Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP HCM chiều 10-7, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết TP HCM hiện có 1.132 chung cư. Trong đó có 239 chung cư và 341 khối nhà xây trước năm 1975, cùng hàng trăm cơ sở khác được xây dựng từ năm 1975 đến 2001, song nhiều nơi đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Cư xá Độc Lập là kiểu chung cư cũ, đã tồn tại hàng chục năm. Nhiều chung cư tương tự có hệ thống PCCC nhưng đã xuống cấp, các thiết bị hư hỏng đến mức không sử dụng được.
Trong khi đó, phần lớn các chung cư cũ không có quỹ bảo trì để sửa chữa, thay thế thiết bị PCCC. Nghiêm trọng nhất hiện nay là việc cơi nới, che chắn trái phép đang rất phổ biến ở các chung cư cũ. Nhiều người dân tự ý cơi nới, mở rộng diện tích sinh hoạt, làm tăng nguy cơ cháy và cản trở công tác chữa cháy, cứu nạn.
Để phòng tránh tối đa việc cháy nổ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng cho rằng ngay từ vấn đề ăn ở, sinh hoạt cũng phải quản lý chất cháy, nguồn nhiệt. Giả sử khi cháy mà nguồn chất cháy ít thì sẽ giảm thiệt hại... Đồng thời, cần lưu ý việc cơi nới, che chắn trái phép vì sẽ gây cản trở lối thoát hiểm và tăng nguy cơ cháy lan.
"TP HCM đã có nhiều khuyến cáo và giải pháp PCCC cho từng khu vực. Chẳng hạn, tại nhà ở, người dân được khuyến khích trang bị bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động. Tại khu dân cư và công cộng phải có các mô hình PCCC tại chỗ" - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng nói.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) - Công an TP HCM, các vụ cháy nghiêm trọng thường xảy ra vào ban đêm. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn điện và thiết bị điện trước khi ngủ.
PC07 khuyến cáo người dân cần trang bị thiết bị báo cháy tự động và phương tiện chữa cháy, thoát nạn ban đầu. Đặc biệt, đối với các ngôi nhà kiểu "chuồng cọp" bịt kín, bắt buộc phải có lối thoát nạn thứ 2 để tránh hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra cháy. Mọi gia đình cần được tập huấn về PCCC và trang bị các thiết bị cần thiết như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây...
Công an TP HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý đấu nối nguồn điện khi không bảo đảm an toàn. Cần sử dụng các thiết bị điện, dây dẫn điện có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm phù hợp với công suất để tránh trường hợp quá tải gây mất an toàn.
Người dân nên thường xuyên kiểm tra các dây dẫn cung cấp nguồn điện cho các thiết bị đã sử dụng trong thời gian dài để xem có bảo đảm an toàn hay không và có biện pháp thay thế phù hợp.
Đồng thời, khi thiết kế, thi công các công trình nhà ở, phải tuân thủ đúng quy định về an toàn PCCC, bảo đảm có lối thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Mọi hành vi vi phạm quy định về PCCC sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/audio-tu-vu-chay-o-cu-xa-doc-lap-lam-sao-de-khong-tai-dien-196250711230403533.htm
Bình luận (0)