Cụt, cho biết: Cá tầm đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Hiện nay, gia đình đầu tư trang trại rộng hơn 1.200 m², mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn cá thương phẩm, giá bán trung bình 200.000 đồng/kg. Nuôi cá tầm cho giá trị kinh tế rất cao, song cũng đòi hỏi kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu cao, từ quy trình từ chọn giống, chuẩn bị nguồn nước, thức ăn đến phòng bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, nông dân xã Đoàn Kết còn xây dựng những mô hình “lợi ích kép”, như nuôi ếch thương phẩm kết hợp với nuôi cá. Các lồng nuôi ếch đặt ngay trên mặt ao cá, vừa không tốn thêm diện tích, vừa tận dụng được phân ếch và thức ăn thừa làm nguồn thức ăn cho cá, giúp làm sạch môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.
Ông Mùi Văn Linh, bản Tà Lại, chia sẻ: Sau khi tham quan, học hỏi kỹ thuật nuôi ếch, sẵn có nguồn nước, diện tích ao thuận lợi, năm 2021, gia đình đầu tư làm lồng nuôi hơn 1.000 con ếch, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ếch phát triển tốt. Đến nay, gia đình đang nuôi hơn 10 lồng ếch, cho thu hoạch 4 tấn ếch thương phẩm/năm, cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Thành công của các mô hình kinh tế đến từ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người dân và nhất là có vai trò định hướng, hỗ trợ quan trọng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương. Bà Hà Thị Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, cho biết: Xã đã xác định thế mạnh từng khu vực để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là các mô hình mới. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đạt hơn 9.700 ha; hình thành vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa, với tổng diện tích 293 ha. Chăn nuôi từng bước phát triển, với 11.100 con gia súc; gần 132.400 con gia cầm; duy trì gần 40 ha ao nuôi cá.
Việc phát triển đa dạng các mô hình kinh tế ở xã Đoàn Kết, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cấp ủy, chính quyền xã Đoàn Kết đang tiếp tục huy động các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân mở rộng quy mô sản xuất; duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/xay-dung-cac-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-NHzLRdQHR.html
Bình luận (0)