Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 2: Ẩm thực Đà Nẵng "vươn" ra thế giới

Ẩm thực Đà Nẵng được truyền thông và du khách trong nước lẫn quốc tế chú ý nhiều hơn kể từ tháng 6-2024 khi cẩm nang ẩm thực được cả thế giới công nhận là Michelin Guide đưa Đà Nẵng vào danh sách điểm đến ẩm thực thứ ba của Michelin Guide tại Việt Nam. Năm 2025, Michelin Guide tiếp tục đưa Đà Nẵng vào danh sách 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025. Đây là cơ hội vàng để ngành du lịch quảng bá và lan tỏa các giá trị trải nghiệm, các giá trị đặc sắc của ẩm thực Đà Nẵng ra thế giới.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng14/05/2025

Nhà hàng Indian Aroma (quận Ngũ Hành Sơn) nằm trong danh sách được Michelin chọn là nhà hàng, quán ăn đáng để thử (Michelin Selected) năm 2024.  Ảnh: NGỌC HÀ
Nhà hàng Indian Aroma (quận Ngũ Hành Sơn) nằm trong danh sách được Michelin chọn là nhà hàng, quán ăn đáng để thử (Michelin Selected) năm 2024. Ảnh: NGỌC HÀ

Ẩm thực là câu chuyện văn hóa

Nhiều năm qua, thành phố từng bước phát triển mô hình ẩm thực gắn với trải nghiệm du lịch và văn hóa. Không chỉ ăn ngon, du khách còn được nghe kể chuyện về món ăn, về con người và vùng đất.

​​​​​​​Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng cho biết, trước đây, khách sạn và khu nghỉ dưỡng chủ yếu được xem là nơi lưu trú - một điểm dừng chân cho du khách sau những hành trình khám phá; tuy nhiên, xu hướng du lịch ngày nay đã thay đổi rõ rệt.

Du khách, đặc biệt là khách quốc tế và những người có gu trải nghiệm cao cấp ngày càng quan tâm sâu sắc đến văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực. Họ không chỉ muốn “ăn ngon” mà còn muốn “hiểu rõ” về những gì mình đang thưởng thức - từ nguyên liệu, cách chế biến đến ý nghĩa văn hóa đằng sau từng món ăn. Nắm bắt điều đó, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng chủ động khai thác yếu tố ẩm thực không chỉ như một dịch vụ, mà đã biến nó trở thành điểm nhấn trải nghiệm.

“Furama Reo ort Đà Nẵng là một ví dụ tiêu biểu. Chúng tôi đã phục dựng và đưa vào hoạt động một ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi từ vùng Tây Bắc, tạo không gian truyền thống, mộc mạc để phục vụ ẩm thực chay Việt Nam. Tại đây, du khách không chỉ được thưởng thức những món chay tinh tế mà còn có cơ hội tham gia lớp học nấu ăn, tìm hiểu triết lý và văn hóa ẩm thực của người Việt. Đây là một hình thức du lịch trải nghiệm được rất nhiều du khách quốc tế yêu thích.

Bên cạnh đó, nhiều khách sạn tại Đà Nẵng cũng có những cách khai thác ẩm thực rất sáng tạo và độc đáo như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort kết hợp tinh hoa ẩm thực Việt với phong cách phục vụ đẳng cấp quốc tế. Naman Retreat tổ chức các buổi workshop nấu ăn với đầu bếp địa phương, nơi du khách có thể học làm bánh xèo, gỏi cuốn hay nước mắm chua ngọt - những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc Việt.

TIA Wellness Resort tập trung vào ẩm thực tốt cho sức khỏe với các nguyên liệu hữu cơ và chế độ ăn thực dưỡng, kết hợp giữa món Việt truyền thống và kỹ thuật chế biến hiện đại. Tất cả nỗ lực này đều hướng đến một mục tiêu chung: biến ẩm thực thành một hành trình khám phá văn hóa sống động, giúp du khách không chỉ nghỉ dưỡng mà còn hiểu về nơi mình đến”, ông Quỳnh nói.

Bà Đỗ Thị Yến, Giám đốc Chuỗi nhà hàng Draff beer & Veranda cho rằng, ẩm thực đã chứng tỏ vai trò quan trọng đối với du lịch. Không chỉ là dịch vụ ăn uống thông thường, rất nhiều câu chuyện thú vị, nét văn hóa trong đời sống bản địa cũng có thể được truyền tải sinh động thông qua bàn ăn, hoặc trong quá trình tiếp xúc giữa người nấu ăn, người bán hàng với thực khách.

“Xây dựng câu chuyện cho món ăn rất quan trọng để khi thưởng thức, khách hàng cảm nhận món ăn ngon hơn, hiểu biết hơn và thi vị hơn. Ngoài những món đặc trưng của Đà Nẵng, các món ăn phổ biến khác từ hải sản, người Đà Nẵng vẫn có cách chế biến rất riêng. Đó là cách chúng ta đưa văn hóa vào ẩm thực, tạo nên sự khác biệt thu hút du khách đến với thành phố”, bà Yến bày tỏ.

Lan tỏa giá trị

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng là một trong số các địa phương tích cực dùng nhiều hình thức để quảng bá ẩm thực như một sản phẩm du lịch, một cầu nối để du khách biết đến nhiều hơn. Để giới thiệu, quảng bá các món ăn địa phương, ngành du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn về ẩm thực như lễ hội Ẩm thực quốc tế Đà Nẵng 2019; ngày hội ẩm thực Đà Nẵng nằm trong chuỗi sự kiện lễ hội Tận hưởng mùa hè hằng năm; hội thi “Mì Quảng chuẩn vị”, lễ hội Văn hóa ẩm thực Tết Quảng Đà”…; quảng bá trên các nền tảng xã hội; điển hình là thành phố lựa chọn mì Quảng để giới thiệu với các đại biểu tham dự APEC 2017.

Ngoài ra, Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng phối hợp tổ chức lễ hội ẩm thực hằng năm, thi tài giữa các đầu bếp, sản xuất nội dung về món ngon Đà Nẵng đăng tải trên YouTube, TikTok…

Từ những nơi kinh doanh ẩm thực truyền thống lâu năm như chợ Hàn, chợ Cồn, các phố chuyên doanh ăn uống cầu Trần Thị Lý, đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thanh Nghị… cho đến các trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống mới như chợ đêm Sơn Trà, Helio cũng tạo được dấu ấn tốt, được du khách yêu thích và chia sẻ đánh giá trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ẩm thực Đà Nẵng được truyền thông và du khách trong nước lẫn quốc tế chú ý nhiều hơn kể từ tháng 6-2024, cẩm nang ẩm thực được cả thế giới công nhận là Michelin Guide đưa Đà Nẵng vào danh sách điểm đến ẩm thực thứ ba của Michelin Guide tại Việt Nam.

Có 36 nhà hàng, quán ăn tại Đà Nẵng nằm trong Michelin Guide, trong đó 1 nhà hàng đạt 1 sao Michelin, 16 Bib Gourmand (nhà hàng, quán ăn chất lượng tốt với giá hợp lý) và 19 Michelin Selected (nhà hàng, quán ăn đáng để thử). Đây là cơ sở để ẩm thực Đà Nẵng được ghi nhận và được biết đến nhiều hơn; mặt khác là động lực để các đơn vị kinh doanh không ngừng xây dựng thương hiệu ẩm thực.

Là một trong số các nhà hàng, quán ăn được trao giải Michelin Selected, bà Nguyễn Thị Tâm (60 tuổi, chủ quán mì Quảng 1A) không khỏi bất ngờ. Kể với chúng tôi, bà Tâm cho biết gia đình bà bán mì Quảng lâu đời, truyền từ đời bà nội đến cha rồi bà tiếp quản đã mấy chục năm. Từ gánh mì Quảng dọc bến sông Bạch Đằng và đến địa chỉ quán ở đường Hải Phòng (quận Hải Châu) ngày nay vẫn mang nét đặc trưng của người Quảng là mì tôm, thịt và mì gà. “Chúng tôi có lượng khách hàng lâu năm; sau đó, nhờ du lịch phát triển, nhiều du khách tìm đến hơn.

Khi nghe tin quán chúng tôi trở thành 1 trong số quán được Michelin chọn là quán ăn đáng để thử, tôi cũng khá bất ngờ vì không biết họ là ai, đến khảo sát khi nào. Nhưng từ khi được gắn bảng Michelin Selected nhiều người biết đến quán vì tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. Chúng tôi cũng ý thức hơn, đầu tư hơn về phương pháp phục vụ, duy trì chất lượng món ăn nhằm góp phần quảng bá ẩm thực thành phố đến đông đảo du khách”, bà Tâm chia sẻ.

Đến nay, La Maison 1888, nhà hàng đặc biệt nhất trong khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là nhà hàng duy nhất tại Đà Nẵng được trao tặng 1 sao Michelin. Theo đánh giá của các chuyên gia ẩm thực, nhà hàng La Maison 1888 không chỉ mang đến trải nghiệm ẩm thực thượng hạng, mà còn tổ chức các buổi tối rượu vang và món Việt dành cho khách muốn khám phá sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Ông Seif Hamdy, Tổng quản lý của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cho biết: “Kể từ khi khai trương, La Maison 1888 luôn nỗ lực không ngừng để mang đến trải nghiệm ẩm thực hoàn hảo tới thực khách.

Việc nhận được giải thưởng danh giá này là cột mốc quan trọng trong hành trình cố gắng của chúng tôi”. Ngoài La Maison 1888, năm 2024, Nén Danang - nhà hàng nhận giải thưởng Michelin, Selected được trao tặng Sao Xanh Michelin đầu tiên tại Việt Nam cho những cam kết trong lĩnh vực ẩm thực và tính bền vững của nhà hàng. Theo chủ nhà hàng Nén Danang, chef Lê Hạ Uyên (Summer Le), Ngôi sao xanh Michelin giúp Nén tiếp cận được nhiều người quan tâm đến ẩm thực bền vững. Tuy nhiên, bất kể giải thưởng này là gì, Nén phải tiếp tục con đường độc đáo của mình, vì đó là sứ mệnh lâu dài. Với giải thưởng này, cô tự tin hơn trong việc kể những câu chuyện của Việt Nam cho thực khách thông qua các nguyên liệu và sáng tạo ẩm thực, giúp họ nhìn thấy chiều sâu văn hóa của đất nước, tôn vinh văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, 36 nhà hàng, quán ăn tại Đà Nẵng được Michelin Guide Việt Nam 2024 vinh danh là cơ hội của ẩm thực thành phố. Năm 2025, Đà Nẵng lọt vào danh sách 10 điểm đến ẩm thực cần phải đến năm 2025 do Michelin Guide xếp hạng, cùng các thành phố trên thế giới là Austin và Miami (Mỹ), Mexico City (Mexico), Amsterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Phúc Kiến (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản), Bath (Anh) và Vienna (Áo). “Đây là cơ hội vàng để ngành du lịch quảng bá và lan tỏa các giá trị trải nghiệm, các giá trị đặc sắc của ẩm thực Đà Nẵng và Việt Nam ra thế giới; đồng thời đặt ra không ít thách thức trong chiến lược phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc”, bà Hạnh nói.

NGỌC HÀ

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/dua-am-thuc-thanh-san-pham-du-lich-mui-nhon-cua-da-nang-bai-2-am-thuc-da-nang-vuon-ra-the-gioi-4006415/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm