Kỳ 1: Hủ tục - thực trạng và hệ lụy
Huyện Phong Thổ có 6 dân tộc (Dao, Mông, Thái, Hà Nhì, Giáy, Kinh) cùng chung sống. Bên cạnh những nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy còn tồn tại một số phong tục, tục lệ lạc hậu trở thành hủ tục. Những điều này đã và đang để lại nhiều hệ lụy, không còn phù hợp với nếp sống văn minh, tiến bộ trong giai đoạn hiện nay, làm mất đi tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, gây cản trở chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội và trở thành những cung trầm giữa đại ngàn “miền đất gió”.
Hôn nhân ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”
Vàng A Tủa và Giàng Thị Súa ở bản Sàng Sang (xã Mù Sang) lấy nhau khi Súa tròn 16 tuổi, Tủa mới 17 tuổi. Trong ngôi nhà lụp xụp, đơn sơ, không có vật dụng gì quý giá vì gia đình thuộc diện cận nghèo, nhìn dáng người nhỏ bé, gương mặt hiện rõ sự khắc khổ, buồn tủi của Tủa - Súa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Nhìn xa săm, Súa rơm rớm nước mắt, có vẻ ái ngại không muốn đề cập đến câu chuyện của gia đình. Nhưng rồi em cũng mở lòng và chia sẻ: Em và chồng quen nhau trong một buổi đi chơi, thấy thích nhau, sau vài tháng chúng em quyết định cưới. Đám cưới được tổ chức đơn giản vì không có tiền và phần nữa là không được chính quyền công nhận, vì cả 2 chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Cuộc sống rất vất vả, ngay cả khi em mang thai, thậm chí mới sinh mấy ngày nhưng vẫn phải lên nương, làm việc nhà. Biết khổ thế này em không lấy chồng sớm đâu!
Rời nhà Tủa, chúng tôi sang bản Sàng Cải gặp vợ chồng em Ma A Lâu, Giàng Thị Phê. Được biết, Lâu và Phê yêu nhau được vài tháng thì Phê đồng ý cho Lâu bắt mình về làm vợ khi mới 17 tuổi, còn Lâu lúc đó còn vài tháng nữa mới đủ 18 tuổi, để lại sau lưng bao dự định, ước mơ của tuổi học trò.
Phê tâm sự: Từ ngày lấy chồng, vợ chồng em vẫn chưa ổn định cuộc sống. Chồng thì ai thuê gì làm nấy, còn bình thường ở nhà làm việc giúp bố mẹ. Thế nên tiền không có, con sinh ra cũng thiếu thốn. Chưa kể con bị còi cọc, khó nuôi, bản thân em thường xuyên đau ốm.
Những bạn trẻ đáng ra vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường thì lại bỏ ngang để lập gia đình. Thế nhưng đáng nói và đáng lên án hơn đó là sự đồng tình, ủng hộ của gia đình. Khi được hỏi lý do, ông Vàng Páo Chinh (bố em Vàng A Tủa) nói: Cũng biết cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng do phong tục tập quán lấy vợ sớm để có người phụ giúp việc nhà, để sinh nhiều con, có người nối dõi. Đây cũng là truyền thống người Mông từ bao đời nay nên khi con đòi lấy vợ, vợ chồng mình đã đồng ý. Tháng 4/2024, gia đình tôi cũng đã bị chính quyền xã lập biên bản xử phạt về việc này.
Theo UBND xã Mù Sang, từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã có 5 cặp tảo hôn và đã bị xử lý theo quy định. Có những cặp sinh con trước mới tổ chức lễ cưới, khi nào đủ tuổi quy định thì mới đăng ký kết hôn. Những đứa trẻ được sinh ra từ các ông bố, bà mẹ tuổi đời còn quá trẻ dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ và không có việc làm, áp lực miếng cơm manh áo, nghèo túng khiến nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau.
Tảo hôn đã gây ra nhiều hệ luỵ, trở thành “rào cản” cho sự phát triển của địa phương. Để rồi giờ đây đâu đó tại một số bản làng nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới bao ước mơ còn dang dở; tiếng khóc của trẻ lạc vào “lời ru buồn” của những người mẹ, người cha “nhí”.
Lãnh đạo UBND, Công an xã Mù Sang tuyên truyền người dân bản Sàng Cải nghiêm túc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình.
Tư tưởng trọng nam, khinh nữ
Trong căn nhà ngổn ngang đồ đạc, em Ma A Tinh ở bản Mù Sang (xã Mù Sang) đang nằm trên giường với nét mặt mệt mỏi, buồn rầu. Qua trò chuyện được biết, Tinh năm nay tròn 16 tuổi, vì cuộc sống khó khăn lại là con gái lớn trong gia đình nên tháng 9/2024 sau khi học xong lớp 9, bố mẹ bắt em nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc. Em vừa phải cùng dì xuống Hưng Yên làm thuê cho một công ty nhưng do còn nhỏ tuổi, sức khoẻ yếu, công việc nặng không làm nổi nên mới làm được 1,5 tháng thì em bỏ về.
Tinh nói: Vì tư tưởng trọng nam, khinh nữ, muốn có con trai nối dõi tông đường và muốn đông con nên dù đã có 3 con gái bố mẹ em vẫn sinh thêm em trai. Nghèo lại đông con, em là con gái cả nên bố mẹ bắt nghỉ học ở nhà làm nương. Bố bảo con gái học nhiều làm gì rồi cuối cùng cũng lấy chồng, sinh con, đi làm nương thôi. Em vẫn muốn đi học để mai này có cuộc sống tốt hơn.
Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại và tạo nên hình ảnh xấu trong đời sống của đồng bào như: con dâu, em dâu không được ngồi chung mâm cơm với anh chồng; con dâu ăn cơm không được ngồi ghế; sinh nhiều con trai. Chính những tư tưởng sai lệch, phong tục lạc hậu này đã gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý, chất lượng dân số, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính. Và cứ thế, trong những ngôi nhà nhấp nhô bên sườn núi văng vẳng tiếng buồn quặn thắt và đó cũng là rào cản cho sự phát triển ở nơi rẻo cao của “miền đất gió”.
Hủ tục len lỏi trong đời sống
Xã Tung Qua Lìn có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 90%, Hà Nhì chiếm 7,5% dân số. Đồng chí Giàng A Lảnh - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Trên địa bàn xã còn 4 hủ tục, thế nhưng đáng lên án nhất là tổ chức tang lễ dài ngày; khi người chết phải bỏ đồng bạc vào mồm, mang đến nơi chôn cất phải mở nắp quan tài ra và bỏ đồng bạc ở mồm ra; người chết đã trôn cất nếu trùng tang lại đào lên thiêu.
Ông Chu Seo Khu, dân tộc Hà Nhì, Trưởng dòng họ Chu ở bản Tung Qua Lìn chia sẻ: Mỗi đám tang của dân tộc tôi ở đây thường diễn ra ít nhất từ 5-8 ngày, có đám hơn 10 ngày với các thủ tục làm lý tốn kém. Nhất là trong 1-2 tuần, nếu gia đình, dòng họ lại có người mất thì đó là trùng tang, gia chủ lại phải đào người mất đã chôn cất lên để thiêu vì quan niệm như vậy mới không còn người mất liên tiếp, thiêu đốt những thứ xui xẻo. Đó là phong tục, tục lệ mà tổ tông để lại, chúng tôi phải theo.
Còn đối với dân tộc Mông, trên địa bàn xã có 2 nhóm là: Mông Sớ, Mông Đen. Trong đó, người Mông Đen ở bản Hờ Mèo vẫn còn hủ tục là người chết phải được bỏ đồng bạc vào mồm, mang đến nơi chôn cất thì mở nắp quan tài ra và lấy đồng bạc đó ra. Còn dân tộc Mông Sớ ở 4 bản: Tung Qua Lìn, Căng Ký, Căng Há, Cò Ký không tổ chức tang lễ dài ngày mà chỉ 1-2 ngày, cũng không nặng về đồ lễ cúng bái cho người đã khuất. Thế nhưng còn hủ tục không cho người chết vào áo quan mà cho vào giọ đan, tới chỗ chôn mới cho vào quan tài, bởi đó là phong tục nên không được phép làm khác. Nếu như cho vào áo quan từ khi còn ở nhà thì người đã mất sẽ không về được với tổ tiên.
Không chỉ vậy, trên địa bàn xã Tung Qua Lìn vẫn còn tồn tại tình trạng theo đạo bỏ bàn thờ tổ tiên. Đây cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng tới văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Để tìm hiểu về vấn đề này, anh Giàng A Trung - Phó Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi tới gặp bà Giàng Thị Dê (57 tuổi) ở bản Tung Qua Lìn. Trong căn bếp len lỏi ánh sáng của bếp lửa chúng tôi phải nhờ sự trợ giúp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phiên dịch mới có thể trò chuyện được với bà Dê. Bà Dê kể, tháng 8/2024, tôi và 2 con trai theo đạo tin lành Việt Nam (miền Bắc). Ban đầu nhà tôi không ai theo vì các quy tắc, quy định sinh hoạt đạo không phù hợp với gia đình tôi. Thế nhưng do chồng mất sớm, em trai của chồng là người thân duy nhất 3 mẹ con có thể nương tựa không may mắc bệnh, ốm đau triền miên chữa bệnh nhiều năm không khỏi, dựa vào điều này nhiều người đã tuyên truyền, vận động theo đạo sẽ khỏi bệnh. Trong tâm thế có bệnh thì vái tứ phương, ai bảo gì làm nấy, vậy là chú đã làm theo. Hai con tôi coi chú như cha, trong hoàn cảnh đó, gia đình tôi không theo thì sợ anh em, bà con trong bản khinh rẻ. Thế nên đành thuận theo.
Bà Dê tâm sự: Mẹ con tôi bỏ bàn thờ tổ tiên, không thắp hương, cúng bái gì chỉ thờ và theo thiên chúa, luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo của tin lành. Các phong tục của đồng bào Mông cũng từ bỏ. Cuối tuần lại tập trung ra nhà nguyện. Tôi cũng không muốn nhưng không khuyên bảo được 2 con trai nên đành theo.
Chính sự tồn tại của những tư tưởng, phong tục, tục lệ nói trên ngày nay đã không còn phù hợp và trở thành hủ tục đáng lên án, gây trở ngại quá trình xây dựng xã hội văn minh và cần giải pháp để tiến tới xóa bỏ.
Qua rà soát theo Nghị quyết số 15-NQ/TU, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ còn một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu như: tang ma (để dài ngày; chết không đưa vào áo quan đem đi chôn cất; cấm đưa người chết ở bên ngoài vào bản để an táng theo phong tục truyền thống của dân tộc); lễ cưới, hôn nhân và gia đình (tảo hôn; thách cưới bằng bạc trắng khi kết hôn; tục sinh con tại nhà; sinh đôi, sinh 3 bắt phải vứt bỏ không được nuôi); mê tín dị đoan (lễ cúng giải hạn chữa bệnh; xem bói toán); một số phong tục tập quán khác (Lễ Tủ Cải hay còn gọi là lễ trưởng thành kéo dài, nhiều thủ tục; một số bản có tục cấm bản dài ngày; thả rông gia súc, gia cầm không có chuồng trại chăn nuôi...). Từ năm 2024 đến nay, toàn huyện có 21 cặp tảo hôn. Tỷ lệ giới tính khi sinh là 118 bé trai/100 bé gái. |
(Còn nữa)
Nguồn: https://baolaichau.vn/van-hoa/pha-rao-hu-tuc-xay-dung-nep-song-van-minh-1318795
Bình luận (0)