Chị Sùng Thị Dính - Chủ tịch Hội LHPN xã Sùng Phài cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 80% là dân tộc Mông. Bà con nơi đây còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp như: thêu dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô, các món ăn ẩm thực… Để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy nguồn lực tại chỗ, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy xã và Hội LHPN thành phố thực hiện các dự án, mô hình trên địa bàn. Trong đó, có mô hình thêu, dệt thổ cẩm. Trước khi thực hiện, Hội LHPN xã tổ chức cho hội viên phụ nữ đi tham quan, học hỏi các mô hình thêu dệt thổ cẩm ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Từ những chuyến học hỏi kinh nghiệm, Hội LHPN xã đã thành lập tổ thêu, dệt thổ cẩm với 16 thành viên. Tổ thêu, dệt thổ cẩm được thành lập và đi vào hoạt động không chỉ góp phần đào tào nghề mà còn giữ gìn nét văn hóa độc đáo của người Mông, đặc biệt giúp chị em có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Từ nghề thêu đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Sùng Phài.
Chị Tẩn Thị Dinh ở bản Cư Nhà La là một trong những điển hình khi tham gia học nghề và làm giàu từ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. Theo chị Dinh, trước đây cuộc sống gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Vào mùa nông nhàn chị lại lấy các phụ kiện, váy áo ra thêu theo kinh nghiệm truyền dạy của các thế hệ đi trước. Năm 2018 sau khi được cán bộ phụ nữ xã tuyên truyền, vận động tham gia lớp học nghề thêu thổ cẩm chị đã tham gia.
Chia sẻ với chúng tôi chị Dinh cho biết: Qua học lớp nghề thêu thổ cẩm do Hội LHPN xã tổ chức tôi vận dụng kiến thức để cho ra những sản phẩm có hoa văn, họa tiết thêu độc đáo, bắt mắt, tinh tế và “có hồn”. Tuy nhiên nhu cầu sử dụng của mọi người ngày càng phong phú, thêu tay không đáp ứng được, trong khi để tạo ra một sản phẩm thêu rồi may váy áo của đồng bào Mông phải mất 2-3 tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thiện xong. Để đáp ứng nhu cầu đó, tôi đã đầu tư một dàn máy thêu với 20 đầu thêu.
Thêu thổ cẩm là một trong những nét văn hóa, nghề truyền thống được phụ nữ dân tộc Mông lưu giữ và bảo tồn.
Chỉ cần đặt lệnh theo hình mong muốn, máy thêu có thể thêu đồng loạt và chính xác từ các chi tiết nhỏ nhất. Ưu việt nhất của máy thêu là thêu những hoa văn cầu kỳ mà thêu tay khó có thể làm được. Mỗi ngày dàn thêu có thể thêu từ 6 -10 bộ váy. Nhờ đó, chị Dinh có thể nhập hàng ở các huyện như: Sìn Hồ, Phong Thổ và các tỉnh Điện Biên, Lào Cai về để làm. Từ nghề thêu thu nhập bình quân một năm gia đình chị Dinh thu về khoảng 400 triệu đồng. Chị Dinh bỏ hẳn làm nông để chuyên tâm vào xưởng thêu. Ngoài ra, còn thuê thêm nhân công làm tại xưởng với mức thu nhập ổn định.
Chị Lầu Thị Dờ - Hội viên phụ nữ bản Cư Nhà La cho biết: Bản thân tôi rất thích dùng đồ thổ cẩm của dân tộc mình nên đã xin vào xưởng thêu của chị Dinh để vừa học thêu vừa có thêm thu nhập. Được làm tại xưởng thêu thổ cẩm ngoài được nuôi ăn ở tôi còn được hưởng tiền trợ cấp với mức 15 triệu đồng/năm. Tôi sẽ cố gắng học nghề và làm lâu dài.
Từ những bàn tay khéo léo, những đường kim mũi chỉ không chỉ tạo nên những sản phẩm độc đáo mà còn dệt nên cả giấc mơ đổi đời của những người phụ nữ nơi vùng cao Sùng Phài.
Nguồn: https://baolaichau.vn/van-hoa/lam-giau-tu-nghe-theu-det-truyen-thong-1075785
Bình luận (0)