Sau sáp nhập, không gian tỉnh Khánh Hòa được mở rộng, cơ sở hạ tầng sản phẩm du lịch cũng đa dạng, phong phú hơn. Ngành Du lịch Khánh Hòa đang hướng đến sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Những con số ấn tượng
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh rất sôi động, đặc biệt là khu vực Nha Trang, Cam Lâm, Vĩnh Hy, Ninh Chử…, với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), trong 6 tháng, Khánh Hòa đã đón hơn 8,5 triệu lượt khách, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 2,8 triệu lượt khách quốc tế đã chọn Khánh Hòa làm điểm đến, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Con số hơn 5,7 triệu lượt khách nội địa với mức tăng 21,5% cũng cho thấy sức hút của du lịch Khánh Hòa. Lượng khách tăng cao đã đưa tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 34.000 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Du khách chụp ảnh check-in khi tham quan Hòn Bà. |
Sau sáp nhập, Khánh Hòa trở thành một địa phương giàu có về tài nguyên du lịch. Tỉnh sở hữu những vịnh biển tuyệt đẹp như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy; các tháp Chăm và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Chăm, Raglai; Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà... và rất nhiều tài nguyên văn hóa, du lịch khác. Đồng thời, Khánh Hòa có thế mạnh về cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch như sân bay, cảng biển, giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi, hệ thống cơ sở lưu trú rất lớn. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, hiện tại, toàn tỉnh có 1.441 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.500 phòng. Trong đó, 111 cơ sở được công nhận 3 - 5 sao với 28.296 phòng, chiếm hơn 40% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh...
Cần những bước đi chiến lược
Theo ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, năm 2025, ngành Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón khoảng 15,7 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch khoảng 66.442 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng biển, thời gian tới, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh khai thác các tour du lịch khám phá văn hóa Chăm, du lịch thể thao biển, sinh thái núi rừng, du lịch nông nghiệp ở khu vực phía nam tỉnh. Về lâu dài, ngành sẽ tái định vị không gian phát triển du lịch, nâng tầm sản phẩm và dịch vụ, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, mở rộng thị trường khách quốc tế… để hướng du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Khách du lịch mua sắm ở chợ đêm Nha Trang. |
Nhiều chuyên gia du lịch cũng đánh giá cao cơ hội của du lịch Khánh Hòa sau sáp nhập. Trước đây, Khánh Hòa là một trung tâm du lịch lớn nhưng không mạnh về du lịch văn hóa. Bằng chứng là trong báo cáo Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2024, chỉ số Tài nguyên văn hóa của Khánh Hòa xếp thấp nhất trong số 30 tỉnh, thành phố (trước sáp nhập) được đưa vào đánh giá. Nhưng hiện nay, với việc mở rộng về phía nam, Khánh Hòa trở thành một địa phương rất giàu có về tài nguyên văn hóa, nhất là văn hóa Chăm và Raglai. “Sở VH-TT-DL Khánh Hòa cần đẩy mạnh quảng bá giá trị văn hóa Chăm, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa. Đồng thời, ngành Du lịch cần có định hướng để đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch biển cao cấp như tour du thuyền, thuyền buồm theo các tuyến Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Vĩnh Hy, Vân Phong - Vĩnh Hy, hay xa hơn nữa là Nha Trang - Côn Đảo…”, ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Focus Travel Group chia sẻ.
Du khách trải nghiệm lướt ván diều tại bãi biển Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải. Ảnh: Thái Huy |
Để thúc đẩy phát triển du lịch sau sáp nhập, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT-DL khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hoạt động chi tiết cho 6 tháng cuối năm 2025. Trong đó, đồng chí Nguyễn Long Biên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở VH-TT-DL phải đặc biệt quan tâm nâng tầm quy mô và chất lượng các sự kiện trọng điểm như: Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm dịp Lễ hội Katê, Giải lướt ván diều quốc tế… Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác cũng cần được đổi mới, sáng tạo để thu hút đông đảo người dân và du khách. Sở VH-TT-DL cần rà soát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực.
Mới đây, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025 - 2030, trong đó xác định du lịch - dịch vụ là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế. Nghị quyết đặt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các trụ cột kinh tế khác cùng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân. Đến năm 2030, tổng lượt khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 10,5 triệu lượt; có 100.000 phòng lưu trú du lịch, trong đó khoảng 75% phòng đạt chuẩn từ 3 - 5 sao; tạo việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch; tỷ trọng đóng góp trong GRDP 15%; đóng góp vào thu ngân sách 20%.
XUÂN THÀNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202507/da-dang-hoa-san-pham-nang-tam-du-lich-khanh-hoa-a234e07/
Bình luận (0)