Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu tại Công ty CP chế biến hải sản Đông Dương (TP.Vũng Tàu). Ảnh: NGỌC MINH |
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức như sự sụt giảm ở một số mặt hàng chủ lực, phụ thuộc vào một số thị trường lớn và áp lực từ yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong 4 tháng đầu năm tất cả các nhóm hàng xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó nông sản đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,7%), lâm sản 5,56 tỷ USD (tăng 11,2%), thủy sản 3,09 tỷ USD (tăng 13,7%), sản phẩm chăn nuôi 178 triệu USD (tăng 16,8%), và đầu vào sản xuất 722 triệu USD (tăng 20%). Sáu mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với cà phê (3,78 tỷ USD, tăng 51,1%) và gỗ (5,2 tỷ USD, tăng 5,8%) dẫn đầu. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo và rau quả lại giảm lần lượt 14,3% và 14,2%, cho thấy sự bất ổn trong một số ngành hàng chủ lực.
Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là các thị trường lớn nhất, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,1%, và khu vực châu Á giảm 1,3%, phản ánh sự phụ thuộc lớn vào một số thị trường và nguy cơ mất cân đối khi nhu cầu biến động. Ngược lại, châu Âu (tăng 37,7%) và châu Phi (tăng 78,4%) nổi lên như các thị trường tiềm năng, mở ra cơ hội đa dạng hóa thị trường rất lớn.
Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu tăng 16,6%, đạt 15,97 tỷ USD, khiến xuất siêu giảm 4,1% còn 5,18 tỷ USD. Điều này cho thấy áp lực từ chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt ở nhóm sản phẩm chăn nuôi (tăng 27,8%) và thủy sản (tăng 29%), có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của ngành.
Ngành nông nghiệp và môi trường đang đối mặt với nguy cơ phát triển nóng, điển hình như ở mặt hàng sầu riêng, khi diện tích trồng vượt quy hoạch và chất lượng chưa đồng bộ. Sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc cũng là rủi ro lớn, khi thị trường này giảm 1,1% và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Theo ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tập trung vào các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng. Điển hình là cà phê, cao su và hạt tiêu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về giá (cà phê tăng 67,5%, hạt tiêu tăng 62,5%, cao su tăng 30,2%), cho thấy tiềm năng lớn trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu. Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến để duy trì chất lượng và tăng năng suất.
Để giải quyết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định việc cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm, và xây dựng hệ thống logistics hiện đại để giảm chi phí và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng suất và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nông sản và hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp tăng tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu của các thị trường như EU và Hoa Kỳ. Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường mới.
XUÂN NGUYỄN
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-tang-107-1041842/
Bình luận (0)