Ngày 21/7, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ra viện cho các bệnh nhân ghép tủy đồng loại điều trị bệnh Thalassemia (thiếu máu huyết tán bẩm sinh) thứ 8, 9 và 10, cùng với bệnh nhân ghép tủy tự thân thứ 50.
Đáng chú ý, ca ghép thứ 9 và 10 là hai trường hợp ghép tế bào gốc đồng loại bất đồng nhóm máu, được thực hiện thành công đầu tiên tại Việt Nam bởi kỹ thuật thuật dung hòa miễn dịch, đánh dấu bước tiến quan trọng trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu, mở ra thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh huyết học di truyền hiểm nghèo.
Ca ghép tế bào gốc tự thân thứ 50 được thực hiện cho bệnh nhi T.T.D (5 tuổi, trú tại tỉnh Lâm Đồng), mắc u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Sau giai đoạn điều trị tấn công có đáp ứng một phần, bệnh nhi được chỉ định ghép tế bào gốc tự thân vào ngày 6/5.
Đến ngày thứ 28 sau ghép, tiểu cầu và bạch cầu hạt phục hồi. Hiện, bệnh nhi được chuẩn bị xạ trị sau ghép.
Các ca ghép tủy đồng loại xuất viện được thực hiện trên các bệnh nhi từ 2-10 tuổi. Trong số đó, trường hợp ghép tủy đồng loại ở bé N.H.H (2 tuổi, đến từ tỉnh Bắc Giang cũ) và bé L.N.H (10 tuổi, đến từ Đà Nẵng) là hai trường hợp ghép có bất đồng nhóm máu.
Bệnh viện đã sử dụng biện pháp dung hòa miễn dịch trước ghép, nhằm hạn chế gạn tách hồng cầu trong túi tế bào gốc, giúp giữ tối đa số lượng tế bào gốc thu được.
Dù bệnh nhi L.N.H có biến chứng nhiễm trùng huyết nhưng đã phục hồi hoàn toàn, bạch cầu hạt và tiểu cầu phục hồi lần lượt vào ngày 19 và 16.
Từ khi triển khai kỹ thuật ghép tủy vào tháng 11/2019 đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện 60 ca ghép tủy cho trẻ em, trong đó có 10 ca ghép tủy đồng loại trong bệnh lý Thalassemia và 50 ca ghép tủy tự thân cho các bệnh lý u đặc như u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, u nguyên bào võng mạc di căn và Lymphoma non Hodgkin (các khối u có nguồn gốc từ các mô bạch huyết, chủ yếu là các hạch bạch huyết) tái phát.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong 10 ca ghép tủy đồng loại được thực hiện thành công tại đơn vị, có 8 ca phù hợp nhóm máu với người cho và hai ca bất đồng nhóm máu.
Với các phác đồ hiện tại, các ca bất đồng nhóm máu cần phải gạn tách hồng cầu từ túi tế bào gốc. Việc gạn tách sẽ làm giảm chất lượng tế bào gốc.
Bệnh viện Trung ương Huế là nơi đầu tiên thực hiện kỹ thuật dung hòa miễn dịch. Đơn vị đã tiến hành truyền nhóm máu của người cho với thể tích tăng dần vào cơ thể người nhận, với thể tích từ 5ml ngày đầu, 10ml vào ngày thứ hai, 20ml vào ngày thứ ba và 40 ml vào ngày thứ 4; sau đó thử lại hiệu giá kháng thể.
Nếu hiệu giá kháng thể nhỏ hơn 1/32 thì việc gạn tách hồng cầu từ túi tế bào gốc không cần thiết.
Ghép tế bào gốc là một phương pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp điều trị và chữa lành nhiều bệnh lý máu và ung thư. Thành công trong các kỹ thuật này đánh dấu một bước ngoặt lớn, đem lại những cơ hội tuyệt vời cho các trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh, không còn lệ thuộc truyền máu nữa đồng thời, giúp kéo dài sự sống cho các trẻ mắc các bệnh lý u đặc.
Bệnh viện Trung ương Huế là nơi triển khai các kỹ thuật này đầu tiên trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên và là cơ sở y tế thứ ba của Việt Nam thực hiện kỹ thuật này./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/buoc-tien-quan-trong-cua-nganh-y-viet-nam-trong-ky-thuat-ghep-te-bao-goc-tao-mau-post1050874.vnp
Bình luận (0)