Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 15 điều; phạm vi điều chỉnh là hỗ trợ cơ sở sản xuất có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh; người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Nghị định quy định mức hỗ trợ tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật trong vùng có dịch, ổ dịch đã có kết luận xét nghiệm; người chăn nuôi; người trực tiếp tham gia chống dịch (gồm cả người có và không hưởng lương ngân sách).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi mang tính thường quy bắt đầu từ hoạt động, quy trình trình chăn nuôi, con giống, quy chuẩn, quy mô chuồng trại, tiêm phòng... và đã có nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương được điều chỉnh ở ở nhiều văn bản khác nhau.
Vì vậy, Nghị định tập trung quy định quy trình ứng phó khi xảy ra dịch bệnh (khoanh vùng, tiêu hủy, tái đàn); hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch bệnh, cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Nghị định đã lồng ghép chính sách phòng dịch (hỗ trợ tiêu hủy sớm, hỗ trợ lực lượng tham gia hoạt động hoạt động phòng ngừa dịch bệnh); hỗ trợ khắc phục sau dịch bệnh giúp người chăn nuôi khôi phục sản xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ mục đích, yêu cầu thực tiễn và tính cấp thiết của Nghị định, đặc biệt phạm vi và đối tượng áp dụng, nhất là trong bối cảnh hiện tại, diễn biến dịch bệnh, nhất là trong nuôi trồng thủy sản, vẫn còn rất phức tạp.
Tuy nhiên, công tác phòng dịch còn thiếu chủ động, chưa phân công rõ ràng trách nhiệm, phân cấp quản lý, giao nhiệm vụ.
Đặt vấn đề về những đổi mới của Nghị định trong tư duy, phương pháp, cách làm, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho phòng, chống dịch bệnh so với trước đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Phòng không tốt thì chống sẽ vất vả. Cơ chế chính sách cho phòng, chống phải thật rõ ràng. Phải xác định “phòng là chính,” phòng sẽ quyết định hiệu quả của công tác chống dịch."
Gợi mở xem xét cách tiếp cận tương tự như trong phòng, chống thiên tai; coi đây là công việc thường xuyên, đòi hỏi sự chủ động cao độ, phân cấp mạnh mẽ, giao nhiệm vụ cụ thể, đi đôi với việc xây dựng năng lực, Phó Thủ tướng cho rằng các chính sách hỗ trợ cần kịp thời, tập trung đúng đối tượng, đúng địa bàn trọng điểm.
Các chính sách liên quan đến chống dịch, hỗ trợ và khắc phục thiệt hại phải được hoàn thiện, tích hợp đầy đủ vào Nghị định, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và tránh chồng chéo.
Yêu cầu làm rõ quy trình triển khai hoạt động chống dịch tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng phải có lực lượng chống dịch được đào tạo bài bản, “đúng người, đúng việc” tại các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp.
Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan chuyên môn ở địa phương (thú y, môi trường, y tế dự phòng...) chịu trách nhiệm tham mưu, huy động, điều phối lực lượng chống dịch.
“Cần xây dựng quy trình, thủ tục rõ ràng để trong tình huống cấp bách, các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là cơ sở tập trung có thể triển khai ứng phó kịp thời,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục nghiên cứu quy định về bảo hiểm trong chăn nuôi, nhất là với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chuỗi sản xuất, không để tình trạng “có lãi thì hưởng, có dịch bệnh thì Nhà nước lo”./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-quy-trinh-thu-tuc-ro-rang-trong-tinh-huong-dich-benh-dong-vat-cap-bach-246693.htm
Bình luận (0)