Ngày 20.5, Bộ VH-TT-DL cho biết Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã ký quyết định phê duyệt dự án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (thuộc xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, Bình Định).
Biểu diễn hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý
ẢNH: M.H
Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phục dựng và truyền dạy các nghi thức, tri thức dân gian của lễ hội cầu ngư, dự án hướng đến gìn giữ bản sắc văn hóa biển, kết nối thế hệ và lan tỏa tinh thần cộng đồng.
Bảo tồn lễ hội cầu ngư: Phát huy giá trị văn hóa biển
Theo kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm của dự án gồm: nghiên cứu, khảo sát về lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý; tổ chức lớp truyền dạy tri thức, kỹ năng thực hành lễ hội cho cộng đồng; luyện tập và trình diễn các nghi thức tiêu biểu trong lễ hội; hỗ trợ trang thiết bị, lễ vật phục vụ thực hành nghi lễ; xây dựng phim tư liệu, bộ ảnh và tài liệu tuyên truyền về lễ hội cầu ngư tại địa phương.
Văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân vạn đầm Xương Lý
ẢNH: HẢI PHONG
Bộ VH-TT-DL giao Cục Di sản văn hóa chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với Sở VH-TT-DL Bình Định và UBND TP.Quy Nhơn triển khai khảo sát di sản văn hóa phi vật thể, đánh giá điều kiện thực tế tại cộng đồng để phục vụ công tác bảo tồn. Dự án cũng sẽ lập danh sách nghệ nhân, người thực hành lễ hội tham gia triển khai, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý.
Dự kiến, dự án được triển khai trong quý 2 và 3 năm 2025.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý từ lâu đã là điểm tựa tâm linh của cộng đồng ngư dân xã Nhơn Lý, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông, hay còn gọi là Nam Hải đại tướng quân. Lễ hội không chỉ mang giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo mà còn thể hiện sâu sắc triết lý sống hòa hợp với biển cả và lòng biết ơn của ngư dân đối với vị thần hộ mệnh của mình.
Các nghi thức truyền thống như lễ rước Ông, hát bả trạo, lễ cúng biển… không chỉ phản ánh nét đẹp tín ngưỡng mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Việc bảo tồn lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý không chỉ nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch văn hóa – tâm linh ở TP.Quy Nhơn và tỉnh Bình Định nói chung.
Khai quật khảo cổ 3 địa điểm tại di tích Trường Lũy Bình Định
Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng vừa ký quyết định cho phép khai quật khảo cổ tại 3 địa điểm thuộc di tích Trường Lũy Bình Định (H.An Lão, Bình Định)
Theo đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thực hiện khai quật từ ngày 23.5 - 30.6, tại 3 địa điểm của di tích Trường Lũy Bình Định: đồn H4 (thôn 4, xã An Hưng) diện tích 68 m² (2 hố khai quật); đồn Dông Hầm (thôn 5, xã An Hưng) diện tích 96 m² (4 hố); đồn An Quang (thôn 2, xã An Quang) diện tích 36 m² (3 hố).
Một đoạn bờ thành Trường Lũy Bình Định
ẢNH: H.P
Ông Nguyễn Khánh Trung Kiên (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) là người chủ trì khai quật. Các hiện vật tìm được sẽ do Bảo tàng tỉnh Bình Định và Sở VH-TT-DL tỉnh quản lý, bảo vệ, tránh thất lạc và hư hỏng. Sau khai quật, địa phương sẽ có báo cáo gửi Bộ VH-TT-DL về phương án bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật.
Đoạn Trường Lũy Bình Định chạy qua H.An Lão và TX.Hoài Nhơn dài hơn 14 km, là một phần quan trọng trong hệ thống Trường Lũy có chiều dài tổng cộng 127 km, kéo dài từ Quảng Ngãi đến Bình Định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bao-ton-le-hoi-cau-ngu-van-dam-xuong-ly-de-phat-trien-du-lich-185250520132857029.htm
Bình luận (0)