Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

An sinh xã hội - 'điểm tựa' để thúc đẩy tỷ lệ sinh con ở Việt Nam

(PLVN) - Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Đòi hỏi các gia đình, đặc biệt là người phụ nữ cần có nền tảng kinh tế vững chắc. Từ đó có thể thấy, hệ thống an sinh xã hội cần phải cải thiện hơn nữa để trở thành một “điểm tựa” cho người phụ nữ sẵn sàng sinh đẻ và nuôi dạy con cái.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam16/05/2025

Muôn vàn nỗi lo khi sinh con

Trên một số fanpage chia sẻ câu chuyện của những người mẹ trẻ, có rất nhiều nỗi lo lắng liên quan đến kinh tế, cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Mới gần đây nhất, câu chuyện của chị N.T.T (27 tuổi, sinh sống ở Hà Nội), một “mẹ bỉm sữa” tại các hội nhóm trên mạng cho biết, cô suy nghĩ, đắn đo khi quay trở lại công việc sau 6 tháng nghỉ thai sản.

Được biết, chị T đang làm giáo viên dạy Ngữ văn, hai vợ chồng thu nhập ổn định, sau một năm kết hôn chị T quyết định mang thai và sinh con. Ban đầu, chị T nghĩ chỉ cần 6 tháng sau sinh, con sẽ đủ cứng cáp, chị sẵn sàng quay lại dạy học. 6 tháng qua đi, nhìn đứa con còn non nớt, cô trăn trở rất nhiều để gửi con cho ông bà nội, ngoại trông và trở lại công việc. T cho biết, cô cần đi làm phụ giúp thêm thu nhập gia đình, chuẩn bị nền tảng kinh tế để lo cho con trong tương lai.

Theo thống kê, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023, xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp. Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con. Tuổi trung bình sinh con của phụ nữ Việt Nam ngày càng tăng. Như năm 2021, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ Việt là 28,4; đến năm 2024 số tuổi là 28,8, tức tăng 0,4 tuổi sau ba năm. Đây là một bằng chứng bổ sung, khẳng định phụ nữ Việt Nam ngày càng có xu hướng sinh con muộn hơn.

Đối với việc sinh con, chia sẻ với truyền thông, bác sĩ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay, sinh con muộn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là áp lực kinh tế và chi phí nuôi dạy con cái, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập không ổn định. Đời sống xã hội, kinh tế thay đổi, hàng loạt rủi ro về công ăn việc làm, hôn nhân khiến cho người phụ nữ cảm thấy không an toàn khi sinh con.

Số liệu từ Cục Thống kê, tính chung năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,7 triệu đồng. Chi phí nuôi một đứa trẻ ăn học trong một tháng lên đến cả chục triệu đồng. Chưa kể nhiều khoản phí khác như khám bệnh, mua quần áo, đồ chơi,... Một gia đình cơ bản, làm công ăn lương bình thường cần cả hai vợ chồng đi làm mới đủ nuôi con ăn học, khôn lớn. Cho nên, người mẹ không có thời gian để chăm lo cho nhiều đứa con cùng một lúc. Đối với các bà mẹ trẻ, vấn đề chi phí càng khó khăn hơn khi họ phải nghỉ thai sản ít nhất nửa năm, kinh tế gần như phụ thuộc vào gia đình hoặc người chồng.

An sinh, khởi nghiệp, kinh tế - “thế chân kiềng” giúp phụ nữ an tâm làm mẹ

Hiện nay, chế độ thai sản, hỗ trợ phụ nữ có con nhỏ ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Số lượng phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa được như mong muốn. Theo số liệu năm 2024, cho thấy tỷ lệ người tham gia bảo BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người. Tỷ lệ đóng BHXH ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019 và đang có xu hướng ngừng tham gia BHXH nhanh hơn nam giới. Năm 2021, Việt Nam có khoảng 15 triệu lao động nữ làm việc phi chính thức, chiếm một số lượng tương đối lớn trong tổng số nữ lao động.

Đối với những khối lao động phi chính thức, nếu không tham gia BHXH tự nguyện thì người phụ nữ không có chế độ thai sản, không được bảo đảm đầy đủ kinh tế, quyền lợi (theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ thai sản). Các ngành nghề khối phi chính thức hiện nay rất đa dạng như: công nhân, nông dân, người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, shipper, huấn luyện viên thể thao tại các phòng tập thể thao...

Để phụ nữ làm chủ cuộc sống, vượt qua rào cản, cần tuyên truyền, khuyến khích những nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn, sinh con tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, một số vấn đề an sinh xã hội cần cải thiện như chất lượng việc làm và điều kiện lao động thông qua việc tăng cường bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, đặc biệt trong khu vực phi chính thức; trợ cấp cho chế độ thai sản, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, quyền làm chủ kinh tế cho người phụ nữ cần được nâng cao bằng những chương trình, đề án hỗ trợ nguồn kinh phí cho họ khởi nghiệp, làm việc. Lấy ví dụ, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ là một hướng đi cần thiết. Những kiến thức và kỹ năng về công nghệ sẽ giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, mở rộng mạng lưới kinh doanh và tự tin hơn trong thời đại mới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong những năm qua đã chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo cơ hội bình đẳng, hội nhập.

Nguồn: https://baophapluat.vn/an-sinh-xa-hoi-diem-tua-de-thuc-day-ty-le-sinh-con-o-viet-nam-post548580.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm