Ngày 20-7, Sân khấu Kịch Quốc Thảo sẽ trình diễn tác phẩm "Sâu đêm" của tác giả - đạo diễn Quốc Thảo. Vở kịch nhắc nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, ấm no; đồng thời phản ánh việc đấu tranh phòng chống tội phạm của các chiến sĩ công an nhân dân nhằm giữ bình yên cuộc sống.
"Cú chạm" đầy sáng tạo
Sàn diễn TP HCM đã dàn dựng nhiều vở kịch, cải lương dịp 27-7 thu hút đông đảo khán giả. Trong đó, lòng biết ơn hóa thành chất liệu nghệ thuật; những giọt mồ hôi luyện tập hóa thành nén nhang dâng lên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do, hạnh phúc và nhiều thương binh vẫn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ trẻ.
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Đây là "cú chạm" đầy sáng tạo mà lực lượng nghệ sĩ TP HCM đang miệt mài gìn giữ và làm mới nghệ thuật sân khấu".
Các đơn vị nghệ thuật như: Sân khấu Kịch Hồng Vân, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Hồng Hạc, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… nhiều năm qua đã dàn dựng những vở diễn tưởng niệm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Những tác phẩm như: "Ngày ấy cổng trời", "Hai người mẹ", "Đồng chí", "San hô đỏ", "Tình yêu thời chiến", "Chiến binh", "Câu hò đất mẹ", "Khát vọng hòa bình"… không chỉ để tưởng niệm mà còn kể lại những ký ức bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Một cảnh trong vở “Khát vọng hòa bình” của Nhà hát Kịch TP HCM
NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận: "Đề tài về thương binh, liệt sĩ - một mảng đề tài tưởng như chỉ sống trong hoài niệm quá khứ - dưới bàn tay của các đạo diễn đã được thể hiện rất mới, rất thuyết phục người xem".
Cụ thể, trong vở "Ngày ấy cổng trời", đạo diễn sử dụng không gian sân khấu như một miền ký ức chồng lớp giữa thực tại và quá khứ. Các pha chuyển cảnh không đơn thuần là thay phông, đèn, mà như từng nhịp thở gợi lại tâm trạng của cựu chiến binh giữa thời bình, đối diện nỗi cô đơn và những mảnh ghép không lành lặn trong ký ức.
Vở "Hai người mẹ" lại chọn thủ pháp đối lập hình tượng. Một bên là người mẹ liệt sĩ, một bên là mẹ của người lính từng đứng bên kia chiến tuyến. Hai nhân vật tượng trưng cho hai thế giới nhưng cùng chung một nỗi niềm mất con.
Trong khi đó, "Đồng chí" và "San hô đỏ" lại khai thác chất chính luận trong tâm thế mới. Với "Tình yêu thời chiến", đạo diễn đã đưa tình yêu đôi lứa song hành với tình yêu Tổ quốc, mà không coi đó là điều đối lập. Vở kịch cho thấy những rung động rất thật, những hy sinh âm thầm của người ở hậu phương, của người vợ, người yêu. "Chiến binh" và "Câu hò đất mẹ" thì nghiêng về lối kể chuyện có tiết tấu, giàu tính hiện đại…
"Đề tài thương binh, liệt sĩ không bao giờ cũ. Những nghệ sĩ trẻ hôm nay đang góp phần làm cho mạch nguồn ấy tiếp tục chảy trong tâm hồn công chúng" - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Không chỉ là tiếng nói của quá khứ
Tác giả Nguyễn Kháng Chiến chia sẻ về "Ngày ấy cổng trời": "Tôi viết kịch bản này không phải để kể lại chiến tranh, mà là để nói về sự tiếp nối. Người lính năm xưa đã hy sinh một phần thân thể nhưng trong mắt con cháu bây giờ, họ là cả một bầu trời. Tôi cố gắng để từng lời thoại không chỉ là tiếng nói của quá khứ mà còn là lời nhắc nhở của hiện tại, rằng hòa bình đã được đánh đổi bằng máu xương và nước mắt".
Ở dòng kịch mang hơi hướng lý tưởng cách mạng, "Đồng chí" của tác giả Lê Thu Hạnh tạo nên sự xúc động sâu lắng. Vở này - vừa đoạt giải B Giải thưởng Sáng tạo của TP HCM - không khai thác hình ảnh chiến trận năm xưa mà tập trung vào tình cảm giữa những người lính trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Tác giả Lê Thu Hạnh tâm sự: "Khi viết "Đồng chí", tôi muốn khán giả thấy rằng đằng sau bộ quân phục là những con người rất đỗi yếu mềm nhưng lại vô cùng can trường. Họ không chỉ chiến đấu bằng vũ khí, mà còn bằng trái tim".
Nhiều nghệ sĩ khẳng định những vở diễn mang màu sắc cách mạng, tưởng niệm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ cần được đầu tư dài hơi hơn. Theo đó, cần tổ chức biểu diễn thường xuyên tại các trường học, đơn vị quân đội, khu lưu niệm… để thế hệ trẻ không quên những người đã xả thân cho Tổ quốc.
Theo các nhà chuyên môn, sân khấu là nơi gìn giữ ký ức cộng đồng. Trong những ngày tháng 7 tri ân, lực lượng nghệ sĩ TP HCM đã và đang biến ký ức thành vở diễn, biến cảm xúc thành hành động, biến lòng biết ơn thành sự sáng tạo... Không chỉ diễn - các nghệ sĩ còn đang sống cùng lịch sử và truyền đi thông điệp yêu nước bằng chính trái tim của mình.
Nguồn: https://nld.com.vn/bien-ky-uc-thanh-vo-dien-tri-an-196250717195634866.htm
Bình luận (0)