Nhu cầu vào các cụm công nghiệp sản xuất tập trung lớn
Công ty cổ phần Công nghệ HTS, Công ty chuyên sản xuất các các loại JIG (đồ gá, linh kiện nhựa, sản phẩm cơ khí chính xác…) mỗi năm sản xuất khoảng 200 bộ khuôn thép để đúc nhựa, 500-700 bộ gá bán tự động và hàng trăm nghìn sản phẩm nhựa; doanh thu khoảng 35 tỷ đồng và nộp thuế nhà nước gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho 35 công nhân. Các sản phẩm của Công ty đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, hiện có nhiều doanh nghiệp FDI đã ký hợp đồng sản xuất mua sản phẩm nhưng Công ty không thể đáp ứng vì khó mở rộng sản xuất.
Theo anh Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ HTS, từ khi thành lập (tháng 10/2020) đến nay, doanh nghiệp của anh vẫn phải đặt trụ sở và thuê mặt bằng, nhà xưởng của Công ty cồ phần Nhựa Bắc Giang (tại phường Đa Mai) theo hình thức hợp tác sản xuất. Doanh nghiệp đang liên hệ với chủ hạ tầng một số cụm công nghiệp trong tỉnh có vị trí thuận lợi, nhưng các đơn vị này chỉ cho thuê với diện tích từ 10 nghìn m2 trở lên.
Anh Trần Thanh Hải (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ HTS cùng khách hàng kiểm tra sản phẩm cơ khí do Công ty anh sản xuất. |
Không chỉ Công ty cổ phần Công nghệ HTS, nhiều doanh nghiệp khác cũng có nhu cầu mở rộng sản xuất và mong muốn được vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tìm hiểu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ khí chính xác Thành Phát, phường Bắc Giang, được biết doanh nghiệp cũng sản xuất các thiết bị khuôn mẫu đúc nhựa, với sản phẩm chất lượng cao nên đơn hàng ngày một tăng. Song hiện tại, nhà xưởng của Công ty đang nằm trong khu dân cư, diện tích lại chật hẹp (khoảng 300 m2) nên không thể tăng ca sản xuất vì tiếng ồn gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Mong muốn của đơn vị là được thuê đất trong các cụm công nghiệp để sản xuất nhưng chưa đủ nguồn lực, cho nên Công ty đang tìm đối tác để chung nhau 1 suất đầu tư trong cụm công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến nay, toàn tỉnh có 45,37 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 2,58 nghìn doanh nghiệp vốn đầu tư ngước ngoài (FDI), còn lại hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều có quy mô nhỏ và vừa. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư quốc tế đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước phát triển, mở rộng sản xuất, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đáp ứng các tiêu chí sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, nhiều doanh nghiệp mong muốn được thuê đất trong các cụm công nghiệp để sản xuất. Bởi khi vào cụm công nghiệp, doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ hạ tầng cùng nhiều ưu đãi khác để yên tâm sản xuất, đồng thời có mặt bằng để đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất công nghiệp
Bắc Ninh có 96 cụm công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 3,67 nghìn ha. Trong đó, có 65 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng. Số cụm công nghiệp còn lại do UBND cấp huyện, cấp xã, Ban quản lý công nghiệp (trước đây) làm chủ đầu tư.
Toàn tỉnh có 64/96 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 2,17 nghìn ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê hơn 1,05 nghìn ha, thu hút được 869 dự án đầu tư, trong đó có 716 dự án đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt khoảng 72,5%. Những con số này cho thấy lượng doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp sản xuất chiếm tỷ lệ không nhiều.
Theo ông Hà Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang (đơn vị chủ đầu tư Cụm công nghiệp Việt Nhật, xã Xuân Cẩm), nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ khó đầu tư vào cụm công nghiệp do: Đơn giá thuê đất của Cụm công nghiệp Việt Nhật là 130 USD/m2/49 năm (một số cụm công nghiệp khác trong tỉnh giá thuê đất dao động từ 150-170 USD/m2/49 năm - PV). Đơn vị ưu tiên tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp thuê mặt bằng với diện tích từ 1 nghìn m2 trở lên. Doanh nghiệp đầu tư diện tích mặt bằng nhỏ nhất tại Cụm công nghiệp Việt Nhật là 2 nghìn m2. Dù vậy, nếu đầu tư xây dựng nhà xưởng bài bản theo quy định (có cả hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt tiêu chuẩn) thì nhà đầu tư thứ cấp phải chi phí khoảng 7 tỷ đồng/1 nghìn m2, nên không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng có khả năng đầu tư sản xuất.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai, thời gian qua, cả tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đều đưa ra chính sách hấp dẫn. Tỉnh Bắc Ninh (cũ) ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn, quy định diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng là 1 nghìn m2; diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng trong cụm công nghiệp làng nghề là 500 m2. HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành đề án, cùng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có nội dung hỗ trợ mặt bằng sản xuất (tại Nghị quyết số 37/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Giang, ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025). Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ. Theo ông Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh, nguyên nhân do các chính sách hỗ trợ này không phù hợp với Nghị định số 80/2021-NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên đã bị bãi bỏ.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lạng Giang đề xuất tỉnh và Nhà nước cần có chính sách mới, đơn cử như: Yêu cầu các chủ hạ tầng cụm công nghiệp “trích” khoảng 20% tổng diện tích đất của cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương bị thu hồi đất thuê với giá ưu đãi. Qua trao đổi, đề xuất này không chỉ nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp nhỏ, mà của cả các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Nhưng với điều kiện, địa phương cần đăng ký trước khi các cụm công nghiệp bắt tay vào xây dựng hạ tầng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương phải có nhu cầu.
Ước vọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vào các cụm công nghiệp sản xuất là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để thành hiện thực, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền các cấp và ngành liên quan cần có những giải pháp sát thực, sớm đưa vào áp dụng. Về phía các chủ doanh nghiệp cần năng động tiếp cận các nguồn vốn; chủ động liên doanh, liên kết với những chủ thể sẵn có mặt bằng, phù hợp với các chính sách hỗ trợ hiện tại để mở mang sản xuất.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-doanh-nghiep-nho-khat-cum-cong-nghiep-postid422140.bbg
Bình luận (0)