Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bước đột phá thể chế mang tính chiến lược

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chào mừng và cảm ơn các thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các định chế tài chính quốc tế, công ty luật, các ngân hàng đến từ trong nước và nước ngoài đã dành thời gian tham gia Hội nghị; cho biết, Hội nghị lần này kế tiếp một chuỗi sự kiện Việt Nam đã tiến hành thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, từ khi xây dựng Đề án về Trung tâm tài chính quốc tế và xây dựng dự thảo Nghị quyết này, đã có hơn 10 hội nghị quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), cũng như tại các quốc gia châu Âu mà Chính phủ Việt Nam có quan hệ. Các hội nghị tư vấn này đã mang đến rất nhiều thông tin bổ ích, giúp cho Chính phủ Việt Nam xây dựng được dự thảo Nghị quyết tương đối hoàn chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia.

Theo dự kiến trong Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Hội nghị hôm nay là hội nghị cuối cùng tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội bản chính thức. Nghị quyết được thông qua sẽ là một bước tiến quan trọng tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

"Khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Trung tâm tài chính, chúng tôi đã mang dự thảo sang London (Anh), Luxembourg, Frankfurt (Đức) để tham vấn. Các chuyên gia của ba quốc gia này và một số quốc gia khác tham dự các hội nghị tham vấn chúng tôi tổ chức đều đánh giá đây là một quyết định sáng suốt trong tình hình hiện nay của Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để Việt Nam kết nối với kinh tế toàn cầu và là một giải pháp để bứt phá tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo", Phó Thủ tướng cho hay.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng là hành lang pháp lý phải đạt được ba yêu cầu: Theo chuẩn mực quốc tế; thông thoáng, vượt trội, đủ hấp dẫn nhà đầu tư; và kiểm soát được các rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi, chia sẻ về hành lang pháp lý, các vấn đề chung trong quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế quản lý, vận hành và giám sát hoạt động, kết nối giữa các Trung tâm tài chính quốc tế của một số quốc gia; các lĩnh vực, dịch vụ tài chính có tính cạnh tranh và khuyến nghị với Việt Nam; việc xây dựng mô hình Trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các Trung tâm tài chính quốc tế…

Các ý kiến khẳng định, việc quyết định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ đơn thuần là một quyết sách phát triển kinh tế mà là bước đột phá thể chế mang tính chiến lược của Việt Nam. Đây là thời điểm, cơ hội để Việt Nam bứt phá, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết tài chính toàn cầu. Nếu tận dụng đúng thời điểm và đi đúng hướng, Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam sẽ trở thành nền tảng vững chắc để huy động các nguồn lực tài chính chất lượng cao nhằm phát triển quốc gia, góp phần nâng cao năng lực quản trị nhà nước, tăng sức cạnh tranh quốc gia và hội nhập sâu rộng, hiệu quả với hệ thống tài chính thế giới.

Liên quan đến vấn đề về thiết kế mô hình Trung tâm tài chính quốc tế cho Việt Nam, ông Richard McClellan, Đại sứ toàn cầu của Terne Holding, nguyên Giám đốc Viện Tony Blair, người từng nhiều năm làm việc tại McKinsey & Company đánh giá, các định hướng và mục tiêu đề ra trong dự thảo Nghị quyết rất phù hợp với xu thế toàn cầu, đồng thời vẫn gắn kết chặt chẽ với lộ trình phát triển đặc thù của Việt Nam.

Ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang đẳng cấp thế giới tại Việt Nam đã trở thành một sáng kiến nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở cấp quốc gia và sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Chính trị, được chính thức khởi động tại cả Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đang tiến từng bước vững chắc tới việc trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Ông Richard McClellan cho rằng, Việt Nam muốn xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế có vị thế toàn cầu, cần tư duy về Trung tâm tài chính không phải như một khu vực địa lý riêng lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Việt Nam có thể xây dựng 2 Trung tâm tài chính quốc tế tại 2 địa phương để tận dụng tốt các lợi thế của mỗi địa phương, và hai trung tâm cũng sẽ luôn hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Trong khi đó, dẫn chiếu kinh nghiệm, mô hình hoạt động về Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại ở một số nước, nhất là tại Dubai (UAE), ông Andreas Baumgartner, Tổng Giám đốc kiêm sáng lập The Metis Institune đưa ra khuyến nghị Việt Nam có thể xây dựng 1 Trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại cả 2 địa điểm là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thống nhất ở một Trung tâm tài chính quốc tế nhưng cũng bảo đảm sự độc lập trong hoạt động giữa 2 địa điểm của 1 trung tâm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh hạ tầng vật chất kỹ thuật cứng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng phần mềm, hạ tầng số để bảo đảm cho sự vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khi các trung tâm này đi vào hoạt động. Đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản để sẵn sàng cho sự vận hành trơn tru, cũng như phải bảo đảm nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho sự phát triển của các Trung tâm tài chính, tránh sự đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải và manh mún.

Lãnh đạo, đại diện các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác… khẳng định cam kết luôn ủng hộ và đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, kết nối cụ thể...

Quyết định táo bạo nhưng rất cần thiết

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, 2 Trung tâm tài chính quốc tế riêng biệt hoặc 1 Trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 địa điểm riêng biệt là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đều có ý nghĩa quan trọng làm đa dạng hóa môi trường thu hút đầu tư của các định chế tài chính, các nhà đầu tư; hạn chế, kiểm soát tốt hơn được các rủi ro… Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, các hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách sát với điều kiện thực tế của địa phương, cũng như quyết liệt chỉ đạo, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế khi trung tâm được quyết định chính thức đi vào vận hành, hoạt động.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Cảm ơn các ý kiến phát biểu quý báu, thiết thực, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng những ý kiến không chỉ có tính gợi mở  trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, mà còn là những đóng góp rất thiết thực trong quá trình vận hành và phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế.

Qua ý kiến phát biểu, các đại biểu đều khẳng định việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế là quyết định táo bạo của Việt Nam nhưng rất cần thiết, mang tính chiến lược, đột phá. Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại.

"Với nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, không ngừng được cải thiện; có những chính sách hấp dẫn trong mời gọi, thu hút đầu tư; có tiềm năng lớn về nguồn lực lao động…, nếu tận dụng được thời điểm "vàng" và có Trung tâm tài chính quốc tế, đây sẽ là cú hích mạnh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam; tạo khung pháp lý đột phá, minh bạch", theo Phó Thủ tướng.

Ông cũng thông tin, quyết định của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện chủ trương này nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các chuyên gia, các nhà tư vấn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước… Việt Nam chủ trương phát triển 1 Trung tâm tài chính quốc tế, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

"Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm các cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; có bước đi phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo baotintuc.vn

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bao-dam-co-che-chinh-sach-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-mang-tinh-dac-thu-vuot-troi-hap-dan-153786.html