Nghề làm bánh đa nem của làng Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên cũ) nay thuộc phường Vân Hà có lịch sử hàng trăm năm. Sản phẩm làng nghề gắn với sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và kỹ thuật sản xuất của các nghệ nhân được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để làm ra những chiếc bánh đa nem thơm ngon, dẻo dai, người thợ thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Công đoạn phơi bánh là một trong những bí quyết quyết định độ dẻo dai, thơm ngon của bánh đa nem Thổ Hà. Ảnh tư liệu. |
Trước hết, chọn loại gạo tẻ ngon, vo sạch và ngâm kỹ trong nước có pha muối theo tỷ lệ rồi xay nhuyễn thành bột. Bột được tráng thành lớp mỏng trên khuôn, hấp chín rồi phơi trên giàn tre cho khô. Công đoạn phơi bánh là một trong những bí quyết quyết định độ dẻo dai, thơm ngon của bánh.
Bánh đa nem Thổ Hà là sản vật nổi tiếng gần xa, được tiêu thụ rộng khắp cả nước và xuất khẩu. Hiện nay, làng có hàng trăm hộ làm nghề, mang lại thu nhập khá. Sự tồn tại, phát triển của nghề thủ công truyền thống cùng với hệ thống di tích tiêu biểu như đình, chùa, từ chỉ Thổ Hà tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cho vùng đất này. Những năm gần đây, nhiều hộ kết hợp làm bánh với đón khách du lịch, cho du khách trải nghiệm tráng bánh, phơi bánh, tạo nên nét riêng có của làng nghề Kinh Bắc.
Soọng cô là hình thức dân ca trữ tình, độc đáo, gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại huyện Lục Ngạn, nay thuộc các phường, xã: Phượng Sơn, Chũ, Lục Ngạn, Kiên Lao, Nam Dương. Soọng cô có nghĩa là “hát giao duyên”. Lời ca mộc mạc, giàu hình ảnh ví von, mang âm hưởng da diết, sâu lắng, là phương tiện để trai gái bày tỏ tình cảm, cha mẹ dạy con cái về đạo lý làm người, cộng đồng nhắn nhủ nhau đoàn kết, gắn bó.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Lục Ngạn giao lưu hát Soọng cô. (Ảnh: PV) |
Trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng nhà mới, người dân lại rộn ràng cất tiếng Soọng cô. Những câu hát mở đầu thường nhẹ nhàng sau đó dần dần đẩy cảm xúc lên cao trào, mang đến sự lôi cuốn đặc biệt cho người nghe. Nét độc đáo của Soọng cô không chỉ nằm ở giai điệu mà còn ở cách biểu diễn mang tính đối đáp linh hoạt, sáng tạo. Mỗi cặp hát có thể kéo dài cả đêm, thể hiện tài ứng đối, trí tuệ và vốn ngôn ngữ phong phú của người hát. Đây chính là “chìa khóa” góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu trong bối cảnh hiện đại. Tại những nơi này, nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn giữ được hàng trăm làn điệu cổ, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ qua các câu lạc bộ văn nghệ.
Việc công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian Soọng cô và nghề làm bánh đa nem Thổ Hà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo tại địa phương mà còn mở ra cơ hội để các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng di sản, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-dan-ca-soong-co-va-nghe-lam-banh-da-nem-tho-ha-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-postid421496.bbg
Bình luận (0)