Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cánh cửa "tái sinh" cho những phận đời lầm lỡ

Tệ nạn ma túy vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đe dọa sự bình yên của xã hội.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk07/07/2025

Tuy nhiên, nhờ những bước đi quyết liệt trong công tác quản lý, cùng sự chuyển mình mạnh mẽ từ hành lang pháp lý, công cuộc đấu tranh với “cái chết trắng” tại Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kỷ cương được siết chặt, hiệu quả được nâng cao, đồng thời mở ra cánh cửa "tái sinh" cho những phận đời từng lầm lỡ.

Từ ngày 1/3/2025, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk (địa chỉ tại xã Tân Tiến) chính thức được chuyển giao từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sang Công an tỉnh (cụ thể là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) quản lý hơn 750 học viên cai nghiện, trong đó có 30 nữ.

Theo Trung tá Đặng Trung Kiên, Phó trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk, mặc dù số lượng học viên đông nhưng cơ sở vẫn duy trì ổn định kỷ cương, an ninh và hiệu quả giáo dục, không để xảy ra tình trạng học viên vi phạm nội quy, trốn khỏi cơ sở cai nghiện hay tụ tập gây rối. Mỗi học viên ở đây đều được giáo dục, động viên với sự thấu hiểu để họ nhìn thấy con đường trở lại làm người tử tế.

Các học viên đang đan ghế mây nhựa.

Cơ sở hiện có 18 cán bộ công an, 10 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên chuyên môn. Không chỉ tăng cường kiểm soát an ninh nội bộ, lực lượng công an còn phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học viên. Những buổi chiếu phim chuyên đề, các cuộc tọa đàm về tác hại của ma túy được duy trì thường xuyên, giúp người cai nghiện thay đổi nhận thức và khơi dậy quyết tâm hoàn lương. Ngoài ra, hằng ngày học viên còn tham gia lao động trị liệu như: gia công nhặt hạt điều, may mặc, đan ghế mây, chăn nuôi, trồng trọt… Mỗi công việc dù nhỏ, nhưng đều góp phần tạo dựng thói quen tích cực, kỷ luật và rèn luyện ý chí, hướng tới tái hòa nhập xã hội sau cai nghiện.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã khám phá hơn 200 vụ án, bắt giữ hơn 370 đối tượng liên quan. Đáng chú ý, nhiều vụ được phát hiện tại các quán karaoke, nhà trọ, thậm chí trong nghĩa trang… - những nơi trước đây được xem là “điểm mù” của lực lượng chức năng.

T.P., học viên 35 tuổi, từng nghiện heroin suốt 10 năm chia sẻ: “Trước đây, em sống không mục đích, đêm nào cũng vật vờ phê thuốc. Từ khi vào đây, được các cán bộ, thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, em mới hiểu ra giá trị thật sự của cuộc sống. Nay sức khỏe em đã hồi phục, đầu óc minh mẫn. Em rất muốn được làm lại cuộc đời”.

Còn V.A., học viên nữ 28 tuổi kể rằng: “Bạn bè em nhiều người đã vướng vòng lao lý, hoặc chết vì sốc thuốc. Em từng nghĩ đời mình cũng thế. Nhưng ở đây em như sống lại cuộc đời mới. Từ ngày có lực lượng công an tiếp quản, nội quy, quy chế học tập, rèn luyện chặt chẽ hơn, mọi học viên đều nghiêm túc hơn. Quá trình cai nghiện, các chiến sĩ công an đã giúp em cảm nhận được những giá trị của cuộc sống”.

Anh Nguyễn Hồng Phú, y tá của cơ sở cho hay, những năm gần đây, đa phần các học viên đều là người trẻ. Chất ma túy họ sử dụng thường là methamphetamine, nấm ảo giác, ketamin… dẫn đến bị loạn thần, rất khó quản lý. “Trước đây có người cai đến 6 - 7 lần vẫn tái nghiện. Nhưng từ khi chuyển giao cho công an quản lý, siết chặt kỷ luật và phối hợp hỗ trợ tâm lý, tình trạng tái nghiện giảm rõ rệt. Từ đầu năm 2025 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào quay lại cơ sở”, anh Phú khẳng định.

Ngày 25/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung tội danh “sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 256a). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Cán bộ, công an hướng dẫn học viên nữ thực hành nghề may.

Trước đó, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021, người sử dụng ma túy trái phép chỉ bị xử phạt hành chính - một chế tài được đánh giá là quá nhẹ, thiếu răn đe. Không ít người sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái nghiện, gây mất an toàn xã hội.

Luật sư Lê Xuân Anh Phú (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) đánh giá: “Việc hình sự hóa tội danh sử dụng trái phép chất ma túy là rất cần thiết, mở ra cơ chế xử lý đủ mạnh, phòng ngừa từ gốc. Theo luật mới, người đang cai nghiện, điều trị bằng thuốc thay thế, hoặc trong diện quản lý sau cai mà vẫn sử dụng trái phép sẽ bị phạt tù từ 2 - 3 năm; tái phạm có thể bị phạt tù từ 3 - 5 năm”.

Thượng tá Nguyễn Hải Quân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng, luật mới là công cụ pháp lý mạnh. Nhưng để ngăn chặn ma túy hiệu quả, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ sau cai nghiện. Nếu người nghiện không có việc làm, không được tạo điều kiện tái hòa nhập, họ rất dễ bị đẩy trở lại con đường cũ. Vì vậy, các hội, đoàn thể, địa phương cần thể hiện rõ vai trò đồng hành, tạo cơ hội giúp người sau cai nghiện làm lại cuộc đời.

Lê Thành

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202507/canh-cua-tai-sinh-cho-nhung-phan-doi-lam-lo-d6e0bea/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm