Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Anh cứ hỏi đi, lùm xùm gì em cũng biết!"

(Dân trí) - Đó là câu trả lời của một sinh viên khi được hỏi về những vụ lùm xùm trên mạng xã hội nổi lên thời gian gần đây. Dường như thế giới ảo của nhiều bạn trẻ sôi động hơn nhiều so với đời sống thật...

Báo Dân tríBáo Dân trí07/05/2025

Dùng mọi lúc mọi nơi

Một đề tài nghiên cứu do Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tiến hành khảo sát trên 26.300 sinh viên trên cả nước vào năm 2023 chỉ ra rằng: Hơn 97% sinh viên sử dụng trên hai mạng xã hội, 85,1% sinh viên lựa chọn "lên mạng xã hội" là việc họ làm hàng ngày, trong đó với mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%.

Những con số này cho thấy, mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng với đời sống của đa số sinh viên hiện nay và có thể với không ít người là không thể tách rời.

Khi được hỏi về việc đã bao giờ nghĩ tới không dùng mạng xã hội trong một thời gian, Trần Minh Quang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tâm sự: "Thật sự rất khó hình dung một ngày không có mạng xã hội.

Từ lúc thức dậy, mình đã lướt Instagram, TikTok để xem bạn bè đăng gì mới. Đi học, ngồi quán cà phê, hay thậm chí khi chờ xe buýt, mình đều tranh thủ xem thông báo.

Mạng xã hội giúp mình kết nối với mọi người, cập nhật tin tức, và đôi khi chỉ để giải trí với những video hài hước. Cũng có những lúc mình lướt mà không có mục đích rõ ràng, có lẽ là bởi quen tay".

Anh cứ hỏi đi, lùm xùm gì em cũng biết! - 1

Mạng xã hội đang trở thành thứ không thể thiếu đối với mỗi sinh viên (Ảnh minh họa: AI).

Có cùng suy nghĩ, Lê Mạnh Quang, sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho biết: "Mỗi sáng, trước khi làm bất cứ việc gì, mình phải mở Instagram hoặc Facebook để xem có gì mới đã diễn ra lúc mình ngủ. Cảm giác cứ thiếu thiếu nếu không lướt mạng xã hội, như kiểu mình bị bỏ lỡ điều gì đó quan trọng".

Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Long, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc, thừa nhận: "Có những ngày mình dành đến 6-7 tiếng chỉ để lướt Facebook hoặc xem video trên YouTube.

Những lúc định làm gì đó thì lại vô tình bị cuốn vào, đôi khi mình định chỉ xem 5 phút, nhưng cuối cùng lại ngồi hàng tiếng. Việc học thì bị trì hoãn, bài tập chất đống, nhưng mình vẫn không cưỡng được việc lướt mạng. Một phần là để thư giãn, cũng biết là lạm dụng nhưng đành chịu".

Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho sinh viên. Đó là một công cụ kết nối bạn bè, mở rộng mối quan hệ, cập nhật thông tin nhanh chóng và tiếp cận nguồn tài liệu học tập phong phú. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu như sử dụng một cách bất hợp lý có thể đem đến những hậu quả khôn lường.

Tác động ra sao?

"Anh cứ hỏi đi, drama gì em cũng biết!". Đó là câu trả lời của một sinh viên khi được hỏi về những vụ lùm xùm trên mạng xã hội nổi lên trong thời gian gần đây. Đặc biệt, bạn sinh viên này còn cho biết đã bỏ tiền để tham gia "hóng" livestream về vụ lùm xùm liên quan một vài nghệ sĩ trẻ thời gian qua.

Cùng chung đam mê đó, Phạm Văn Dương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, kể lại: "Cứ định đi ngủ là lại có thông báo của Facebook về những tin tức mới nhất của drama nên lại phải dậy hóng". Điều đáng nói là những đêm không ngủ như vậy của Dương kéo dài cho đến khi những vụ lùm xùm lắng xuống.

Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian giới trẻ ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 7-8 giờ mỗi ngày và con số này đang có chiều hướng gia tăng trong những năm trở lại đây.

Tháng 10 năm 2024, tại hội thảo với chủ đề "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam", Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Trường đại học Y Hà Nội) đã chỉ ra mạng xã hội có thể gây đến các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần nếu sử dụng quá nhiều.

Trong số đó, trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao lãng trong học tập là hàng loạt các vấn đề đối với sức khỏe tâm thần mà người trẻ sẽ phải đối mặt.

Anh cứ hỏi đi, lùm xùm gì em cũng biết! - 2

Thời gian sử dụng mạng xã hội của một bạn sinh viên (Ảnh: H.T).

Tuy nhiên, Lê Mạnh Quang, sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, lại có một suy nghĩ khác: "Mình dùng mạng xã hội để đọc tin tức, xem video giải trí, và giữ liên lạc với bạn bè ở xa. Hầu như lúc nào rảnh mình cũng lướt, trừ khi đi ngủ.

Mình không gọi đó là nghiện, chỉ là vì mạng xã hội quá tiện ích, nó giống như một thói quen hay việc cần làm hơn. Ví dụ, mình có thể tìm hiểu về công nghệ mới, học mẹo vặt, hay thậm chí tham gia các nhóm học tập trên Facebook".

Thói quen hay là "nghiện"?

Một phát biểu vào năm 2005 của Tiến sĩ Keith W. Beard, đại học Wright State của Mỹ, chỉ ra rằng: "Một cá nhân bị nghiện khi trạng thái tâm lý của một cá nhân, bao gồm cả trạng thái tinh thần và cảm xúc, cũng như các tương tác học tập, nghề nghiệp và xã hội của họ, bị suy giảm do lạm dụng".

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện là trạng thái phụ thuộc định kỳ hoặc mãn tính vào các chất hoặc hành vi. Trạng thái này được đặc trưng bởi việc không thể kiểm soát hành vi nhiều lần, bất chấp những tác động và hậu quả tiêu cực, nhằm đạt mục đích giữ cho con người ở trạng thái vui vẻ ngay lập tức, hoặc giảm cảm giác khó chịu.

Như vậy có thể hiểu, việc sử dụng mạng xã hội hay xem các nội dung trên các nền tảng này với tần suất quá dày đặc để kích thích vui vẻ hoặc để xua đi những cảm giác tiêu cực, thậm chí là dùng mà không có mục đích trong một thời gian dài có thể được hiểu là sự lạm dụng Internet quá mức.

Thạc sỹ Lại Vũ Kiều Trang, giảng viên môn tâm lý học Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho rằng: "Khó mà đo lường chính xác mức độ nghiện, nhưng nếu xét về tần suất sử dụng, nhiều sinh viên đang có dấu hiệu phụ thuộc vào mạng xã hội.

Họ dành hàng giờ lướt mạng, và khi không được lướt, họ cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Nó không đơn thuần là thói quen vì đó là khi bạn sử dụng có mục đích, còn nhiều bạn lướt mạng xã hội mà chẳng biết để làm gì".

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sinh viên cần nhận thức rõ hai mặt của mạng xã hội để kiểm soát thời gian sử dụng, tránh rơi vào trạng thái nghiện. Việc thay đổi thói quen không dễ dàng, đòi hỏi ý chí mạnh mẽ và sự kiên trì. Hãy giảm dần thời gian lướt mạng, bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng đều đặn", cô nhấn mạnh.

Nguyễn Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng chia sẻ: "Mình từng nghĩ sống thiếu mạng xã hội là không thể. Mình thích đăng story, xem bạn bè bình luận, và theo dõi các KOL (người có sự ảnh hưởng) để học cách phối đồ hay trang điểm.

Nhưng cách đây vài tháng, mình quyết định "cai" mạng xã hội một tuần để tập trung ôn thi. Những ngày đầu, mình bồn chồn, cứ muốn cầm điện thoại lên lướt. Nhưng dần dần, mình thấy mình làm việc hiệu quả hơn, có thời gian đọc sách và nói chuyện với gia đình".

Mạng xã hội, nếu được sử dụng đúng cách, là công cụ hữu ích. Nhưng khi mạng xã hội trở thành trung tâm của cuộc sống, sinh viên cần nhìn nhận lại để tìm sự cân bằng giữa thế giới ảo và thực.

Hoàng Tiến

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/anh-cu-hoi-di-lum-xum-gi-em-cung-biet-20250502200634894.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm