Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bám sát khuyến nghị của UNESCO để bảo tồn, phát huy giá trị di sản

VHO - Tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) vừa qua, nhiều di sản của Việt Nam tiếp tục được vinh danh. Trở về sau Kỳ họp, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã chia sẻ với Văn Hóa về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng, bảo vệ hồ sơ; những biện pháp bảo tồn, phát huy để di sản đem lại cơ hội và tiềm năng phát triển trong kỷ nguyên mới.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa28/07/2025

 Bám sát khuyến nghị của UNESCO để bảo tồn, phát huy giá trị di sản - ảnh 1
Chùa Đồng thuộc di tích, danh thắng Yên Tử

Bà Hiền cho biết:

- Trước hết phải khẳng định đây là sự kiện nổi bật của ngành VHTTDL năm 2025, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước, thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương có di sản, đồng thời góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Có thể nói, việc lập hồ sơ đề cử di sản thế giới là một quá trình nghiên cứu lâu dài với không ít khó khăn.

Đối với Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, yêu cầu về Hồ sơ của UNESCO ngày càng khó khăn và chặt chẽ, việc kiểm tra tại chỗ về tính xác thực của ICOMOS cực kỳ khắt khe. Đối với Hồ sơ đề cử VQG Hin Nam Nô và VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Bộ VHTTDL nhận thấy cần thống nhất tên gọi di sản đề cử trước khi Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là di sản thế giới.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị nổi bật toàn cầu của VQG Hin Nam Nô phải thống nhất, phù hợp với giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, để bảo đảm tính toàn vẹn của di sản đề cử…

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL xác định vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm nhất liên quan đến đường biên giới, chủ quyền quốc gia (do đường ranh giới phía Đông VQG Hin Nam Nô có vùng lõi tiếp giáp với vùng lõi và vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và trùng với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào). Do đó, các bản đồ được thể hiện trong hồ sơ đề cử và thông tin liên quan đến biên giới cần phải đảm bảo sự đồng thuận của Việt Nam và Lào.

Do chủ động nhận định được những khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải, Bộ VHTTDL đã xác định nguyên tắc trong công tác phối hợp phải bảo đảm tuyệt đối chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm không làm thay đổi giá trị nổi bật toàn cầu, không làm sai lệch các thông tin, dữ liệu, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận năm 2003 và 2015.

P.V: Thưa bà, được biết, công tác xây dựng các hồ sơ di sản được UNESCO công nhận thời gian vừa qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ?

- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh các di sản. Thực tế cho thấy các di sản thế giới ở Việt Nam cũng ngày càng khẳng định vị thế và vai trò, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Và quá trình xây dựng hồ sơ đề cử, bảo vệ hồ sơ di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới vừa qua cũng vậy. Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, để có được thành công là các di sản thế giới của đất nước đã được UNESCO công nhận.

Trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp và làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO để đề xuất ủng hộ đối với hồ sơ đề cử. Trong các lần Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, trao đổi làm việc với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào đã luôn đưa nội dung Hin Nam Nô vào chương trình làm việc chính thức và chỉ đạo Bộ VHTTDL triển khai, hỗ trợ phía bạn hoàn thiện hồ sơ đề cử.

Ngày 5.7.2025, Thủ tướng Chính phủ gửi Thư tới Tổng Giám đốc UNESCO và các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đề nghị công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Có thể thấy, sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho hồ sơ đề cử được hoàn thiện theo đúng tiến độ để gửi tới UNESCO xem xét, quyết định tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới.

 Bám sát khuyến nghị của UNESCO để bảo tồn, phát huy giá trị di sản - ảnh 2
Một góc hang động thuộc Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như bài học rút ra để bảo vệ thành công hồ sơ các di sản?

- Tại Kỳ họp, để thể hiện thiện chí, cam kết của Việt Nam nhằm bảo vệ lâu dài và quản lý bền vững di sản, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu và khuyến nghị của ICOMOS, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương (cũ), nhóm chuyên gia đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan tiếp thu, giải trình các khuyến nghị của ICOMOS và kịp thời gửi đến Trung tâm Di sản Thế giới; Cam kết có kế hoạch, lộ trình cụ thể để hoàn thiện tất cả các khuyến nghị của ICOMOS (Hoàn thiện kế hoạch quản lý du khách, sức tải của di tích và đảm bảo an ninh, an toàn cho di tích, di vật…); Tham mưu hoàn thiện Thư của Thủ tướng Chính phủ gửi Tổng Giám đốc UNESCO và các Quốc gia Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới.

Tổ chức buổi làm việc trực tuyến với Phái đoàn thường trực Ấn Độ bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp và các cơ quan liên quan của Ấn Độ để thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam với hồ sơ đề cử Cảnh quan quân sự Maratha của Ấn Độ là Di sản thế giới.

Thông qua buổi làm việc này, Việt Nam cũng đã cung cấp thông tin, giải thích, làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc để Ấn Độ (Quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới) hiểu và ủng hộ hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận tại Kỳ họp lần thứ 47. Đặc biệt, liên quan đến khuyến nghị của ICOMOS về việc hoàn thiện việc lồng ghép cơ chế Đánh giá tác động di sản vào Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đã chủ động nội luật hóa, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến việc đánh giá tác động di sản thế giới.

Đây là nội dung quan trọng để ICOMOS và các quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saint Vincent & Grenada, Kazakhstan, Senegal, Nam Phi, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Zambia…) có cách tiếp cận thân thiện, tích cực về Việt Nam, cũng như hiểu rõ hơn về di sản đề cử, từ đó ủng hộ Hồ sơ đề cử của Việt Nam.

Sau khi báo cáo giải trình được bổ sung, hoàn thiện, được ICOMOS chấp thuận, bên lề Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, UBND các tỉnh đã tích cực phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ VHTTDL tiếp xúc với các Cơ quan tư vấn của UNESCO và 21 quốc gia thành viên để tranh thủ sự ủng hộ đối với hồ sơ Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Qua đây có thể khẳng định, để đề cử thành công di sản thế giới, trước hết di sản phải đáp ứng được tiêu chí di sản thế giới; quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề cử phải bảo đảm chất lượng tốt; việc tiếp thu, giải trình những nội dung đánh giá của các Cơ quan tư vấn của UNESCO phải bảo đảm khoa học, tiếp cận đúng với yêu cầu đặt ra của Công ước Di sản Thế giới.

Trong thời gian tới, đối với hai di sản vừa được UNESCO ghi danh tại kỳ họp thứ 47 vừa qua, Cục Di sản văn hóa sẽ cùng địa phương có định hướng bảo tồn, phát huy giá trị như thế nào?

- Trong thời gian tới, để quản lý tốt Di sản Văn hóa Thế giới Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Cục Di sản văn hóa sẽ cùng các địa phương bám sát các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn khu di sản để thực hiện đầy đủ các quy hoạch của các khu di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hoàn thiện việc tích hợp cơ chế Đánh giá tác động di sản vào Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Lập kế hoạch ứng phó với sự gia tăng lượng khách tham quan trong tương lai và tích hợp các hoạt động, định hướng du lịch vào một kế hoạch quản lý du lịch. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển các dịch vụ cho du khách không ảnh hưởng đến giá trị di sản và hài hòa với cảnh quan xung quanh; Tăng cường nghiên cứu, thu thập thông tin chi tiết về tri thức bản địa liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực này, nhằm cung cấp bối cảnh cần thiết cho sự tham gia của cộng đồng bản địa trong quá trình quản lý, bảo vệ di sản.

Đối với Di sản thiên thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và xác lập các phương pháp hoạt động để có thể đối phó với những nguy cơ tác động tới di sản; đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng và sức tải về sinh thái tài nguyên trong tổng thể VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô. Đặc biệt, phía Việt Nam có thể hỗ trợ phía bạn Lào nâng cao năng lực xây dựng quy định pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới nói chung, VQG Hin Nam Nô nói riêng.

 Xin cảm ơn bà! 

Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bam-sat-khuyen-nghi-cua-unesco-de-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-156863.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm