Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bão Wipha tiến vào Biển Đông, biển động dữ dội

Sáng 19-7, bão Wipha đã vượt qua phía Bắc đảo Lu Dông (Philippines) và đang tiến vào Biển Đông với cường độ mạnh dần, gây biển động dữ dội tại nhiều khu vực. Đồng thời, nắng nóng tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại Bắc bộ và Trung bộ, có nơi ghi nhận nền nhiệt lên tới gần 39°C.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng18/07/2025

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ sáng ngày 19-7, tâm bão Wipha nằm ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc - 121,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88 km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 - 25 km/giờ và đi vào Biển Đông. Bão mạnh lên cấp 10 - 12, biển động dữ dội.

wipha.jpg
Vị trí và dự báo đường đi và của bão Wipha, sáng 19-7. Ảnh: TT DBKTTVQG

Đến 1 giờ ngày 20-7, tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc - 117,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 760 km về phía Đông. Cường độ bão tăng lên cấp 10, giật cấp 12. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông xác định từ vĩ tuyến 18 - 23 độ vĩ Bắc và phía Đông kinh tuyến 116 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến rạng sáng 21-7, bão có khả năng mạnh thêm lên cấp 11 - 12, giật cấp 14, cách bán đảo Lôi Châu khoảng 210 km về phía Đông Đông Bắc. Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu dần khi tiến vào khu vực vịnh Bắc Bộ ngày 22-7 với cường độ cấp 9 - 10, giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3 - 5m, biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Sáng 19-7, tại một số trạm ven biển đã ghi nhận gió giật mạnh như đặc khu Phú Quý gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; trạm Huyền Trân gió cấp 5 - 6, giật cấp 9. Dự báo trong ngày và đêm nay, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến An Giang tiếp tục có mưa dông, lốc xoáy và gió giật cấp 6 -8, sóng cao trên 3m.

Vùng biển từ Lâm Đồng đến TPHCM và khu vực vùng biển Trường Sa có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7 - 8; sóng cao từ 2 - 4m. Trong khi đó, vùng biển từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi dự báo có gió giật cấp 7 - 8 trong đêm 19-7.

Bên cạnh diễn biến của bão, nắng nóng tiếp tục bao trùm Bắc Bộ và Trung Bộ trong ngày 19-7. Nhiệt độ tại Đông Bắc Bộ phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm thấp 55 - 60%. Từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và phía Đông Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, nền nhiệt phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi vượt ngưỡng 37 độ C. Tây Bắc Bộ cũng ghi nhận nhiều điểm nắng nóng cục bộ.

Một số địa phương ghi nhận nhiệt độ cao trên 38 độ C gồm Sơn Tây (Hà Nội) 38,8 độ C, Sơn Động (Bắc Giang) 38,4 độ C, Bắc Mê (Tuyên Quang) và Chợ Rã (Thái Nguyên) cùng đạt 38,2 độ C. Riêng Đô Lương (Nghệ An) chạm mốc 38,2 độ C.

Dự báo ngày 20-7, vùng núi phía Tây từ Nghệ An đến Huế, Đà Nẵng và khu vực Khánh Hòa tiếp tục nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, từ ngày 21-7, nắng nóng tại Trung Bộ sẽ có xu hướng dịu dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được đánh giá ở cấp 1.

Trước những diễn biến phức tạp của bão Wipha và thời tiết cực đoan trên biển và đất liền, các địa phương ven biển và người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, chủ động phòng tránh lốc xoáy, gió mạnh và nắng nóng.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bao-wipha-tien-vao-bien-dong-bien-dong-du-doi-post804421.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm