Sau khi cơ chế giá điện cố định - FIT (Feed-in Tariff) được ban hành với điện gió (năm 2011) và điện mặt trời (năm 2017), thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển bùng nổ chưa từng có.
Hàng loạt dự án điện mặt trời "chạy đua" thi công để được cấp phép trong thời gian ngắn mong được hưởng chính sách giá ưu đãi trong 20 năm, theo Quyết định 11/2017.
Nếu như thời điểm năm 2018 chỉ có 3 dự án điện mặt trời đóng điện thành công, thì chỉ sau khoảng một năm (đến ngày 26/5/2019), Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã đóng điện 34 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất đặt lên tới gần 2200MW.
Tính cuối tháng 6/2019 - khi ưu đãi giá FIT hết hiệu lực, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020).
Ninh Thuận và Bình Thuận (trước khi sáp nhập) là 2 địa phương có số lượng nhà máy điện mặt trời, điện gió lớn nhất, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hàng loạt nhà máy ồ ạt mọc lên tại những mảnh đất vốn chỉ là nơi chăn thả dê, cừu. Sự phát triển "nóng" này đã dẫn tới thực trạng đa số đường dây, trạm biến áp 110-500kV trên địa bàn 2 tỉnh đều quá tải, có đường dây quá tải lên đến 360% vào thời điểm 2019.
Sau làn sóng đầu tư mạnh mẽ, xu thế phát triển này đột ngột "phanh gấp" do cơ chế giá FIT kết thúc và chưa có cơ chế thay thế phù hợp. Dù Bộ Công Thương đã ban hành khung giá cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp, hối thúc các bên đàm phán giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện nhưng việc đàm phán vẫn bế tắc do nhiều nguyên nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến đầu tháng 6, không ít tài sản nghìn tỷ đồng ở "thủ phủ" điện sạch của cả nước vẫn đang vận hành cầm chừng, chờ đợi thống nhất giá bán điện. Nhiều dự án đã được xây dựng xong nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc bị cắt giảm công suất thường xuyên do không giải tỏa được lưới.
Vướng mắc chính của các dự án năng lượng tái tạo nằm ở việc nhà máy đã đi vào vận hành thương mại, từng được hưởng giá FIT theo các quyết định nhưng sau đó cơ quan thanh tra cho rằng nhiều dự án chưa đủ thủ tục để được hưởng giá đó.
Nằm tại 3 xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cũ) do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Trungnam Group) làm chủ đầu tư với công suất 450MW. Nhà máy này được xây dựng cùng với trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV. Dự án có tổng diện tích khoảng 660ha, đã hoàn thành và vận hành từ tháng 10/2020.
Dự án có hơn 1,4 triệu tấm pin mặt trời được lắp đặt trên diện tích rộng lớn, hình thành nên một trong những cụm dự án điện mặt trời quy mô lớn nhất cả nước. Mỗi ngày, hệ thống này sản xuất trung bình hàng triệu kWh điện, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho hàng trăm nghìn hộ dân tại khu vực Nam Trung Bộ.
Liên quan đến vấn đề thanh toán giá điện cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, hồi tháng 4/2024, EVN cho biết sau khi giá FIT hết hiệu lực, Chính phủ giao EVN làm đầu mối đàm phán giá điện chuyển tiếp dựa trên cơ sở chi phí đầu tư thực tế. Thời gian qua, EVN đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của tập đoàn.
Đối với phần đủ quy định pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt.
Hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV tại Thuận Nam, Ninh Thuận (cũ) được xây dựng nhằm giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong vùng, đồng thời đấu nối trực tiếp vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Đây là một trong những giải pháp hạ tầng quan trọng để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện từng khiến nhiều dự án bị chậm vận hành thương mại.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống trạm biến áp và đường dây này vẫn thuộc quyền sở hữu tài sản của Trung Nam. Trước đây, doanh nghiệp đã có đề xuất bàn giao không đồng cho EVN song vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và đang trong quá trình triển khai theo hướng dẫn.
Tại phòng điều hành trung tâm, các kỹ sư túc trực 24/7 để giám sát hệ thống và theo dõi từng thông số vận hành từ cánh đồng pin trải dài hàng trăm ha. Trung bình vào những tháng cao điểm nắng, nhà máy đóng góp khoảng 100 triệu kWh điện/tháng lên lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo nguồn cung cho khu vực Nam Trung Bộ và phụ cận.
Trong phòng điều khiển vận hành của nhà máy điện tái tạo, kỹ sư tỉ mỉ theo dõi hệ thống tủ điện, nơi tập trung hàng trăm thông số kỹ thuật quan trọng. Từ đây, mọi hoạt động của các tấm pin mặt trời đều được giám sát chặt chẽ, góp phần đảm bảo dòng điện sạch được phát lên lưới quốc gia một cách ổn định và an toàn.
Hiện nay, nhiều dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc sau Kết luận 1027 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, hạn chế trong triển khai các dự án điện tái tạo. Thanh tra Chính phủ kết luận 154 dự án điện mặt trời được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch không có căn cứ pháp lý. Sau khi có kết luận thanh tra, nhiều dự án không đàm phán được hợp đồng mua bán điện hoặc chưa được thanh toán tiền điện.
Ngày 10/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với các dự án điện năng lượng tái tạo. Nghị quyết yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN và các địa phương rà soát toàn bộ danh mục dự án chuyển tiếp, đẩy nhanh cấp phép, nghiệm thu và xác định giá điện tạm thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát điện lên lưới.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo xem xét cơ chế đấu giá, đấu thầu mua điện theo hướng minh bạch, ổn định, nhằm phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư.
EVN là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết vướng mắc về vận hành thương mại (COD) để xác định hưởng giá FIT, có trách nhiệm phối hợp với các chủ đầu tư để đưa ra phương án quyết định và thống nhất về hưởng giá FIT cho các dự án điện tái tạo.
Tuy nhiên, việc đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc. Các nhà đầu tư đều không nhất trí với cách giải quyết theo hướng tạm thanh toán, áp dụng giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo của EVN hiện nay.
Theo ghi nhận, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận (cũ) vẫn đang vận hành cầm chừng. Không ít dự án đã đấu nối vào lưới điện cũng phải đối mặt với tình trạng giảm công suất, khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu gánh nặng về chi phí xây dựng và vận hành.
Hệ thống tuabin gió tập trung dày đặc tại khu vực ven biển gần cảng Cà Ná. Các trụ tuabin cao hàng chục mét được bố trí liên tiếp. Đây là một trong những khu vực có mật độ điện gió cao nhất miền Trung, tận dụng lợi thế gió mạnh, ổn định quanh năm.
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp mới đây, nhóm các nhà đầu tư năng lượng tái tạo bày tỏ sự quan ngại về việc xử lý với các đề xuất. Đặc biệt là đề xuất của Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC), sẽ thực hiện tạm thanh toán tiền điện theo nguyên tắc áp dụng giá điện tương đương giá FIT hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp tại thời điểm nhà máy có chấp thuận nghiệm thu trong khi chờ hướng dẫn.
Nhóm nhà đầu tư này cũng cho biết từ tháng 1, EVNEPTC đã đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời. Các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thực hiện ngày COD như đã chấp thuận ban đầu.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết không đủ thông tin để đánh giá tác động tổng thể đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư trong nước và quốc tế do đây là vấn đề vĩ mô, cần có sự hỗ trợ đánh giá từ các cấp quản lý nhà nước cao hơn.
Tại các biên bản làm việc và văn bản chính thức sau đó, các chủ đầu tư đều đề cập và bảo lưu quyền khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp EVN thực hiện tạm thanh toán. EVN cho rằng rủi ro về khiếu kiện, tranh chấp (bao gồm khiếu kiện quốc tế) là hoàn toàn có thể xảy ra ở quy mô lớn.
Tính đến tháng 4, có 172 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm được công nhận ngày COD. EVNEPTC đã làm việc trực tiếp với chủ đầu tư của 159 nhà máy/phần nhà máy có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày COD. Các chủ đầu tư của 14 nhà máy/phần nhà máy điện chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu không tham gia họp, EVN đang tạm dừng thanh toán.
Về phía Bộ Công Thương, tại báo cáo 148/BC-BCT ngày 3/6, Bộ đã kiến nghị Lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo 751 xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của EVN và kết quả cuộc họp trao đổi với doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện quốc tế là hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng và kéo dài đối với các dự án năng lượng tái tạo. Do đó, Bộ kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và sớm có báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và Ban Chỉ đạo 751.
EVN đang tạm thanh toán từ tháng 1 cho 159 nhà máy/phần nhà máy. Cụ thể, có 25 nhà máy/phần nhà máy (tổng công suất 1.278MWp) đang thanh toán theo giá ưu đãi FIT 1 sẽ tạm thanh toán theo giá ưu đãi FIT 2; có 93 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 7.257MW) đang thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá chuyển tiếp.
Có 14 nhà máy/phần nhà máy điện gió (tổng công suất 649MW) đang thanh toán theo giá ưu đãi sẽ tạm thanh toán theo giá trần trực tiếp và 27 nhà máy/phần nhà máy còn lại có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong thời gian được hưởng giá ưu đãi vẫn đang thanh toán theo giá ưu đãi quy định trong hợp đồng mua bán điện đã ký. Cũng có 13 nhà máy đến nay chưa có kết quả chấp thuận nghiệm thu, EVN tạm thanh toán theo chi phí vận hành để chủ đầu tư có chi phí vận hành nhà máy.
Sau gần một thập kỷ bùng nổ đầu tư, các dự án điện mặt trời và điện gió đã làm thay đổi diện mạo vùng đất nắng gió Nam Trung Bộ, biến nơi đây thành thủ phủ năng lượng tái tạo của cả nước. Tuy nhiên, sau giai đoạn "chạy đua" xây dựng để kịp hưởng ưu đãi giá FIT, nhiều nhà đầu tư đang lâm vào thế khó. Không ít dự án đã phát điện nhưng vẫn chưa được chốt giá bán hoặc thống nhất ngày vận hành thương mại.
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. An ninh năng lượng trở thành vấn đề sống còn đối với mọi quốc gia. Xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quá trình này là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với các cam kết quốc tế.
Quy hoạch điện 8 được ban hành năm 2023, điều chỉnh tháng 4/2025 đã đặt mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện hạt nhân. Dù vậy, quá trình hiện thực hóa vẫn đang gặp không ít thách thức khi nhiều dự án đã đầu tư nhưng chưa thống nhất giá điện chính thức, nâng cấp hạ tầng truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển nguồn điện, công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ…
Tuyến bài “Chuyển đổi năng lượng công bằng trong quy hoạch điện 8” do Báo Dân trí thực hiện sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về định hướng, làm rõ hiện trạng phía Nam, đặc biệt tại các địa phương giàu tiềm năng phát triển điện tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời ghi nhận tâm tư, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Tuyến bài góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và đề xuất giải pháp cho một tương lai phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-canh-dong-pin-mat-troi-tuabin-gio-nghin-ty-dong-sau-thoi-ky-bung-no-20250617175459517.htm
Bình luận (0)