Sáng 9/5/2025, tại Phủ thờ Bà Chúa Muối (làng Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã khai mạc Lễ hội truyền thống (14/4 âm lịch) năm 2025 và đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề làm muối truyền thống xã Thụy Hải là- Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia.
Việc nghề làm muối Thụy Hải (tỉnh Thái Bình) được công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề.
Chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực cải thiện sản xuất, kết hợp với du lịch trải nghiệm để đưa thương hiệu muối Thụy Hải vươn xa hơn, giữ gìn tinh hoa truyền thống của vùng biển.
Tích xưa, nghề cũ
Được coi là một trong những làng nghề muối cổ còn duy trì đến ngày nay của vùng châu thổ sông Hồng, làng Tam Đồng, xã Thụy Hải, tỉnh Thái Bình là địa danh duy nhất vừa có phủ và Đền thờ về Bà Chúa Muối.
Làng Quang Lang xưa thuộc huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ thời Trần ngày nay là làng thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình- nơi nổi tiếng với nhiều lễ hội đặc sắc như Hội cầu ngư (ngày 25 tháng giêng), Hội tế Thành hoàng (ngày 27/7 âm lịch), đặc biệt là hội bà Chúa Muối với tục múa ông Đùng, bà Đà được tổ chức vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm.
Sách xưa chép lại: Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (tức năm 1280) tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình trong một gia đình làm nghề muối. Từ thuở nhỏ, nàng đã có tài mạo khác thường, chăm đọc sách vở và rất mực thông minh.
Thấy việc làm muối quá vất vả, mỗi khi học xong Nguyệt Ảnh thường ra đồng giúp bố mẹ làm việc. Nhưng mỗi lần giúp bố mẹ thì bà đi đến đâu trời lại râm đến đấy. Nghề làm muối phải có ánh nắng, nắng càng to thì muối càng đẹp.
Lo lắng cho nghề truyền thống và kế sinh nhai của cư dân địa phương, những người cao tuổi trong làng đã họp nhau lại, bàn ra kế đóng cho nàng một chiếc thuyền để nàng mang muối đi buôn nơi khác.

Trong một lần buôn, thuyền của nàng đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long. Vừa hay lại đúng vào dịp vua Trần Anh Tông đi kinh lý qua sông. Toán quân lính nhà vua đi qua bến thuyền nàng đậu nghỉ, khát nước, họ lại gần xin, bỗng lấp ló trên thuyền trông xa thấy một cô gái xinh đẹp nhan sắc như hoa, phong thái dịu dàng khác người, liền lập tức về tâu với nhà vua.
Cơ duyên như trời định, bước chân từ bến nước thuyền quê, nàng đã vào cung. Nàng được vua rất sủng ái cho làm Tam phi, ít lâu sau thì mang thai. Nhưng hậu cung xưa nay vốn không ít chuyện thị phi. Chẳng may Tam phi gặp tai oan, bị kẻ gian hãm hại, thai nhi đã trải qua 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh nở được.
Vua Trần Anh Tông quyết định đưa nàng về quê ngoại, hy vọng những làn gió mát của biển sẽ cứu sống được Tam phi. Thấy nàng chiều nào cũng ngồi nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ làm người nộm, hái hoa mỏ gà, đứng vây quanh nhảy múa để nàng vơi bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ làng quê nhảy múa, nàng rất vui, nhưng bệnh tình không thể qua khỏi.
Một ngày, nàng cười, rồi đột ngột qua đời, hôm ấy đúng vào ngày 14 tháng 4 âm lịch năm Mậu Tuất. Nhà vua hay tin vô cùng thương xót đã sắc phong cho bà làm Phúc thần.
Hằng năm, cứ đến ngày 14 tháng 4 âm lịch, dân làng Quang Lang lại tổ chức Lễ hội Bà Chúa Muối.
Trong dịp lễ hội, các lễ vật dâng lên Bà chúa Muối không thể thiếu, đó là muối - sản phẩm gắn với tuổi thơ của bà chúa vẫn được truyền thuyết lưu lại. Những gói muối Tam Đồng rắn đanh, đẹp đẽ ánh màu ngũ sắc được đóng thành những gói nhỏ, xếp trên đĩa thờ như bày mâm ngũ quả để dâng lên bà chúa. Trong phủ, trong đền thờ Bà chúa Muối, không lúc nào thiếu hai mâm muối trắng được bày biện cẩn thận, đặt nghiêm trang hai bên bệ thờ.
Trong những ngày này, người ta làm những hình nộm ông Đùng bà Đà, diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi hầu bà.
Màn biểu diễn múa bao gồm một ông Đùng, một bà Đà tượng trưng cho hai bố mẹ và hai hình nộm con tượng trưng cho con cháu. Khi múa, các hình nộm nghiêng ngả, lúc quay sang phải, khi lại quay sang trái. Các vai ông Đùng bà Đà phối hợp sao cho thật nhuần nhuyễn. Có những lần giáp mặt thân chập vào nhau, tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng. Đùng bố, mẹ đi trước. Các Đùng con quấn quýt theo sau. Đoàn người nhộn nhịp vừa đi vừa chúc tụng nhau. Người ta xướng vang những câu ca chúc tụng công đức Bà Chúa Muối.
Năm 2016, Lễ hội Đền bà Chúa Muối được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia.
Phát huy giá trị nghề làm muối
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, cái tên “Muối Tam Đồng” đã trở thành thương hiệu trong bản đồ diêm nghiệp của 20 tỉnh thành có nghề muối ở miền Bắc nước ta.
Sự bài bản, quy mô của cánh đồng muối thủ công Tam Đồng (xã Thụy Hải) ngày nay có thể cảm nhận ngay từ hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước biển về, sau đó bơm qua hệ thống các hồ chứa để lắng cặn, loại bỏ tạp chất.
Nước biển sau khi để lắng tại hồ tiếp tục được dẫn về cánh đồng muối bằng hệ thống mương dẫn, rồi thẩm thấu lên bề mặt cát. Công đoạn này diêm dân Thụy Hải gọi là quá trình phơi cát.

Lớp cát ngấm mặn trên cùng của ruộng chà sẽ được dùng cào vun lại, sau đó cho vào bể xây giữa ruộng tiếp tục lọc thêm một lần nữa. Nước biển chảy xuống đáy bể, qua ống dẫn sẽ dẫn về bể chìm ở sát bờ.
Nhưng, như thế vẫn chưa hết công đoạn. Nước tinh lắng từ bể chìm tiếp tục được đưa vào thùng chứa để lắng thêm lần nữa. Nước này mới là nước cuối để tãi phơi trên các ô chạt ximăng, phơi nắng cô thành muối.
Tuyệt kỹ của kỹ thuật phơi cát làm muối, nếu tính đầu việc phải tới hơn chục công đoạn khác nhau, từ lúc dẫn nước về kênh cho tới khi lên bể chứa, rồi ra từng chạt phơi… trọn vẹn gần 48 tiếng đồng hồ, lên tới hơn chục công đoạn.
Theo nghiên cứu khoa học, sản phẩm muối ở Thái Bình được làm theo phương pháp truyền thống, thẩm thấu nước mặn qua cát nên giữ được nhiều vitamin và khoáng chất, có hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể dùng để chữa bệnh.
Nhằm bảo tồn, phát huy nghề sản xuất muối cổ truyền ở xã Thụy Hải, năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030.”
Cụ thể, sẽ tổ chức lại sản xuất nghề muối, sản xuất muối gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm; tăng quy mô diện tích cho các hộ sản xuất có nhu cầu với quy mô 2-3ha/hộ.
Trong Đề án, Thái Bình dự kiến sẽ bố trí diện tích 50ha để phát triển khu sản xuất muối, địa điểm tại thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải. Cánh đồng muối sẽ ở ngay trước khuôn viên Phủ thờ Bà chúa Muối.
Tỉnh Thái Bình dự kiến dành khoảng 254 tỷ đồng để thực hiện dự án với các hạng mục như cải tạo, nâng cấp kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đồng muối; xây dựng đường giao thông từ thị trấn Diêm Điền tới cánh đồng muối dài 3km; xây dựng đường ống dẫn nước biển xa bờ kết hợp làm cầu dẫn cho du khách ra xa bờ tham quan rừng ngập mặn; nạo vét, kè mái hệ thống sông dẫn Tam Đồng
Đến năm 2025, phấn đấu sản lượng muối đạt 5.000 tấn/năm trong đó diện tích ô kết tinh đạt 2ha; cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến muối; tăng năng suất tối thiểu lên 30%. Đến năm 2030, sản lượng muối đạt 7.000 tấn/năm với các sản phẩm muối đặc thù.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng khu chế biến các sản phẩm muối có giá trị hàng hóa cao với các nhóm chính là muối thực phẩm dinh dưỡng, muối dược liệu, muối tâm linh với các sản phẩm muối vi lượng, muối cho hồ bơi, muối hầm, muối gia vị, muối ngâm chân, muối spa, muối thờ cúng; xây dựng khu bán hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm muối tới khách du lịch./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-nghe-lam-muoi-thuy-hai-post1038029.vnp
Bình luận (0)