Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, dự Phiên họp và phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho biết: Việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc có ý nghĩa nhân văn, đã được triển khai rất tích cực với tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít". Sau Phiên họp thứ ba, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều việc, về cơ bản, đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản theo thẩm quyền để đẩy mạnh triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị của các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết quả, từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà (trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà), đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày. Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình (về thủ tục, quy trình thực hiện; cách thức phân bổ kinh phí hỗ trợ; bố trí đất ở; vấn đề nhân lực, vận chuyển vật liệu; sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024....).
Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Cùng với đó, giải đáp đề xuất, kiến nghị của địa phương, tháo gỡ khó khăn liên quan đến kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và 2 chương trình mục tiêu quốc gia; các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, phân bổ và huy động nguồn lực theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm"; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế, giữ tiến độ trong việc triển khai phong trào; những mặt được thì phát huy, nhân rộng, cái gì chưa được thì rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Tại phiên họp thứ ba, có 7 địa phương xóa xong nhà tạm nhà dột nát. Từ đó đến nay có thêm 8 địa phương hoàn thành dịp 30/4, bao gồm: Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Phiên họp. |
Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho biết: Từ tháng 7-2024 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát và hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, với 1.838 căn, đạt 100% kế hoạch đề ra, về đích sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xóa được hơn 5.000 căn nhà dột nát, đạt 100% kế hoạch. Trong đó có những hộ gia đình đã huy động từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức xã hội, gia đình, dòng họ, có những căn nhà được xây dựng với kinh phí lớn, khoảng hơn 300 triệu đồng. Để có kết quả trên, Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Tổ chức kiểm tra, rà soát, ghi nhận tất cả các trường hợp trước khi hỗ trợ, xác định về thời gian, tiến độ, cập nhật thường xuyên tiến độ, khi hoàn thành thì lập biên bản nghiệm thu, bàn giao sử dụng. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất ở đối với các hộ dân.
Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Từ năm 2021 đến nay, hơn 4.000 hộ dân (trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát) được hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Riêng từ tháng 7-2024 đến nay, có hơn 1.300 hộ dân được tháo gỡ khó khăn, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Thái Nguyên tăng cường bám sát và kịp thời tuyên truyền, vận động, giúp các hộ này thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống… - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Phát biểu kết luận tại Hội Nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân trong thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu, các địa phương rà soát lại để đánh giá, phát huy các kết quả đã đạt được, tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phải thực hiện xong trước ngày 27-7; gia đình có công với cánh mạng phải xong trước 2-9. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong xóa nhà dột nát, nhà tạm ở các địa phương.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/ca-nuoc-xoa-gan-209-nghin-nha-tam-nha-dot-nat-5060df0/
Bình luận (0)