|
Chất thải rắn xây dựng đổ tại Khu đô thị Mỹ Thượng, phường Mỹ Thượng |
Đổ trộm nhiều nơi
Thực trạng đổ trộm CTRXD là vấn đề không mới nhưng tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Dù có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương nhưng tình trạng CTRXD được đổ tràn lan trong các khu quy hoạch đô thị, trên các trục đường giao thông, thậm chí trong các khu tái định cư đang triển khai thi công vẫn diễn ra. Mục sở thị một vòng các địa phương, không khó để thấy CTRXD được đổ tràn lan với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Được đầu tư xây dựng khá lâu và chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, thế nhưng Khu đô thị Mỹ Thượng (phường Mỹ Thượng *) khá nhếch nhác, CTRXD xuất hiện nhiều nơi trên một số tuyến đường nội bộ. Cụ thể, tại tuyến đường số 3F thuộc Khu đô thị Mỹ Thượng thời gian gần đây xuất hiện tình trạng tập kết đất đá, xà bần, cống bi cùng vật liệu máy móc trái phép. CTRXD lâu ngày, không được thu gom, vận chuyển đi xử lý dẫn đến hạ tầng đô thị khu vực này xuống cấp, nhếch nhác.
Không chỉ đổ trộm vào các khu đô thị, công trình công cộng, mới đây Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị TP. Huế cũng phát hiện hàng nghìn m3 CTRXD được đổ vào công trình Dự án hạ tầng kỹ thuật khu TĐC Bàu Vá giai đoạn 4 do đơn vị này làm chủ đầu tư. Ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị TP. Huế cho biết, để vận chuyển hết lượng rác thải này ra khỏi công trình, kinh phí từ ngân sách nhà nước phải bỏ ra khoảng hơn 100 triệu đồng. Chủ đầu tư không có thẩm quyền bắt giữ, xử phạt người và phương tiện đổ rác thải không đúng vị trí. Do vậy, Ban QLDA mong muốn sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền địa phương để hỗ trợ, xử lý hiệu quả hơn tình trạng đổ trộm CTRXD vào mặt bằng của công trình đang thi công.
Thiếu cơ sở để xử lý
Theo Sở Xây dựng, trước đây đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh (nay là UBND TP) lập, phê duyệt và ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được phê duyệt năm 2016, trong đó có nội dung liên quan đến các bãi tập kết, cơ sở xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng.
Theo quy hoạch quản lý CTR đã duyệt trước đây, có định hướng đối với cơ sở xử lý CTRXD, mỗi đơn vị cấp huyện (cũ) có 1 bãi xử lý CTRXD khoảng 1ha. Việc lựa chọn vị trí do UBND cấp huyện (cũ) quyết định và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, qua rà soát, tính đến thời điểm hiện nay, Sở Xây dựng nhận thấy hầu hết các địa phương chưa có báo cáo về khối lượng CTRXD phát sinh trên địa bàn, thiếu thông tin và tình hình thực hiện đối với các vị trí đã được các địa phương lựa chọn làm bãi tập kết, xử lý CTRXD; kế hoạch đầu tư xây dựng cũng không có báo cáo lý do vướng mắc…
Sở Xây dựng đánh giá, thực trạng CTRXD phát thải ngày càng nhiều, tình trạng đổ thải tùy tiện, thiếu cơ sở tập kết, xử lý. Do vậy, trường hợp các địa phương không sớm triển khai đầu tư xây dựng để tập kết, xử lý CTRXD phát thải thì tình trạng ô nhiễm môi trường do đổ thải tùy tiện là không thể tránh khỏi.
Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới, với vai trò quản lý ngành, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND các xã mới rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện đối với vị trí các bãi tập kết, cơ sở xử lý CTRXD do UBND các huyện, thị xã và thành phố (cũ) trước đây đã lựa chọn để báo cáo về UBND TP, Sở NN&MT nhằm đảm bảo quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
* Sáp nhập từ các phường, xã: Phú Thượng, Phú An, Phú Mỹ
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/chat-thai-ran-xay-dung-thieu-co-so-tap-ket-xu-ly-155538.html
Bình luận (0)