- Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 186 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lĩnh vực công nghiệp, trong đó có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng với lượng công nhân, người lao động lớn. Để đảm bảo an toàn lao động cho cán bộ, công nhân, người lao động, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp “triệt tiêu” các nguy cơ có thể gây mất an toàn.
Công ty Điện lực Lạng Sơn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hiện Công ty có hơn 640 cán bộ, công nhân, người lao động, trong đó có hơn 500 công nhân, người lao động trực tiếp làm những việc như thi công hệ thống lưới điện trên cao, sửa chữa điện khi chưa cắt điện…
Ông Vũ Đình Toản, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Một trong số những ngành nghề có mức độ nguy hiểm cao và khả năng gây mất an toàn lao động bậc nhất hiện nay là ngành điện lực. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động trong quá trình làm việc, nhất là trong hạng mục thi công, sửa chữa lưới điện trên độ cao hàng trăm mét, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công ty, các phòng ban chuyên môn, các điện lực đã thực hiện đúng phương châm “chủ động triệt tiêu các nguy cơ có thể gây ra tai nạn cho người lao động”.
Theo đó, ngoài việc trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn (dây lưng an toàn, găng tay cách điện cao áp, hộp chống ngã cao, kính bảo hộ chống hồ quang điện gắn mũ, máy vặn vít, guốc chèo cột điện ly tâm, các kéo…) cho công nhân, người lao động, thì để ngăn ngừa những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra tai nạn, mỗi điện lực đều bố trí 1 cán bộ chuyên tránh công tác an toàn. Còn tại mỗi tổ thi công đều bố trí 1 cán bộ an toàn vệ sinh viên. Những cán bộ này thường xuyên tham gia kiểm tra, giám sát trong các phiên làm việc của các tổ thi công, sửa chữa điện trực tiếp. Qua đó, trước khi thi công, tổ chức sửa chữa trên hệ thống lưới điện phải đánh giá, nhận diện tất cả các nguy cơ, tình huống có thể xảy ra tai nạn để chủ động cảnh báo, xử lý các nguy cơ trước khi người lao động làm việc.
Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành (huyện Chi Lăng) hiện có trên 400 công nhân, người lao động đang làm việc. Anh Trịnh Đăng Bình, Trưởng bộ phận an toàn của Công ty chia sẻ: Công ty hoạt động sản xuất công nghiệp nặng, hệ thống dây chuyền sản xuất có rất nhiều thiết bị. Vì thế, việc thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Với tính chất quan trọng như vậy nên ngoài việc cung ứng đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho công nhân thì trong quá trình vận hành máy và thiết bị sản xuất, các công nhân đều phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn đã đề ra. Cụ thể, việc sản xuất xi măng được triển khai theo dây chuyền, các thiết bị có sự liên quan mật thiết, nên trước khi tổ chức sản xuất, các bộ phận đều phải thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt các thiết bị. Khi tất cả các thiết bị trong dây chuyền đều đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thì mới được phép khởi động máy sản xuất.
Theo thống kê của phòng Lao động, Việc làm - Bảo hiểm xã hội (Sở Nội vụ), hiện trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp nặng với số lượng công nhân, người lao động từ 150 người trở lên. Ngoài hai doanh nghiệp nêu trên thì còn có Công ty Nhiệt điện Na Dương với hơn 270 công nhân; Than Na Dương có hơn 500 công nhân; Công ty Cổ phần Xi măng Hồng Phong có hơn 200 công nhân; Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ, Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương có hơn 100 công nhân…
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực công nghiệp lớn, an toàn lao động là một vấn đề quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất điện, xi măng, than… Do vậy, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đều phải quan tâm đặc biệt đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động, từ đó giúp nâng cao uy tín cho các doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động cũng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động (sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác than, xi măng, điện).
Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lê, Trưởng Phòng Lao động, Việc làm - Bảo hiểm xã hội (Sở Nội vụ) cho biết: qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thấy rằng, các doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho công nhân, người lao động nâng cao ý thức tự nhận diện, đánh giá những nguy cơ, rủi ro trong quá trình thực hiện công việc được giao phụ trách. Qua nhận diện được trước những nguy cơ rủi ro có thể gây ra tai nạn đã giúp công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ động thực hiện các phương án phòng tránh tai nạn cho bản thân khi thực hiện nhiệm vụ.
Với sự chủ động trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, đặc biệt là chủ động triển khai các biện pháp để triệt tiêu các nguy cơ gây tại nạn cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, cùng với sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước, trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng nào tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Nguồn: https://baolangson.vn/cac-doanh-nghiep-san-xuat-cong-nghiep-lon-chu-dong-triet-tieu-nguy-co-mat-an-toan-lao-dong-5047070.html
Bình luận (0)