Cơ sở 2 Bệnh viện Truyền máu - huyết học nằm trong cụm y tế Tân Kiên (TP.HCM) có cơ sở khang trang, hiện đại phục vụ người bệnh - Ảnh: THANH HIỆP
Kể từ ngày 1-7, TP.HCM mới sẽ có 162 bệnh viện, bao gồm 12 bệnh viện bộ, ngành, 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 90 bệnh viện ngoài công lập.
Bên cạnh đó, khối phòng khám tư nhân cũng gia tăng số lượng đáng kể, cụ thể có hơn 9.000 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và hơn 15.000 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc.
Các cơ sở y tế tại TP.HCM được sắp xếp ra sao?
Với tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế TP tiếp nhận các trung tâm y tế quận, huyện về trực thuộc Sở Y tế và chuyển đổi thành trung tâm y tế khu vực; giữ nguyên trạng trụ sở, cơ sở vật chất, tài sản và nguồn tài chính; bộ máy tổ chức, lãnh đạo và số lượng người làm việc hiện có.
"Việc tái cấu trúc hệ thống y tế cơ sở là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Cụ thể, trước ngày 30-6 Sở Y tế sẽ tiếp nhận nguyên trạng 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và 273 trạm y tế phường, xã (các trung tâm y tế và trạm y tế tạm thời sẽ thuộc Sở Y tế TP.HCM quản lý từ ngày 1-7).
Tiếp đó, trong vòng 60 ngày tới Sở Y tế trình UBND TP phê duyệt đề án tổ chức lại 38 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức thành 38 trung tâm y tế khu vực; tổ chức lại 443 tạm y tế phường, xã thành 168 trạm y tế phường, xã mới và 299 điểm các điểm y tế.
Đồng thời căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế để xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trạm y tế phường, xã mới và các điểm y tế.
Để đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế giao các trung tâm y tế khu vực chịu trách nhiệm ưu tiên điều động bổ sung nguồn nhân lực để các điểm y tế đủ điều kiện được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (đối với các điểm y tế chưa triển khai khám chữa bệnh BHYT).
Cơ hội phát triển, sớm thành trung tâm y tế khu vực
Sở Y tế TP.HCM dự báo sau sáp nhập số lượt khám, chữa bệnh sẽ tăng cao tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP sau khi hợp nhất.
Số lượt khám bệnh sẽ tăng từ trên 42 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 51 triệu lượt/năm, số lượt điều trị nội trú sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 3,8 triệu lượt/năm.
Nếu so sánh trên phạm vi cả nước thì hệ thống y tế TP sẽ cung ứng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS.CKII Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ thêm sau sáp nhập nhu cầu dịch vụ y tế tại TP sẽ gia tăng về quy mô, đa dạng về loại hình như: nhu cầu các dịch vụ y tế liên vùng, chuyên sâu; dịch vụ y tế tư nhân, y tế quốc tế có xu hướng mở rộng; nhu cầu về chuyển đổi số, hệ thống quản trị và kết nối dữ liệu.
Quản lý một vùng rộng hơn sẽ tạo nhu cầu áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý, đặt lịch, lưu trữ và điều phối thông tin sức khỏe người dân toàn vùng. Ngành y tế cần số hóa mạnh hơn để thuận tiện các hoạt động...
Chính vì vậy, Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức ba hội thảo để thảo luận và đề ra nhiều giải pháp sau sáp nhập.
Các vấn đề cần tập trung tháo gỡ đã được xác định như: hồ sơ nhà đất các đơn vị đang quản lý; công suất sử dụng giường bệnh các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh; các dự án xây dựng mới, kế hoạch sử dụng; cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập, hợp nhất; diện tích các trạm y tế chưa đạt chuẩn... Điều này nhằm đảm bảo ngành y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn sau khi hợp nhất.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định việc hợp nhất không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành y tế TP phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Thực tế những năm gần đây, TP đã và đang triển khai nhiều hoạt động để nâng tầm ngành y tế. Hiện đã có những chuyên khoa phát triển ngang tầm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2, TP.HCM) được chuyên ngành y tế TP.HCM đưa vào sử dụng năm 2021 với cơ sở vật chất khang trang, thoáng mát, hiện đại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trạm y tế hoạt động ra sao từ ngày 1-7?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay từ 1-7 đối với các trạm y tế thành điểm trạm, các trạm này vẫn là nơi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như khám, chữa bệnh; tiêm chủng; công tác dự phòng. Do đó, người dân vẫn thực hiện thăm khám bệnh bình thường như trước đây.
Ngoài ra, đối với các trung tâm y tế có giường bệnh nội trú (gồm Trung tâm Y tế quận 3, 5, 10 và Cần Giờ) sẽ được ưu tiên tăng cường nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ xuống các trạm y tế phường, xã mới và các điểm y tế.
Tiếp đến sẽ chuyển đổi các trụ sở có giường bệnh nội trú hiện hữu của các trung tâm y tế (quận 3, 5, 10 và Cần Giờ) sang các loại hình phù hợp đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn TP.
Phát triển thêm cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đầu ngành
Theo thông tin từ BS.CKII Nguyễn Hoài Nam, TP sẽ chủ động nghiên cứu, mở rộng thêm cơ sở phục vụ theo mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành tại địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Điều này vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến khám chữa bệnh.
Đồng thời tham mưu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế như phát triển thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ tư, thứ năm theo quy hoạch mới ngoài ba cụm y tế chuyên sâu của TP (cụm y tế Tân Kiên, cụm y tế tung tâm và cụm y tế TP Thủ Đức).
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống y tế TP, đảm bảo đạt 35,1 giường bệnh/vạn dân vào năm 2030.
Nguồn: https://tuoitre.vn/y-te-tp-hcm-vuon-minh-som-tro-thanh-trung-tam-y-te-khu-vuc-20250630224330511.htm
Bình luận (0)