Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 2: Chùa Bổ Đà - đại danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc

Trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống Việt Cổ cũng như nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị.

VietnamPlusVietnamPlus26/07/2025


Cách chùa Vĩnh Nghiêm 40 km, chùa Bổ Đà là một ngôi chùa cổ và độc đáo nhất vùng Kinh Bắc, tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn) ở phường Vân Hà (tỉnh Bắc Ninh).

Đây từng là trung tâm tôn giáo lớn thứ hai sau chùa Vĩnh Nghiêm và là di tích quan trọng, tiêu biểu, liên quan đến thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm.

Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo

Chùa Bổ Đà có từ thời Lý, phát triển mạnh dưới thời Trần và đặc biệt là đầu thế kỷ 18, trụ trì chùa là Phạm Kim Hưng đã trùng tu, mở rộng, đưa Bổ Đà thành một trung tâm Phật giáo lớn.

Chùa có diện tích khoảng 52.000 m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn, khu nội tự chùa và khu vườn tháp. Trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống Việt Cổ cũng như nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.

Thượng tọa Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, nơi đây xưa là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế. Nơi đây từng là trường học của hàng trăm tăng ni, phật tử từ nhiều địa phương ở miền Bắc. Ngôi chùa có sự kết hợp thờ phụng hiếm thấy, thờ Tam giáo đồng nguyên, phối thờ Thạch Linh Thần Tướng, Trúc Lâm Tam Tổ, thể hiện sự dung hòa văn hóa tín ngưỡng của người Việt xưa.

Ẩn mình nơi sơn thủy hữu tình của vùng Kinh Bắc, chùa Bổ Đà cuốn hút du khách bởi sự mộc mạc, huyền bí và cổ kính. Điểm nhấn đầu tiên khi đặt chân đến chùa Bổ Đà là hệ thống tường bao đất độc nhất vô nhị. Không xây bằng gạch hay đá như nhiều nơi, tường chùa được “trình” hoàn toàn bằng đất nện, sỏi son và mảnh gốm vỡ từ làng gốm Thổ Hà lân cận. Kỹ thuật xây dựng này giúp tạo nên lớp tường vững chắc nhưng vẫn giữ được vẻ mộc mạc, cổ xưa, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên quanh núi Phượng Hoàng.

ttxvn-chua-bo-da-8.jpg

Nhiều kiến trúc của chùa vẫn giữ được nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo, khác biệt các chùa truyền thống khác. Chùa có 5 cụm di tích chính gồm: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn tháp và ao Miếu. Mỗi cụm đều có giá trị riêng về lịch sử và tín ngưỡng. Trong đó, chùa Tứ Ân gồm 16 đơn nguyên với 92 gian liên hoàn, các tòa ngang dãy dọc, bao gồm tam bảo, 2 dãy hành lang, tiền tế, nhà tổ, gác kinh, giảng đường, nhà trụ trì, nhà hành pháp, nhà tạo soạn, nhà khách, nhà ni, nhà ga... và các công trình phụ trợ với kiểu kiến trúc “nội thông ngoại bế," bên trong thông suốt, bên ngoài được che chắn kín đáo bằng tường đất và các rặng tre dày. Cấu trúc này không chỉ mang ý nghĩa kiến trúc mà còn thể hiện tư tưởng Phật giáo bên ngoài là thế giới vô thường, bên trong là sự tĩnh tại của tâm linh.

Am Tam Đức được xây dựng trên lưng chừng núi Phượng Hoàng, phía sau chùa Tứ Ân, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 5 gian, 3 gian giữa xây kiểu chồng diêm 2 tầng mái. Chùa Cao Tọa lạc phía sau am Tam Đức, kiến trúc kiểu hình chữ Nhất dọc, cuốn mái vòm. Tường mái phía trước tạo kiểu tay ngai, cho thấy rõ nét kiến trúc của thời Nguyễn (thế kỷ 19). Ao Miếu còn gọi là đền Hạ, thờ Thạch Linh Thần Tướng.

Ngôi chùa lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam

Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, chùa Bổ Đà còn nổi tiếng với hai kỷ lục Phật giáo gồm vườn tháp lớn nhất Việt Nam và bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam.

Vườn tháp chùa Bổ Đà tọa lạc trên sườn núi Phượng Hoàng với diện tích gần 8.000m2. Tại đây có khoảng 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ; trong đó 97 ngôi tháp cổ hàng trăm năm tuổi, chôn giữ tro cốt xá lỵ hơn 1.200 tăng ni tu hành thuộc dòng thiền Lâm Tế khắp cả nước.

Theo Thượng tọa Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà, kiến trúc tháp mộ trong vườn hầu hết là tháp 3-4 tầng, cao 3-5m; riêng tháp của sư tổ có kích thước lớn và đồ sộ hơn. Các tháp này được xây bằng gạch chỉ, đá núi, mạch vữa từ mật mía và bột giấy bản, tạo nên kết cấu chắc chắn và bền vững qua nhiều thế kỷ. Vườn tháp được công nhận là Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Đây là vườn tháp ngoài trời lớn và đẹp nhất Việt Nam. Vườn tháp không chỉ là một nghĩa trang linh thiêng mà còn là một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc đá, phản ánh lịch sử của một dòng thiền qua nhiều thế kỷ.

ttxvn-chua-bo-da-14.jpg

Chùa Bổ Đà còn lưu giữ bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị được đánh giá là cổ nhất của dòng thiền Lâm Tế. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Cùng với vườn tháp, chùa Bổ Đà còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật cổ nhất và quý giá nhất Việt Nam, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017. Kho mộc bản với gần 2.000 tấm được các thiền sư phái Lâm Tế khắc từ khoảng 300 năm trước vào đời vua Lê Cảnh Hưng. Toàn bộ các ván Mộc bản đều được khắc từ gỗ thị, một loại gỗ vừa dẻo vừa dai, tuổi thọ có thể lên tới 1.200 năm.

Đến nay, bộ mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với các bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn. Những ván kinh khổ lớn còn in, khắc sớ, điệp dùng để thực hiện các nghi lễ trong nhà chùa. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Nổi bật trong số đó là hình khắc Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…

Việc sử dụng chữ Nôm - loại chữ do người Việt Nam sáng tạo không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn đánh dấu sự phát triển của văn tự Việt Nam. Giá trị Phật giáo và tư tưởng của mộc bản được các chuyên gia đánh giá cao, bởi phản ánh triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung, dòng thiền Lâm Tế nói riêng.

Nếu như bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại Thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì bộ kinh khắc chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quan Thế Âm Bồ Tát và các giới.

Bà Phùng Thị Mai Anh, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh 1, đánh giá chùa Bổ Đà không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là "bảo tàng sống" của văn hóa Phật giáo, nơi phản ánh sâu sắc sự hòa quyện giữa tín ngưỡng, nghệ thuật kiến trúc và đời sống tâm linh người Việt. Đây là một di sản cần được bảo tồn bền vững, phát huy giá trị đúng với vị thế vốn có của nó trong dòng chảy lịch sử-văn hóa dân tộc.

Chùa Bổ Đà đang dần trở thành điểm đến tiêu biểu trong hành trình du lịch tâm linh-văn hóa của vùng Kinh Bắc; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc./.

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/bai-2-chua-bo-da-dai-danh-lam-co-tu-noi-tieng-vung-kinh-bac-post1051935.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm