Sáp nhập vì sự phát triển chung của các địa phương
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực đưa đất nước ta phát triển vượt bậc, vươn mình trong kỷ nguyên mới. Đây là chủ trương lớn, vì tương lai phát triển của nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, do đó tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ, thống nhất rất cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Việc hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình bảo đảm theo đúng Nghị quyết của Trung ương và hợp lòng dân. Tất nhiên cũng có người lo lắng, băn khoăn về việc đặt tên tỉnh mới sau hợp nhất, tâm lý sợ “mất quê”. Song tôi cho rằng, lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình khi hợp nhất vẫn sẽ được giữ gìn, tôn vinh và phát huy trong một thực thể hành chính thống nhất và có tầm vóc lớn hơn.
Hiện nay, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào Đề án hợp nhất 3 tỉnh cũng đã cho thấy tinh thần phát huy dân chủ, tạo điều kiện để người dân có cơ hội tham gia ý kiến, kiến thiết quê hương. Tôi tin tưởng, sau sáp nhập sẽ tối ưu hóa nguồn lực, thu hút đầu tư lớn hơn, quy hoạch đồng bộ, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, cực tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đồng thời việc sáp nhập cũng sẽ tạo điều kiện để mở rộng văn hoá các vùng miền, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của 3 tỉnh hiện nay.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói “đất nước là quê hương”. Vì vậy, mỗi người dân hãy cùng nhìn về phía trước, dồn sức xây dựng tỉnh sau khi hợp nhất giàu đẹp, văn minh. Và tên gọi đơn vị hành chính tỉnh mới sau sắp xếp sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi gắn liền với sự phồn vinh, hạnh phúc của người dân và được bồi đắp giá trị bởi chính sự chung sức, đồng lòng của người dân của mỗi địa phương hôm nay.
Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Hùng
(Phường Bắc Sơn - thành phố Tam Điệp)
Nhân dân đồng tình với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Thực hiện Kế hoạch của UBND xã Quang Thiện (Kim Sơn) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, Ban công tác Mặt trận thôn 4 đã thành lập 2 Tổ lấy ý kiến với 5 thành viên đến từng hộ dân phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
Thôn 4 có 131 hộ dân, trong đó 45% là đồng bào Công giáo. Việc lấy ý kiến cử tri bắt đầu triển khai thực hiện từ sáng ngày 21/4, dự kiến sẽ hoàn thành trong ngày 22/4. Trong quá trình lấy ý kiến, các thành viên trong Tổ vừa lấy ý kiến vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Bước đầu của quá trình lấy ý kiến, bà con nhân dân đều đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước và hăng hái tham gia ý kiến thông qua nhận phiếu trực tiếp tại hộ gia đình. Người dân kỳ vọng sau khi sáp nhập và tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị hành chính mới, cùng bộ máy lãnh đạo mới sẽ phát huy hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.
Kết quả lấy ý kiến cử tri sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thiện phương án trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới. Do đó, các thành viên trong Tổ lấy ý kiến của thôn đã làm tốt công tác chuẩn bị, việc lấy ý kiến cử tri diễn ra nhanh chóng, đúng quy trình và quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.
Ông Hoàng Kim Trung
(Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn)
Không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
Tôi đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một bước chuyển mình mới của đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước; các địa phương sau khi sáp nhập có thêm dư địa cũng như điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo điều kiện cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm. Qua sắp xếp sẽ lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tôi cũng tin tưởng rằng, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính hoàn tất, bộ máy hành chính mới sẽ vận hành hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, của đất nước.
Là cán bộ đang công tác tại ngành Văn hóa và được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tôi nghĩ khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phần nào bị tác động và ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao. Đặc biệt là sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến ngành cho tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Nguyễn Thị Bích Hạnh
(Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình)
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/y-kien-nhan-dan-ve-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-009338.htm
Bình luận (0)