Vũ Đình Hảo đến với xã Quảng Tân như một cơ duyên sau khi đã đi tìm hiểu rất nhiều nơi, nhiều khu vực ở các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh. Vào cuối năm 2023, anh quyết định dừng chân ở bản Sẹc Lống Mìn, xã Quảng Tân để đầu tư nuôi cá tầm thương phẩm. Ban đầu anh làm 5 bể chìm để nuôi cá tầm.
Đến nay sau gần 2 năm, anh đã làm chủ kỹ thuật và nuôi thành công cá tầm thương phẩm, anh tiếp tục đầu tư thêm 86 bể nổi để nuôi cá tầm, trong đó có 80 bể nổi nuôi cá giống cung ứng cho người dân ở Sapa nuôi thương phẩm và 6 bể nổi nuôi cá tầm thương phẩm nhằm nâng công suất, sản lượng xuất bán hàng năm. Với mô hình nuôi bể nổi này đã mang lại nhiều hiệu quả cao trong nuôi cá nước lạnh ở Quảng Tân và dễ kiểm soát yếu tố bất lợi cho vật nuôi.
Anh Vũ Đình Hảo, chia sẻ: So với bể chìm tôi đã đầu tư trước, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao để nuôi cá là xu hướng tất yếu vì nó không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiện lợi trong quá trình lắp đặt thi công, vệ sinh bể. Một ví dụ rất đơn giản, đó là khi mình muốn di chuyển vị trí bể nuôi ra nơi khác thì với bể nuôi chìm là gần như không thể thực hiện được vì nó xây cố định. Song với công nghệ bể nổi này khi muốn di chuyển mình chỉ cần cho thợ tháo dỡ tiện lợi và chuyển sang vị trí mới để lắp đặt lại, sau đó tiến hành nuôi tiếp.
Từ cá nhân nuôi cá tầm thương phẩm đầu tiên ở xã Quảng Tân thành công, đến nay anh Vũ Đình Hảo đã thành lập Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn với 7 thành viên tham gia để phát triển, mở rộng nghề nuôi cá tầm trên địa bàn xã. Trong tháng 7 này, anh tiến hành chuyển giống ra 6 bể nổi với mỗi bể có thể tích 1.000m3 để nuôi cá tầm thương phẩm và dự kiến từ nay đến năm sau, Hợp tác xã sẽ cung ứng ra thị trường từ 20-30 tấn cá tầm thương phẩm và nguồn cá tầm giống cũng lên tới 50-70 vạn con.
Ông Đinh Hữu Long, Phòng Kinh tế xã Quảng Tân, cho biết: Đối với mô hình nuôi cá tầm nước lạnh của cá nhân anh Vũ Đình Hảo, trước đây trong quá trình phát triển, địa phương luôn đồng hành và hỗ trợ để mở rộng mô hình nuôi và các thủ tục hành chính nâng cấp trở thành Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn. Đây là mô hình nuôi thủy sản nước lạnh rất thành công và là mô hình đầu tiên, duy nhất trên địa bàn xã đến thời điểm hiện tại. Ở Quảng Tân, nhân dân chủ yếu làm nghề nông - lâm nghiệp.
Với mô hình nuôi cá tầm nước lạnh bằng công nghệ bể nổi này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên địa bàn, góp phần tiếp tục nâng cao thu nhập cho nhân dân. Người dân địa phương cũng muốn Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn chủ công trong hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nhân dân. Nhất là hiện nay trên địa bàn xã có nhiều khu vực có nguồn sinh thủy nước lạnh từ rừng đầu nguồn rất tiềm năng để nhân dân địa phương có thể phát triển thêm nghề nuôi trồng thủy sản, từng bước phá thế độc canh cây quế và cây keo.
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn đã cung ứng được 10 vạn cá tầm giống cho thị trường Sapa và từ nay đến cuối năm có gần 10 tấn cá tầm thương phẩm xuất bán. Mạnh dạn trong suy nghĩ và tư duy, chàng thanh niên trẻ sinh năm 1995 Vũ Đình Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Cá Tầm bản Sẹc Lống Mìn đã không chỉ thành công trong nuôi con cá tầm nước lạnh ở Quảng Tân mà còn đổi mới, ứng dụng công nghệ bể nổi để nuôi trồng. Qua đó, không chỉ tiết giảm chi phí đầu tư mà còn nâng công suất, quy mô hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ap-dung-cong-nghe-be-noi-nuoi-ca-nuoc-lanh-o-quang-tan-3365069.html
Bình luận (0)