Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bác Hồ trong ký ức thượng tướng Trần Văn Quang

Sinh trưởng ở miền Trung, cuộc đời binh nghiệp của thượng tướng Trần Văn Quang thật phong phú và dạn dày trận mạc. Là một trong những danh tướng thuộc thế hệ khai quốc, thượng tướng Trần Văn Quang từng nhiều lần được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong đó ấn tượng nhất với ông là khi được bí mật đón Bác về thăm Đại đoàn 304 - Vinh Quang trên chiến khu Việt Bắc.

Báo Phú YênBáo Phú Yên20/05/2025

 

undefined
undefined

Cách đây 75 năm, vào ngày 10/3/1950, thực hiện quyết định của Bộ Tổng tư lệnh, Đại đoàn 304 - Vinh Quang được làm lễ thành lập tại Thanh Hóa với biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh 66, 9, 57 và một số đơn vị trợ chiến. Ông Trần Văn Quang được cử làm Chính ủy, còn ông Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh. Đây là đại đoàn bộ binh cơ giới chủ lực thứ hai của quân đội ta sau Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong. Bước vào thu đông 1950, để phối hợp với Chiến dịch Biên Giới ở chiến trường chính phía Bắc, Đại đoàn 304 đã cùng các LLVT Liên khu 3 mở các trận tấn công, chống càn ở Phát Diệm, Hà Nam, Hà Đông.

Đón Bác về thăm Đại đoàn 304 - Vinh Quang

Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II được tổ chức từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Theo lệnh triệu tập, Đại đoàn 304 cử ba đại biểu tham dự, nhưng do nhiệm vụ chiến trường cấp bách và giao thông đi lại khó khăn nên cuối cùng chỉ có Chính ủy Trần Văn Quang đến được với sự kiện trọng đại này.

Đây là lần đầu tiên đại hội Đảng diễn ra ở trong nước, cũng là đại hội duy nhất tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang biến chuyển từ giai đoạn cầm cự, phòng ngự sang tổng phản công. Đại hội này cũng đã quyết định ở mỗi nước của bán đảo Đông Dương tổ chức một đảng riêng để lãnh đạo cách mạng cho phù hợp với đặc điểm của từng nước. Ở nước ta, Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam.

Sinh thời, thượng tướng Trần Văn Quang đã kể về sự kiện trọng đại này: “Đến dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 dự khuyết, thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên. Cụ Tôn Đức Thắng đọc lời khai mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày bản Báo cáo Chính trị điểm lại quá trình hoạt động của Đảng từ khi thành lập, vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Lần đầu tiên được dự một đại hội lớn, quy tụ đại biểu khắp mọi miền, ai cũng cảm thấy tự hào, vui tươi, phấn khởi”.

Một ngày trước khi đại hội kết thúc, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cho gọi Chính ủy Trần Văn Quang lên và chỉ thị: “Bác Hồ có ý định đến thăm Đại đoàn 304. Ngày mai đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí xin bỏ phiếu trước và về Đại đoàn ngay để chuẩn bị kế hoạch đón Bác”.

Sáng hôm sau, Chính ủy Trần Văn Quang gặp cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Tạ Quang Chiến hẹn điểm đón bí mật ở bến đò sông Lô. Trên đường trở về đơn vị, trong đầu ông hình thành kế hoạch đón lãnh tụ. Khoảng 10 giờ đêm 19/12/1951, ông và một số cán bộ Đại đoàn 304 có mặt trước ở bến đò sông Lô. Chẳng bao lâu sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đội cận vệ cũng có mặt.

Vị tướng kể: “Bác gật đầu chào rồi ân cần hỏi tôi: “Ta đi đường nào hả chú?”. Tôi chỉ đường, đưa Bác và cả đoàn đi. Dưới ánh trăng rừng mờ mờ, chúng tôi lội bộ trên con đường mòn hướng về khu rừng xanh thẳm phía trước. Khi đi được khoảng hơn 10 cây số, Bác hỏi: “Đã gần đến chưa?”. Tôi thưa: “Còn hơn một cây số nữa thôi ạ”. Nhìn tôi, anh Tạ Quang Chiến khẽ trách: “Đáng lẽ anh phải tìm chỗ cho Bác nghỉ chân chứ”. Tôi giật mình và cảm thấy rất ân hận. Nhưng đã muộn. Mình đang sức thanh niên, còn Bác đã hơn 60 tuổi rồi mà phải đi liên tục trong đêm như thế làm sao không mỏi mệt. Tôi ái ngại trộm nhìn sang thấy Bác không nói gì, chân vẫn nhẹ bước đều trên đường rừng sỏi đá”.

Tư lệnh Trần Văn Quang kể: Bác ân cần nắm tay động viên chúng tôi, rồi chợt Bác nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và nói trong hơi thở: “Các chú cho Bác vào Nam với…”. Trước tình cảnh ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tinh ý bảo rằng: “Bác nhắc các đồng chí cố gắng giành thắng lợi lớn để sớm đón Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Lời Bác từ hôm ấy đã trở thành lời kêu gọi thiêng liêng, giúp chúng tôi và đồng đội vượt lên muôn ngàn hy sinh gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ”.

Quá nửa đêm đoàn người mới đến khu vực đóng quân của Đại đoàn 304. Khí trời đang rét. Rừng đêm càng rét hơn. Chính ủy Trần Văn Quang đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến một cái lán nhỏ mái lợp bằng lá cói thưa, có một chiếc giường tre lót lá chuối khô. Trong bóng tối lờ mờ, lãnh tụ ngồi xuống giường, tay sờ lấy chăn và nói với Chính ủy Trần Văn Quang: “Có tới hai chiếc chăn cơ à. Bác đắp một chiếc đủ rồi, chú mang một chiếc ra cho anh em đắp. Trời lạnh rét, các chú nhớ chăm sóc bộ đội”. Trước cử chỉ và lời nói ân cần của lãnh tụ tối cao, vị chính ủy trẻ xúc động không thốt nên lời. Ông cầm lấy một chiếc chăn, chào lãnh tụ rồi bước ra khỏi lán với bao cảm kích…

Mờ sáng, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo và Chính ủy Trần Văn Quang cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn 304 đến lán báo cáo tình hình đơn vị với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghe xong, Bác chỉ đạo thêm một số điều và hẹn: “Chiều nay các chú tập trung bộ đội để Bác nói chuyện”.

Nhằm đảm bảo bí mật cho vị lãnh tụ tối cao, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 304 không thông báo trước cho bộ đội rõ là Bác Hồ sẽ đến thăm mà chỉ yêu cầu chiều tập trung để nghe cấp trên về nói chuyện. Đúng 3 giờ chiều, cả đại đoàn có mặt đông đủ. Khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện, ai cũng hò reo vỗ tay vui mừng và xích lại gần để nhìn và nghe lãnh tụ cho rõ. Kỷ niệm vẫn còn in rõ ký ức lão tướng, ông nói: “Bác Hồ đối với bộ đội thân tình như cha với con. Bác ân cần thăm hỏi, khen ngợi về thành tích chiến đấu của đơn vị. Người cũng vui mừng thông báo những kết quả của Đại hội Đảng lần thứ II và nhiệm vụ sắp tới của quân dân ta và của riêng Đại đoàn 304. Bộ đội vỗ tay không ngớt, bày tỏ quyết tâm thực hiện những lời dạy của Người”.

Tư lệnh Trần Văn Quang (hàng ngồi, thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội ở chiến trường Trị Thiên năm 1967. Ảnh tư liệu

Lời nhắc nhở của Bác Hồ

Năm 1953, Trần Văn Quang được cử làm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đặc trách Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Ông luôn túc trực bên cạnh Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, để theo dõi từng diễn biến, bàn bạc và truyền đạt nhanh mọi mệnh lệnh. Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là thời khắc lịch sử chiều tối 7/5/1954, Tư lệnh Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn gọi điện lên báo cáo Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp rằng quân ta đã tiến vào hầm bắt sống tướng Christian De Castries và bộ chỉ huy quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hiệp định Genève được ký kết. Miền Bắc giải phóng. Năm 1958, Trần Văn Quang được phong thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng. Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, ông lại được cử bí mật vào miền Nam xây dựng các LLVT từ năm 1961, sau đó trở ra chỉ huy hai chiến trường trọng điểm khác là Quân khu 4 và Quân khu Trị Thiên. Trong một lần ra Hà Nội báo cáo tình hình về Chiến dịch Mậu Thân 1968, trước khi trở lại chiến trường, Tư lệnh Trần Văn Quang và Chính ủy Lê Chưởng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mời cơm thân mật.

Ông từng kể về kỷ niệm sâu sắc này: “Lúc ấy, Bác Hồ bệnh tình đã nặng, người gầy yếu xanh xao rất mệt, nhưng Bác vẫn cố ăn gần hết hai lưng bát cơm để động viên chúng tôi. Nhìn Bác, ai nấy đều cảm động. Sau bữa cơm, chúng tôi chào Bác để ra về. Bác ân cần nắm tay động viên chúng tôi, rồi chợt Bác nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và nói trong hơi thở: “Các chú cho Bác vào Nam với…”. Quá bất ngờ, chúng tôi nghẹn ngào không thốt nên lời. Trước tình cảnh ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tinh ý bảo rằng: “Bác nhắc các đồng chí cố gắng giành thắng lợi lớn để sớm đón Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Lời Bác từ hôm ấy đã trở thành lời kêu gọi thiêng liêng, giúp chúng tôi và đồng đội vượt lên muôn ngàn hy sinh gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ”.

Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/bac-ho-trong-ky-uc-thuong-tuong-tran-van-quang-9b45ec7/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm