Lý Hoàng Long

Sau 4 chuyến bay liên tục thì tôi cũng đặt chân đến Wamena, thị trấn nhỏ bình yên, nơi diễn ra Lễ hội văn hóa thung lũng Baliem. Đây là sự kiện được tổ chức vào đầu tháng 8 hằng năm mà giới nhiếp ảnh đều mơ ước được trải nghiệm.

Các chiến binh xuất hiện rất ấn tượng

Nằm ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, thung lũng Baliem (cao nguyên Tây New Guinea, Indonesia), được bao quanh bởi rặng núi hiểm trở mà nơi cao nhất lên đến 4.500m. Nơi đây vẫn là vùng hoang sơ hiểm trở, vắng bóng người mãi cho đến năm 1938, khi nhà thám hiểm người Mỹ Richard Archbold tình cờ phát hiện ra. Đây cũng là lần đầu tiên thế giới biết đến những bộ tộc săn đầu người trên đảo New Guinea như Dani, Yali… Ngày nay, Lễ hội Văn hóa thung lũng Baliem là một trong những hoạt động du lịch trọng điểm của huyện Jayawijaya, nằm trong tỉnh Papua Pegunungan (trước đây là một phần của tỉnh Papua), Indonesia. Sự kiện này nhằm mục đích giới thiệu và bảo tồn các giá trị truyền thống và văn hóa bộ lạc. Chương trình thường kéo dài trong 3 ngày với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên bản địa, đến từ 40 ngôi làng trong vùng, thậm chí có đoàn phải mất 5 ngày đi bộ chỉ để biểu diễn một tiết mục trong 15 phút.

Không quần là áo lượt, không trang điểm lòe loẹt, tất cả đều vận trang phục truyền thống đơn giản như nhau. Phụ nữ đóng váy bện rơm hoặc vỏ cây, để ngực trần còn đàn ông ở trần và chỉ đeo duy nhất một quả bầu khô để che phần nhạy cảm (koteka). Cả nam lẫn nữ đều đeo đồ trang sức làm từ vỏ sò, xương, hạt và lông chim nhiều màu sắc. Riêng các chiến binh thường xỏ mũi bằng nanh lợn rừng với niềm tin rằng điều này sẽ mang lại cho họ sức mạnh tuyệt đối.

Trong khi màn trình diễn của các bộ lạc thuần nông tái hiện cuộc sống hái lượm, chăn nuôi, trồng trọt trong không khí vui tươi, thì sự xuất hiện của những bộ tộc chiến binh lại mang đến ấn tượng mạnh mẽ và đầy kịch tính. Cuối con đường đất thoai thoải, những ngọn giáo bằng gỗ mun dài đến 5m bỗng nhô lên trong tầm mắt, càng lúc càng cao, như một bàn chông di động với những tiếng hú gọi đồng đội vang dội núi rừng, những chiến binh Dani toàn thân bôi đen, hạ thấp người di chuyển theo hình chữ chi với giáo dài và cung tên trong tay đột ngột xuất hiện.

Những chiến binh trong thung lũng Baliem

Sở hữu vùng đất màu mỡ nhất thung lũng, người Dani phải thường xuyên chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, chiến tranh giữa các bộ lạc đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ chỉ với những vũ khí thô sơ là rìu, giáo và cung tên… Vì thế, các hoạt cảnh hầu hết tái hiện lịch sử chiến tranh. Việc tranh giành lãnh địa, hay đôi khi chỉ từ những mâu thuẫn cá nhân, cũng có thể trở thành một cuộc chiến đẫm máu. Nhưng sau cùng, họ đều ngồi lại đàm phán và sống trong hòa bình. Một cái kết nhân văn cho mỗi hoạt cảnh – mong ước hòa bình không phải của riêng ai!

Sau phần biểu diễn hoạt cảnh, các trò chơi dân gian cũng rất được mong đợi, nơi các chiến binh thi tài bắn cung, phóng lao mục tiêu di động…

Váy rơm là trang phục truyền thống của phụ nữ Baliem

Nắng chiều nhạt dần, các đoàn lục đục gom giáo mác để quay về. Chính quyền huyện Jayawijaya đã chuẩn bị xe đưa đón trong suốt 3 ngày lễ hội, mấy chiến binh khoác vội chiếc áo, miệng tủm tỉm nhai trầu chợt trở nên hiền lành và thân thiện, khác với vẻ hiếu chiến lạnh lùng trong các màn trình diễn. Càng về gần phố, chất núi rừng càng phai nhạt, ngoại trừ âm vang của tiếng đàn môi Pikon vẫn còn vang vọng đâu đó.

Lễ hội văn hóa thung lũng Baliem năm 2025 dự kiến ​​diễn ra từ ngày 07 – 09 tháng 8, với sự tham gia của 26 nhóm, mỗi nhóm từ 30 – 50 chiến binh.­­­

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

  • Mùa hè sôi động ở Busan
  • Khúc ca thanh bình bên dòng Mekong
  • Vương quốc đảo thiên đường

Nguồn: https://heritagevietnamairlines.com/cac-chien-binh-o-thung-lung-baliem/