Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bồi hồi nhớ vàng son một thuở của sân khấu Trống Đồng, Lan Anh

Thông tin sân khấu Trống Đồng, Lan Anh (TP.HCM) chính thức dừng hoạt động khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ, người yêu nhạc tiếc nuối, bồi hồi...

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/05/2025




Bởi, những sân khấu ấy từng là "thánh đường" âm nhạc, là nơi lưu giữ ký ức, góp phần đưa nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả và chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của nhạc Việt.

Đàm Vĩnh Hưng nhớ lần đầu đứng trên sân khấu Lan Anh

Tọa lạc trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.1, TP.HCM), với không gian ngoài trời hơn 3.000 chỗ, sân khấu Trống Đồng từng là cái nôi nuôi dưỡng phong trào nhạc trẻ thập niên 1980, 1990 - là điểm hẹn cuối tuần quen thuộc của giới trẻ Sài thành.

Đàm Vĩnh Hưng bồi hồi nhớ lại thuở còn là anh thợ cắt tóc, ở trong căn phòng nhỏ, dành dụm tiền đi xem ca nhạc ở sân khấu Trống Đồng. "Tôi từng là khán giả ngồi dưới xem Minh Tuyết, Cẩm Ly hát ở Trống Đồng hằng đêm. Chương trình gần xong, tôi còn chạy ra sân khấu đợi trước để xem mặt ca sĩ, chỉ đứng nhìn vậy thôi. Ca sĩ đi xe nào, giờ nào, tôi biết hết. Lúc đó tôi còn làm tóc, chưa đi hát, chỉ nhìn và mê vậy thôi", Đàm Vĩnh Hưng kể chuyện.

Những đêm xem biểu diễn ở Trống Đồng, Lan Anh lúc bấy giờ đã giúp anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng (tên thật của Đàm Vĩnh Hưng) nuôi ước mơ theo đuổi nghề. Năm 1998, sau 8 lần đi thi, anh đạt giải 4 Tiếng hát Truyền hình TP.HCM - một cuộc thi ca nhạc uy tín và chất lượng, cũng là lần đầu tiên anh được đứng trên sân khấu Lan Anh thể hiện bài hát Sài Gòn - Thành phố 300 năm cùng các nghệ sĩ.

Bồi hồi nhớ vàng son một thuở của sân khấu Trống Đồng, Lan Anh- Ảnh 1.

Hò đối đáp là một trong những tiết mục kinh điển nhất của Làn Sóng Xanh, quy tụ top 10 ca sĩ năm 2003

ẢNH: LÀN SÓNG XANH

Dù xuất hiện chỉ với vai trò hát bè, hát cùng nhiều nghệ sĩ khác, nhưng những bước chân đầu tiên trên sân khấu Lan Anh gần 30 năm trước chính là nấc thang đầu tiên giúp giọng ca Xin lỗi tình yêu kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình.

Năm 2003, Đàm Vĩnh Hưng có liveshow đầu tiên tại thánh đường âm nhạc này. 2 đêm diễn với chật kín khán giả. Kinh phí tổ chức gần 700 triệu đồng, gần như là tiền anh đi mượn (mượn nhà sản xuất, bạn bè quen biết).

Anh nói anh làm liveshow không phải để kinh doanh, chưa từng có một giây phút nào anh nghĩ bán vé để kiếm lời. "Trước tôi hát ở phòng trà có ít người xem được, nghe được, tầm trăm, vài trăm người thôi, hát có vài bài thôi, không đã. Tôi muốn hát nhiều bài hơn, cho nhiều người nghe hơn, được nghe tiếng vỗ tay to hơn, nên tôi phải làm liveshow thôi. Anh Huỳnh Phúc Điền (cũng như nhiều người trong nghề) nói rằng: 'Mọi thứ sản xuất tốn kém mà diễn một đêm phí quá, tiền đạo diễn cũng tính có một lần thôi! Mọi người đang trông chờ liveshow của Hưng mà! Làm luôn đi!'. May mà vé bán hết sạch, vừa trả được nợ, có thêm chút lãi…", Đàm Vĩnh Hưng xúc động.

Minh Tuyết chạy xe máy chở Cẩm Ly đi hát

Ra đời sau sân khấu Trống Đồng, sân khấu Lan Anh (Q.10, TP.HCM) là lựa chọn hàng đầu của các liveshow lớn. Những đêm nhạc quy mô với hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại là nơi đánh dấu sự trưởng thành của nhiều nghệ sĩ Việt. Nhiều người từng nói rằng, sân khấu Lan Anh là giấc mơ mà ca sĩ nào cũng muốn được một lần chạm tới.

Cẩm Ly,, Đan Trường, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng… đều từng tổ chức concert ở thánh đường âm nhạc này. Hàng dài người xếp hàng mua vé xem ca nhạc là bảo chứng cho sức hút tên tuổi của một nghệ sĩ. Đây cũng là nơi đầu tiên Làn Sóng Xanh tổ chức các đêm công diễn và các buổi lễ trao giải hoành tráng, để lại ký ức đẹp trong lòng người hâm mộ. 19 năm liên tiếp sau đó, nơi đây vẫn là thánh đường của Làn Sóng Xanh, cho đến ngày không còn tổ chức biểu diễn được nữa.

Bồi hồi nhớ vàng son một thuở của sân khấu Trống Đồng, Lan Anh- Ảnh 2.

Khán giả dự Lễ trao giải Làn Sóng Xanh 1998

ẢNH: LÀN SÓNG XANH

Dù đã nghe thông tin từ trước đó nhưng khi hay tin sân khấu Trống Đồng, Lan Anh chính thức đóng cửa, ca sĩ Cẩm Ly cũng không khỏi ngậm ngùi. Chị vẫn nhớ như in những đêm chạy xe máy cùng Minh Tuyết chạy show khắp thành phố.

"Hà Phương chân yếu tay mềm hơn nên ba chở đi. Ly với Tuyết thì chạy xe máy của mẹ, từ Trống Đồng, Lan Anh, qua Đầm Sen, đêm khuya hai đứa con gái chạy xe vèo vèo vậy. Không chỉ vòng vòng các sân khấu thành phố mà Thủ Đức, Bình Dương, hai chị em chạy hết. Giờ nghĩ lại không biết rủi hư xe dọc đường thì làm sao. Sau một thời gian, hai chị em tích cóp mua được chiếc xe máy Dream để chạy show. Mỗi lần chạy show là Tuyết chở, Ly tay hòm chìa khóa thôi chứ đợi Ly chạy xe chắc ngày mai mới tới", Cẩm Ly bồi hồi nhớ lại.

Năm 2008, kỷ niệm 15 năm ca hát, Cẩm Ly tổ chức chương trình riêng tại 2 địa điểm: sân khấu ca nhạc Lan Anh (TP.HCM) và sân vận động TP.Cần Thơ. Trong đêm nhạc ấy, hơn 3.000 ghế ngồi của sân Lan Anh không còn một chỗ trống, nhiều khán giả chấp nhận đứng để cổ vũ cho ca sĩ của mình và không ngừng la hét gọi "chị Tư" (tên thân mật fan gọi Cẩm Ly).

Có bầu bé lớn nhưng chẳng biết, Cẩm Ly vẫn đi diễn rất sung. Hôm đó đang diễn ở sân khấu Lan Anh, đi giày cao gót chị bị trượt té, rớt "bịch bịch" xuống cầu thang, may mắn là mẹ con bình an... Nhưng mỗi lần nhớ lại, nữ ca sĩ Người về cuối phố vẫn còn run. Đó là những kỷ niệm chị chẳng thể nào quên được.

Showbiz đang dịch chuyển

Chuyên gia truyền thông Đỗ Quang Chí, người có hơn 20 năm trong ngành quản lý nghệ sĩ tại Việt Nam, nói rằng nếu chỉ nhìn trên bình diện cảm xúc, anh hiểu vì sao nhiều người tiếc nuối. 

Từng làm rất nhiều show trên sân khấu Trống Đồng (Đêm ngàn sao của ca sĩ Thanh Thảo, hay anh cũng là người góp phần trở lại của Hoàng Thùy Linh trong show Đến trường...), Quang Chí nhó lại: "Tôi không chỉ đứng nhìn sân khấu, tôi từng chạy, từng ngồi bệt giữa hậu trường bụi bặm để bàn kịch bản, từng phụ bán từng tấm vé. Với tôi, Trống Đồng là nơi mà những lớp khán giả bình dân - những người lao động, học sinh, sinh viên - được sống cùng âm nhạc mà không cần vé bạc triệu, ngày ấy 150.000 đồng là đỉnh lắm rồi. Còn Lan Anh là nơi nghệ sĩ có thể 'cháy' cùng dàn âm thanh đủ mạnh, ánh sáng đủ đầy và những đêm diễn đủ tầm quốc tế".

Với anh, câu chuyện không đơn giản là hoài niệm. Bởi "thẳng thắn mà nói sau này chuyện Lan Anh không bán được vé là có thật, hầu hết chỉ có chương trình nhãn hàng - miễn phí vé mới đông. Và Trống Đồng, dù nhiều ký ức, cũng đã cũ, cũng phải nhường đất làm… bãi giữ xe".

Bồi hồi nhớ vàng son một thuở của sân khấu Trống Đồng, Lan Anh- Ảnh 3.

Chuyên gia truyền thông Đỗ Quang Chí và "đả nữ" Ngô Thanh Vân đang xem kịch bản trong hậu trường sân khấu Trống Đồng năm 2009

ẢNH: NVCC

Những người tổ chức show đều hiểu thời đại bây giờ đòi hỏi trải nghiệm khán giả cao hơn nhiều. Người ta không chỉ cần nghe nhạc - họ cần cảm xúc, không gian đẹp, sự tiện nghi, và đôi khi… một lý do để check-in.

"Người trẻ giờ đi xem show ở các trung tâm thương mại, nhà hát ánh sáng mới, quán rooftop, hoặc thậm chí là trong rừng, trên đồi, ngoài biển. Showbiz không chết - nó đang dịch chuyển. Tôi chỉ mong rằng, dù đứng ở đâu, hát cho ai, chúng ta - những người làm nghề - vẫn giữ lại tinh thần Trống Đồng: gần gũi, chân tình. Và giữ lại ánh sáng Lan Anh: rực rỡ, chuyên nghiệp. Chúng ta chỉ đơn giản là đang viết tiếp một chương mới, ở một không gian mới, với một thế hệ khán giả mới", Quang Chí trải lòng.

Sân khấu Trống Đồng, Lan Anh chính thức đóng cửa, khép lại những đêm diễn sôi động từng làm nên một phần linh hồn âm nhạc của TP.HCM. Những sân khấu mới có thể hiện đại hơn, "chill" hơn nhưng ký ức một thuở cầm vé giấy, chen nhau vào sân, chậm chân là hết... mãi là hoài niệm chẳng thể nào quên.


Nguồn: https://thanhnien.vn/boi-hoi-nho-vang-son-mot-thuo-cua-san-khau-trong-dong-lan-anh-185250512204459888.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm