Đây không chỉ là một động thái kỹ thuật đơn thuần, mà còn là lời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng an ninh mạng tiềm tàng có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu.
Khủng hoảng bảo mật lượng tử là như thế nào?
Hệ thống mã hóa hiện tại mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày - từ giao dịch ngân hàng, email cho đến các bí mật quốc gia - đều dựa trên một giả định căn bản của một số bài toán toán học quá phức tạp để máy tính giải được trong thời gian hợp lý.
Ví dụ, việc phân tích một số nguyên lớn thành các thừa số nguyên tố có thể mất hàng nghìn năm với máy tính mạnh nhất hiện nay.
Tuy nhiên, máy tính lượng tử hoạt động theo những nguyên lý hoàn toàn khác biệt. Thay vì xử lý thông tin theo bit nhị phân “0” và “1” như máy tính truyền thống, máy tính lượng tử sử dụng qubit có “0” và “1” có thể tồn tại ở nhiều trạng thái đồng thời.
Điều này cho phép chúng giải quyết một số loại bài toán với tốc độ vượt trội không thể tưởng tượng được. Những gì mất hàng nghìn năm với máy tính cổ điển có thể chỉ cần vài giờ hoặc thậm chí vài phút với máy tính lượng tử đủ mạnh.

Chuyên gia an ninh mạng châu Âu đã cảnh báo về một chiến lược đáng lo ngại được gọi là “lưu trữ ngay bây giờ, giải mã sau” (Ảnh: The Parliament Magazine).
Chính vì vậy, các chuyên gia an ninh mạng châu Âu đã cảnh báo về một chiến lược đáng lo ngại được gọi là “lưu trữ ngay bây giờ, giải mã sau”.
Theo đó, các tác nhân xấu có thể đang thu thập dữ liệu mã hóa quan trọng ngày hôm nay, chờ đợi ngày máy tính lượng tử đủ mạnh để giải mã chúng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi dữ liệu của chúng ta hiện tại được bảo vệ tốt, chúng vẫn có thể bị lộ trong tương lai không xa.
Chiến lược hai mũi nhọn
Đứng trước thách thức nói trên, EU đã đề xuất một chiến lược "Hai mũi nhọn thông minh".
Cụ thể, mũi nhọn thứ nhất là "Mật mã hậu lượng tử" (PQC), sử dụng các thuật toán toán học phức tạp hơn mà ngay cả máy tính lượng tử cũng khó có thể phá vỡ.
Đây là giải pháp được ưu tiên cho hầu hết các lĩnh vực vì tính khả thi và khả năng triển khai rộng rãi của nó.
Mũi nhọn thứ hai là "Phân phối khóa lượng tử" (QKD), một công nghệ tiên tiến hơn sử dụng chính các nguyên lý vật lý lượng tử để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc trao đổi các khóa mã hóa.

QKD được xem là giải pháp lý tưởng cho các ứng dụng đòi hỏi mức độ bảo mật cao nhất như an ninh, quốc phòng, ngoại giao, tài chính và các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Điều đáng chú ý là EU không chỉ dừng lại ở việc đưa ra khuyến nghị, mà còn vạch ra một lộ trình cụ thể với các mốc thời gian rõ ràng.
Theo đó, bắt đầu từ cuối năm 2026, các quốc gia thành viên EU sẽ phải tiến hành đánh giá rủi ro, xây dựng chiến dịch nâng cao nhận thức và đảm bảo chuỗi cung ứng vững mạnh.
Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch này là đạt được “tính linh hoạt mật mã” - khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa các thuật toán mã hóa khi cần thiết.
Những thách thức không nhỏ
Trên thực tế, con đường mà EU đang theo đuổi để tiến về phía trước không hề bằng phẳng. Các chuyên gia từ Viện Fraunhofer và Văn phòng An ninh thông tin của Đức đã chỉ ra nhiều thách thức cả về mặt kỹ thuật lẫn thực tiễn.
Đối với PQC, vấn đề chính là độ phức tạp của các thuật toán mới đòi hỏi nhiều năng lực tính toán hơn, điều có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của các hệ thống hiện có.
Với QKD, thách thức còn lớn hơn. Hiện tại, công nghệ này hiện chỉ hoạt động hiệu quả trong phạm vi khoảng 100km qua cáp quang.
Mặc dù có thể mở rộng khoảng cách bằng các “nút trung chuyển đáng tin cậy”, nhưng mỗi nút như vậy lại tạo ra một điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống. Thêm vào đó, chi phí triển khai cao, khó khăn trong việc tích hợp với cơ sở hạ tầng hiện có và thiếu các tiêu chuẩn thống nhất đang làm chậm quá trình áp dụng công nghệ này.
Còn có một thách thức khác ít được nhắc đến, nhưng cũng không kém phần quan trọng là yếu tố con người.

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực lượng tử đang là một thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia (Ảnh: Hudson Institute).
Việc chuyển đổi sang hệ thống mã hóa mới đòi hỏi phải đào tạo lại nguồn nhân lực, thay đổi quy trình làm việc và xây dựng văn hóa bảo mật mới. Đây là một quá trình dài hạn, đòi hỏi nỗ lực và cam kết chung từ mọi cấp độ trong tổ chức và xã hội.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Trong bối cảnh mới hiện nay, Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức. Là một quốc gia đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số với tham vọng trở thành quốc gia số vào năm 2030, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua công nghệ này.
Kinh nghiệm của EU cho thấy việc chuẩn bị sớm không chỉ là lựa chọn thông minh mà còn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an ninh quốc gia trong kỷ nguyên lượng tử.
Trước hết, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia về an ninh lượng tử với tầm nhìn dài hạn.
Chiến lược này không chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật mà phải bao gồm cả việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển, và tạo ra khung pháp lý phù hợp.

Việt Nam có thể học hỏi từ cách tiếp cận từng bước của EU, bắt đầu với việc đánh giá rủi ro cho các lĩnh vực quan trọng bắt đầu từ tài chính, viễn thông, năng lượng cho đến an ninh, quốc phòng và ngoại giao.
Về mặt công nghệ, Việt Nam có thể áp dụng chiến lược Hai mũi nhọn tương tự như EU. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tập trung vào việc triển khai PQC cho các hệ thống hiện có vì đây là giải pháp khả thi và tiết kiệm chi phí.
Đồng thời, đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm QKD cho các ứng dụng đặc biệt quan trọng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ.
Một khía cạnh quan trọng khác là Việt Nam cần xúc tiến xây dựng năng lực tự chủ về công nghệ lượng tử. Thay vì chỉ nhập khẩu và sử dụng công nghệ lượng tử từ bên ngoài, Việt Nam cần quan tâm đầu tư vào nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực mật mã lượng tử.
Điều này không chỉ giúp chủ động trong việc bảo vệ an ninh thông tin mà còn tạo ra cơ hội để Việt Nam từng bước tiến tới phát triển một ngành công nghiệp mới có giá trị cao.
Về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam cần có chương trình đào tạo chuyên sâu về an ninh lượng tử từ bậc đại học đến sau đại học.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các chuyên gia CNTT để họ có thể nắm bắt và áp dụng các công nghệ mới. Việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cũng cần được ưu tiên.
Về hợp tác quốc tế. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế về an ninh lượng tử để học hỏi kinh nghiệm và cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất. Đặc biệt, việc hợp tác với các đối tác trong khu vực ASEAN có thể tạo ra sức mạnh tập thể trong việc phát triển và triển khai công nghệ mã hóa lượng tử.
Cơ hội cho Việt Nam
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng mã hóa lượng tử cũng mang lại những cơ hội cho Việt Nam. Khác với nhiều cuộc cách mạng công nghệ trước đây mà Việt Nam thường phải đuổi theo, lần này Việt Nam có cơ hội tham gia từ giai đoạn khá sớm.
Nếu có chiến lược phù hợp và quyết tâm thực hiện, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về an ninh lượng tử.
Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao.
Thực tế là các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế sẽ ưu tiên hợp tác với các quốc gia có hệ thống an ninh thông tin tin cậy, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều hội thảo, toạ đàm nói về công nghệ lượng tử, để sớm hiện thực hoá công nghệ chiến lược này trong cuộc sống (Ảnh: President Club).
Quyết định của EU về chuyển đổi sang mã hóa an toàn lượng tử không chỉ là một sự kiện công nghệ đơn thuần mà là một tín hiệu cảnh báo cho toàn cầu về một kỷ nguyên mới của an ninh thông tin.
Với Việt Nam, đây là lúc để có thể chuyển từ vai trò “người theo dõi” sang “người tham gia tích cực” trong cuộc cách mạng này.
Thành công trong việc xây dựng hệ thống an ninh lượng tử không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn vào tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm chính trị và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Đây là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng khoa học công nghệ và doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau hành động để nắm lợi thế và những cơ hội thành công rõ ràng hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/chau-au-va-cuoc-cach-mang-ma-hoa-luong-tu-20250704120706158.htm
Bình luận (0)