Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt, có tầm quan trọng lớn lao và được xem là hạt nhân của đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã xây dựng được một hệ giá trị gia đình mang tính chất bền vững.
Thời gian qua, việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, cùng các văn bản công tác gia đình góp phần định hình hệ giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng, định hướng giá trị và giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN |
Tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Lời dạy ấy vừa là một nhận định sâu sắc, vừa là kim chỉ nam cho mọi chính sách phát triển xã hội, nhấn mạnh vai trò then chốt của gia đình trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Minh Hải- Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa-TT-DL) cho biết, thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt công tác triển khai, tuyên truyền nội dung các văn bản, đặc biệt là nội dung bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, hệ giá trị gia đình Việt Nam; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, phê phán lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Mỗi năm, Sở Văn hóa-TT-DL tổ chức tuyên truyền chuyên đề về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nội dung cơ bản của Luật Phòng chống bạo lực gia đình... cho các tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho học sinh, sinh viên. |
Cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần gương mẫu trong việc chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” người dân tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa… đã góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Trong 3 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp đã đưa chỉ tiêu về gia đình văn hóa là nội dung trong chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Kết quả: Đạt đủ 8/8 chỉ tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình, 100% người bị bạo lực được hỗ trợ, số vụ bạo lực giảm mạnh (từ 22 vụ năm 2022 còn 10 vụ năm 2024). Đồng thời, phát triển hơn 300 CLB đờn ca tài tử, gia đình hạnh phúc, với trên 1.000 hội viên tham gia, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Xây dựng gia đình trong thời đại mới
Ông Phan Văn Thương (xã Trung Hiệp) cho biết, thực hiện bộ tiêu chí gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ông có lối sống lành mạnh, giản dị, chan hòa với mọi người, được mọi người tin yêu, quý mến chính vì vậy luôn tạo nên sự đoàn kết với xóm giềng và nơi cư trú.
Gia đình ông đã đóng góp 1 camera an ninh để góp phần bảo vệ an ninh trật tự xóm ấp. Bên cạnh đó, ông giáo dục con cháu trong gia đình không tham gia vào các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, ma túy, đá gà... và cũng phối hợp với các ban ngành đoàn thể ấp tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt góp phần giảm tệ nạn xã hội ở địa phương.
Trong thời đại mới, hệ giá trị gia đình càng có vai trò quan trọng. |
Chị Dương Thị Như Huyền (xã Trà Côn) thì chia sẻ: “Các cấp hội phụ nữ trong xã thường xuyên được hướng dẫn các quy định phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong thời đại mới, hệ giá trị gia đình càng có vai trò quan trọng. Để giữ hạnh phúc thì các thành viên phải quan tâm, cùng nuôi dạy con cái, chia sẻ cùng nhau từ những bữa cơm ngon mỗi ngày”. Bước vào giai đoạn mới, với yêu cầu ngày càng cao trong công cuộc xây dựng văn hóa và phát triển gia đình bền vững, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh yêu cầu cần kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt ở cấp xã- nơi trực tiếp triển khai các mô hình; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đổi mới công tác truyền thông, tăng cường tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Thường xuyên nêu gương, khen thưởng cho những gia đình mẫu mực; đồng thời, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn, tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Điều quan trọng là tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống, nhất là những giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng; phát triển con người Việt Nam thời kỳ hội nhập, trao truyền và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Cuộc sống dù có những biến đổi, nhưng gia đình vẫn là một tổ ấm yêu thương, một phần thiêng liêng không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, là động lực tinh thần to lớn để mỗi người nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/202507/xay-dung-he-gia-tri-gia-dinh-vun-dap-to-am-yeu-thuong-d48076f/
Bình luận (0)