Từ ước mơ trở về bản làng...
Từng theo học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc, Giàng A La trở về với xóm bản và thử sức với mô hình Hợp tác xã dịch vụ du lịch - nông nghiệp Hang Kia. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, HTX giải thể do gặp nhiều vướng mắc. “Các thành viên chưa thật sự hiểu nhau, bà con chưa nắm rõ các quy định pháp luật, thuế và chính sách, khó để cùng nhau phát triển lâu dài. Vì vậy, mình muốn làm lại mô hình theo quy mô hộ kinh doanh một cách hiệu quả, sau này sẽ có thêm kinh nghiệm để giúp đỡ, hỗ trợ lại bà con để cùng phát triển”, Giàng A La chia sẻ.
Du khách nước ngoài thích thú khi tham gia tour du lịch trải nghiệm cùng Giàng A La (ngoài cùng bên phải)
Du khách tới du lịch trải nghiệm tại A La Homestay
Lựa chọn mô hình hộ kinh doanh để tiếp tục hành trình làm du lịch bền vững, anh tập trung vào xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng mang tên A La Homestay. Với các tour du lịch trọn gói, du khách khi tới homestay sẽ được trải nghiệm văn hóa từ khám phá thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực đến nghỉ dưỡng... tại các địa điểm ở Hang Kia - Pà Cò và cả Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La). Bên cạnh đó, A La Homestay còn cung cấp những sản phẩm thổ cẩm thủ công, nông sản sạch do người dân địa phương sản xuất như mận, cà chua, gà thả vườn, rau các loại...
Lan tỏa giá trị văn hoá từ du lịch cộng đồng
A La Homestay là điểm đến hấp dẫn với không ít du khách trong nước và quốc tế khi ghé thăm khu vực Hang Kia - Pà Cò. Các tour trải nghiệm từ 1-4 ngày được thiết kế trọn gói, bao gồm dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa như vẽ sáp ong, giã bánh dày, nhuộm chàm, nấu ăn, hái mận, đào, săn mây, leo núi, cắm trại, thăm thác nước, tắm suối khoáng nóng, giao lưu văn nghệ, hoạt động từ thiện... Chi phí dao động từ 1-3 triệu đồng/người tùy tour.
Giàng A La chuẩn bị các món ăn dân tộc cho du khách tới tham quan, trải nghiệm tại Homestay
Mỗi tháng, A La đón khoảng 20-30 lượt khách, mang về doanh thu khoảng 30-40 triệu đồng. Tuy vậy, hoạt động du lịch vẫn mang tính mùa vụ, chưa ổn định. A La hiện phải thuê nhân sự theo thời vụ, gồm 3 người với mức hỗ trợ khoảng 250.000 đồng/ngày, tương đương 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có thêm chi phí cho đội văn nghệ, xe ôm và hướng dẫn viên là bà con trong xóm, được huy động theo từng tour. Anh cho biết: “Dù khách chưa đều, mình vẫn cố gắng duy trì chi trả để có người cùng làm, cùng giữ nghề. Một mình thì không thể phát triển du lịch cộng đồng. Mình phải mang lại lợi ích cho bà con thì họ mới sẵn sàng đồng hành cùng mình”.
Từng là cán bộ Đoàn năng động, A La thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện, trồng rừng, hoạt động cộng đồng gắn với du lịch. Từ đó, anh nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ từ người dân và chính quyền địa phương. Chính tinh thần “không làm một mình” ấy đã trở thành nền tảng để anh từng bước tạo dựng mô hình du lịch phát triển bền vững, gắn với sinh kế và văn hóa bản địa.
Du khách check in tại điểm săn mây trong tour trải nghiệm của A La Homestay
Đồng chí Trần Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Pà Cò, tỉnh phú Thọ (mới) cho biết: “Giàng A La là một thanh niên tiêu biểu có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm. Dù gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp tại địa phương, anh vẫn kiên trì tìm hướng đi riêng và không ngừng kết nối cộng đồng. Điều đáng quý là A La không làm du lịch chỉ vì cá nhân, mà luôn nỗ lực để tạo sinh kế, lan tỏa văn hóa, gìn giữ bản sắc dân tộc. Địa phương luôn đánh giá cao mô hình của A La và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ trong khả năng để du lịch cộng đồng có thể phát triển bền vững.”
Từ đôi bàn tay trắng, Giàng A La đã biến một góc núi rừng thành nơi đón khách. Từ ước mơ nhỏ, anh gieo lên cả một tương lai cho cộng đồng người H’Mông ở Pà Cò. Và từ thung lũng mây ấy, một thế hệ trẻ mới đang dần thức tỉnh, dám mơ, dám làm và dám ở lại - khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương.
Hằng Nguyễn
Nguồn: https://baophutho.vn/chang-trai-h-mong-xay-giac-mo-du-lich-o-thung-lung-may-235490.htm
Bình luận (0)