Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Biên đạo Hà Nhung: Tâm huyết với văn hóa dân tộc

Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 đến nay, biên đạo múa Hà Nhung đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Chị là gương mặt trẻ tài năng, từng giành nhiều huy chương tại các hội thi múa toàn quốc. Điều đáng trân trọng ở cô gái Thái này là luôn trăn trở, say mê bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên quê hương mình.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai11/07/2025

Biên đạo Hà Nhung hướng dẫn các động tác múa cho thành viên Câu lạc bộ Tiêu biểu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc S’tiêng ấp Tranh 3 (xã Tân Quan, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: NVCC

“Hơn 10 năm qua, điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất đó là làm sao có thể phát triển được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở địa phương mình như: S’tiêng, M’nông…” - biên đạo múa Hà Nhung bày tỏ lý do thôi thúc chị có nhiều phong trào, hoạt động để thúc đẩy, truyền dạy, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cô gái Thái say mê văn hóa S’tiêng

Câu lạc bộ (CLB) Tiêu biểu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc S’tiêng ấp Tranh 3, xã Quang Minh (tỉnh Bình Phước cũ), nay là xã Tân Quan (tỉnh Đồng Nai), ra mắt chiều 12-6 là CLB thứ 2 mà Hà Nhung tham gia truyền dạy trong năm nay. Ngoài tâm huyết của người biên đạo trẻ, CLB được thành lập từ sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng nhằm khơi dậy ý thức giữ gìn di sản trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Là diễn viên múa tự do, ngoài nhận dàn dựng chương trình, tiết mục biểu diễn với các đơn vị có nhu cầu ở trong và ngoài tỉnh, Hà Nhung đặc biệt ưu tiên dành thời gian nghiền ngẫm, nghiên cứu văn hóa của đồng bào S’tiêng, M’nông ở địa phương.  Sau nhiều chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của họ, đến nay, chị đã sáng tạo được nhiều tác phẩm múa đậm chất truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng, biên đạo từ những động tác lao động và nông cụ của đồng bào thành những điệu múa đặc trưng. Chị tìm hiểu và dàn dựng tái hiện lại các lễ hội lớn như: Mừng lúa mới, Lễ hội Cầu mưa, Lễ hội Cầu an của người S’tiêng…

“Nói riêng về văn hóa, tôi đặc biệt yêu thích những điệu múa truyền thống của người đồng bào S’tiêng, từ những điệu múa sinh hoạt, cũng như đi làm nương, làm rẫy. Từ yêu thích, tôi đã sáng tạo nên những động tác mới nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Thứ 2 là nghề dệt thổ cẩm. Tôi đã trực tiếp thấy nghệ nhân mất nhiều thời gian và kiên trì dệt nên những tấm thổ cẩm rất độc đáo. Tôi rất trân trọng những người đồng bào luôn gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình” - chị Hà Nhung không giấu được niềm vui khi chia sẻ về tình yêu văn hóa dân tộc của mình.

“Có thể nói với mọi người rằng, tôi rất yêu nghề của tôi. Điều gắn tôi với nghề múa cho đến hôm nay chính là những cảm xúc mà mình đã được trải nghiệm. Tôi đi vào đến tận nơi của người đồng bào, được trải nghiệm văn hóa của họ, những lễ hội và những giá trị mà họ đã giữ gìn qua bao nhiêu năm, qua bao nhiêu đời…” - biên đạo múa Hà Nhung cho biết.

Để di sản văn hóa sống cùng thời đại

Ngoài dân tộc S’tiêng, dân tộc M’nông cũng là cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Tháng 6-2025, những sắc màu văn hóa dân tộc M’nông đã có dịp được giới thiệu đến đông đảo du khách trong chuỗi hoạt động Ngày hội Gia đình tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Người đứng sau các hoạt động trình diễn này chính là Hà Nhung.

Trên sân khấu lớn, 23 thành viên người M’nông ở xã Bù Gia Mập đã tự tin mang đến những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình thông qua nhiều hoạt động, như: tái hiện Lễ hội Sum họp cộng đồng, trình diễn nhạc cụ đàn T’rưng, cồng chiêng, biểu diễn các làn điệu dân ca, trình diễn nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, các món ăn đặc trưng (cơm lam, thịt nướng, canh bồi, canh thụt, đọt mây)… Sắc màu văn hóa dân tộc M’nông thực sự đã đem đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Bước ra khỏi ruộng vườn, làng bản, trình diễn tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, các diễn viên không chuyên thật sự tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Đó là văn hóa phản ánh cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, vạn vật. Đó là nét văn hóa có sự tổng hòa của văn hóa cổ truyền và sự giao thoa, tiếp biến văn hóa với một số đồng bào dân tộc ở địa phương trong quá trình cộng cư, phát triển. Càng tự hào hơn khi được trình diễn nghề thủ công truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người M’nông đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chị Điểu Thị Hương, một trong 23 diễn viên tham gia trình diễn tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, xúc động nói: “Lần thứ 2 biểu diễn phục vụ tại Làng Văn hóa - du lịch, tôi rất hạnh phúc khi được giới thiệu các nét đẹp của dân tộc mình thông qua các điệu múa tái hiện cuộc sống hàng ngày của đồng bào M’nông như: bắt cá, lượm điều, tỉa lúa… Các tiết mục trình diễn của đoàn nhận được nhiều lời ngợi khen của du khách. Tôi vui lắm!”.

Các cô gái M’nông trong điệu múa truyền thống tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tháng 6-2025.
Các cô gái M’nông trong điệu múa truyền thống tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tháng 6-2025.

Với đồng bào M’nông, múa là sợi dây gắn kết với thế giới thần linh. Thông qua điệu múa, đồng bào bày tỏ những ước nguyện của mình về những vụ mùa tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Chính vì vậy, Hà Nhung đặc biệt chú ý cải biên những điệu múa đặc trưng của đồng bào để gần gũi hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn không mất đi cái “hồn” của từng vũ điệu.

Ước mơ văn hóa “vươn mình”

Tháng 6-2025, trên địa bàn tỉnh Bình Phước (cũ) có sự ra đời của 2 CLB tiêu biểu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Tày và dân tộc S’tiêng. Đây là bước đi không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo nền tảng để chính quyền địa phương định hình rõ hơn chiến lược bảo tồn, giữ gìn di sản, vừa tạo thêm sinh kế cho người dân vùng DTTS.

“Trực tiếp nhìn thấy được những nét văn hóa đặc biệt độc đáo của người đồng bào, từ đó tôi đã có khát vọng, có niềm đam mê cố gắng lan tỏa được những giá trị tốt đẹp đó để cho mọi người cùng biết đến. Đặc biệt, tôi muốn bà con tự hào về những giá trị cốt lõi mà vô cùng đẹp đẽ đó, để cho họ có thể đi xa hơn, tự tin hơn và cũng để mọi người có thể biết đến họ nhiều hơn” - biên đạo Hà Nhung trải lòng về những điều mà chị ấp ủ.

Chị cho biết, thật sự đã có nhiều CLB có thêm thu nhập cho bà con đồng bào thông qua hoạt động trình diễn văn hóa tại các sự kiện lễ hội, du lịch trong và ngoài tỉnh.

Văn hóa là “sợi dây” nối liền quá khứ, hiện tại và mai sau. Chính những trái tim nhiệt thành, yêu văn hóa dân tộc, trong đó có Hà Nhung, đã đem văn hóa đi xa hơn, vượt ra khỏi những góc rừng, bản làng, hòa vào những sự kiện văn hóa lớn của cả đất nước. Khi những nét đẹp văn hóa dân tộc được phô diễn, được đón nhận, nghĩa là văn hóa sẽ có một đời sống mới, lung linh hơn và rực
rỡ hơn...

 

Nam Phương

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/bien-dao-ha-nhung-tam-huyet-voi-van-hoa-dan-toc-2ae1efd/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm