Tối 21-7, tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ông Mai Văn Khiêm đã chủ trì cuộc họp báo về tình hình bão số 3 (Wipha).

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 3 (Wipha) sau khi vượt qua phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào sáng 21-7, đã tiến vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 9. Đến trưa và chiều 21-7, bão mạnh trở lại cấp 10.
Đến 17 giờ ngày 21-7, tâm bão đã di chuyển đến tọa độ khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc - 108,7 độ Kinh Đông, chỉ còn cách Quảng Ninh 100km, Hải Phòng 220km, Hưng Yên 240km, Ninh Bình 270km. Vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15km/giờ.

Ông Khiêm cho biết, tại tỉnh Quảng Ninh, đã có gió giật cấp 7 ở Uông Bí, Móng Cái; cấp 6 tại Bãi Cháy và Cô Tô. Ở TP Hải Phòng, đảo Bạch Long Vĩ có gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Hòn Dấu có gió cấp 4, giật cấp 5. Khu vực Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa đang có gió từ cấp 3 đến cấp 6, nhiều nơi có mưa 40-50mm, tiếp tục mưa vừa đến to.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa trong khoảng trưa đến chiều mai 22-7. Tại các khu vực ven biển, dự báo có gió mạnh rất nguy hiểm:
- Hải Phòng, Hưng Yên (Thái Bình cũ): cấp 9-10, giật 13-14
- Ninh Bình: cấp 8-9, giật 13
- Bắc Thanh Hóa: cấp 7-8, giật 8-9
- Hà Nội: trưa, chiều mai gió cấp 5-6, giật 7-8
Mưa to diện rộng
Từ đêm nay đến sáng 23-7, khu vực trọng tâm Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các khu vực còn lại của Bắc bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200mm, cục bộ trên 300mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, ngập lụt diện rộng ở đồng bằng.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo sẽ có mưa lớn, gió mạnh, triều cường và lũ quét trên diện rộng. Nhiều khu vực trũng thấp, ven biển và miền núi đối mặt nguy cơ cao xảy ra thiệt hại.
Triều cường trong bão
Chiều 22-7, nhiều địa phương có thể xảy ra triều cường cao kỷ lục:
- Hòn Dấu (Hải Phòng): 3,9-4,3m
- Cửa Ông (Quảng Ninh): 4,6-5m
- Trà Cổ (Quảng Ninh): 3,6-4m
- Ba Lạt (Hưng Yên): 2,4-2,6m
Những nơi cần phải ứng phó khẩn cấp
Theo đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trước mắt các khu vực cần ứng phó ngay gió mạnh, sóng lớn, nước dâng đe dọa ven biển tại: Bãi Cháy, Hà Tu, Móng Cái, Cô Tô (Quảng Ninh); Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Đồ Sơn (Hải Phòng); 15 xã ven biển Ninh Bình; các xã mép nước Thanh Hóa; xã Thái Thụy và Tiền Hải (Hưng Yên).
Lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nguy hiểm tại 24 xã vùng cao Thanh Hóa, 50 xã Nghệ An (Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông…) và các xã miền núi Sơn La.
Không được chủ quan
Ông Khiêm nhấn mạnh, người dân cần theo dõi liên tục cảnh báo từ các đài chính thống, gia cố nhà cửa, dự trữ nhu yếu phẩm. Theo ông, người dân không ra ngoài khi có gió mạnh, mưa to, tránh xa khu vực dễ sạt lở, ngập sâu.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng đề nghị: Ở thời điểm này, dù miền Bắc hay miền Trung, ngư dân tuyệt đối không nên ra khơi, cần neo đậu an toàn, rút người khỏi tàu, chòi canh. Các địa phương phải sẵn sàng phương án sơ tán dân theo tình huống xấu nhất.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bao-se-do-bo-hai-phong-thanh-hoa-post804769.html
Bình luận (0)