|
Ông Lời theo dõi từng trà ruộng để áp dụng kỹ thuật phù hợp |
Sau mấy lần cuộc hẹn phải lùi lại, vì nông dân Hồ Văn Lời đang phải “rong ruổi’" trên cánh đồng gần 9ha của gia đình để kiểm tra, chăm sóc lúa, tôi đến Thanh Lam Bồ khá trưa. Lúc này mới gặp được ông Lời, cũng mới từ ruộng về.
Ông Lời cho biết: Vụ hè thu năm nay bị dang dở. Lúa mới được 15 - 20 ngày tuổi, gặp mấy trận mưa lớn, lụt, bị ngâm nước chết hết, phải gieo lại đến lần thứ hai. Tôi sản xuất trên diện tích lớn nên “tuổi” lúa khác nhau, tùy từng trà ruộng. Có trà lúa sắp làm đòng, cũng nhiều trà mới giai đoạn bón thúc nên phải bám sát, kiểm tra để kịp thời áp dụng biện pháp, kỹ thuật chăm sóc từng trà lúa cho phù hợp, giúp lúa sinh trưởng khỏe mạnh, cho năng suất cao.
Đưa chiếc khăn để chồng lau mồ hôi ròng ròng trên mặt, bà Lê Thị Xoa, vợ ông Lời cười bảo: “Trong nhà chỉ một mình chồng tôi cáng đáng công việc đồng áng. Mỗi năm làm 2 vụ lúa, cứ bắt đầu vào vụ cho đến lúc thu hoạch xong, ngày nào ông ấy cũng tất bật với ruộng đồng; hầu hết thời gian ở ngoài ruộng. Những đợt cao điểm, mỗi ngày chồng tôi thức dậy từ 2 giờ sáng để ra ruộng. Trưa nắng chỉ tranh thủ về ăn cơm, nghỉ ngơi một chút, rồi lại ra ruộng đến tầm 8 giờ tối mới về đến nhà. Chạy lui chạy tới với 9ha ruộng, mỗi ngày tiêu tốn hết hơn 50 nghìn đồng tiền xăng”.
Ông Lời cho biết, mấy chục năm trước, mới “khởi nghiệp”, cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn, ông phải bưng thúng, dùng tay rải phân cho lúa. Bây giờ đã sắm máy nhưng người nông dân vẫn phải lội bùn, đi từng luống, chiếc bình đeo trên lưng nặng 4-5 chục kg, vất vả lắm. “Sử dụng dịch vụ máy bay không người lái để rải phân, phun thuốc thì nhanh hơn nhiều, đỡ vất vả, tuy nhiên có thể gặp tình trạng không đều như phun thủ công và giá thuê đắt hơn. Tôi lựa chọn lấy công làm lãi, vất vả mấy chục năm nay, quen rồi” - ông Lời cười mộc mạc.
Chắt chiu, cần mẫn, sớm khuya trên đồng ruộng, vụ lúa đông xuân, ông Lời thu lãi ròng tầm 200 triệu đồng; vụ hè thu lãi tầm 100 triệu đồng. Những năm qua, ông Lời đầu tư máy cày lớn, nhỏ, máy bơm, xe vận chuyển, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng để phục vụ công việc đồng áng của gia đình, vừa cày, bơm nước và vận chuyển thuê cho bà con trong thôn nhằm tăng thêm nguồn thu nhập.
Mấy chục năm qua, từ ruộng lúa và những nỗ lực lao động, ông Lời là trụ cột gia đình, phát triển kinh tế ngày một khá giả; xây được nhà cửa khang trang cùng các vật dụng tiện nghi phục vụ cuộc sống, có của ăn của để. Theo vợ chồng ông Hồ Văn Lời, “tài sản” quý giá nhất của họ là 6 người con được nuôi dạy nên người, đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” xã Phú Vang cho biết, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Lời còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Là nông dân có “thâm niên” sản xuất giỏi, ông Lời còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong câu lạc bộ, nông dân trên địa bàn thôn và xã. “Trong tình cảm của người dân Thanh Lam Bồ, ông Lời là “kiện tướng nông dân”, tấm gương để người dân trên địa bàn cùng nỗ lực lao động sản xuất”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/mot-minh-ganh-9-ha-ruong-155767.html
Bình luận (0)