Được biết, Tà Hừa bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Song nhờ nỗ lực triển khai chương trình xây dựng NTM, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay diện mạo xã đã thay đổi rõ rệt. Trường học, trạm y tế, các nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang. Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, 100% đường trục chính liên bản được bê-tông; đường vào khu sản xuất được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của bà con.
Tuyến đường vào khu sản xuất của bản Khì trước đây đi lại rất khó khăn, trắc trở, nhưng được sự quan tâm của Nhà nước và sự đồng lòng của người dân, con đường nội đồng được đổ bê-tông rộng rãi, tạo thuận lợi cho hơn 10ha lúa và hoa màu của bản phát triển. Anh Lò Văn Thái (bản Khì) chia sẻ: "Cuối năm 2023, bản được nhà nước đầu tư đường nội đồng nên việc vận chuyển nông sản của bà con trong bản dễ dàng hơn trước. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao giá thành nông sản. Nhờ chương trình xây dựng NTM, đời sống của bà con cũng được nâng lên".
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều tuyến đường nội đồng của xã Tà Hừa được đổ bê-tông bằng phẳng, kiên cố.
Xác định thu nhập là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Tà Hừa khuyến khích, vận động người dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với các cây trồng chủ lực như: lúa, ngô, chè và cây ăn quả. Đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã có 368,44ha cây chè, 232,95ha cây quế; tổng diện tích cây lương thực có hạt của xã là 209ha; cây ăn quả 54,75ha; 8ha cây rau màu và 31,7ha cây công nghiệp ngắn ngày (cây sắn, đậu tương, lạc…).
Đặc biệt, xã tự hào với sản phẩm gạo nếp Tan Pỏm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con mà còn khẳng định vị thế của sản phẩm địa phương trên thị trường. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ như: buôn bán, xây dựng… và khôi phục nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát. Từ đó, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 46,31 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2024 giảm còn 12,69%.
Chè đang dần là cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân xã Tà Hừa.
Chị Lò Thị Quyn - Chủ tịch UBND xã Tà Hừa cho biết: Ngoài tập trung nâng cao thu nhập, xã tích cực vận động nhân dân phát huy nội lực thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM. Vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tính từ năm 2022 đến nay, xã Tà Hừa đã vận động bà con đóng góp được 85.982m2 đất, gần 600 triệu đồng để mở đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và các công trình công cộng khác. Đồng thời, hoàn thành 100% xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động. Cùng với đó, triển khai hiệu quả làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh tại 8/8 bản. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để công nhận đạt chuẩn.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được chú trọng, hàng năm xã đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp được thực hiện hiệu quả.
Việc xã Tà Hừa hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là mới là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển mà còn là động lực để xã tiếp tục vươn xa trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-te/buoc-chuyen-minh-dang-tu-hao-676448
Bình luận (0)