Lên phương án di dời dân
Tại phường Tân Mai, ngay sau khi Chính phủ tổ chức họp trực tuyến về phòng chống bão số 3, UBND phường Tân Mai đã triển khai các nội dung công tác thông qua họp với các thôn, khối xóm; lập các tổ công tác đi kiểm tra tại các điểm ách yếu, các địa điểm có nguy cơ cao ảnh hưởng ngập lụt, sạt lở để chỉ đạo các biện pháp ứng phó kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Xuân ở khối 14 phường Tân Mai (phường Quỳnh Xuân cũ) cho biết, sáng ngày 21/7 bắt đầu có mưa rải rác và dấu hiệu mưa ngày càng lớn. Tuy nhiên, từ chiều qua (20/7) ban cán sự xóm và phường đã thông báo cho người dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão số 3 có ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết, phường có diện tích khá rộng với hơn 751km2 và hơn 33,5 nghìn dân vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề đánh cá, hậu cần nghề cá. Chiều 21/7, các đoàn công tác của UBND phường đã đến các thôn, xóm ở các xã cũ gồm Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc để nắm bắt tình hình thực tế.

Tại các địa điểm trên có một số khu dân cư và công trình hạ tầng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở; một số hệ thống kênh mương thuỷ lợi đã xuống cấp cũng gây nguy cơ ách tắc dòng chảy khi có mưa lớn… Đặc biệt, có một số hộ dân ở vùng núi của Quỳnh Lập cũ hiện ở trên vị trí đồi cao, nền đất sụt lún. Kiểm tra thực tế, UBND phường đã chỉ đạo dùng bạt phủ để ngăn nước thấm vào nền đất và bố trí phương án di dời các hộ dân này khi có nguy cơ sạt lở đất.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Sỹ - Chính trị viên Đồn biên phòng Quỳnh Phương cho biết, để kịp thời ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA), từ ngày 20-21, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tích cực, chủ động các phương án để ứng phó, quyết tâm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đơn vị đã triển khai lực lượng 03 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn (phường Quỳnh Mai và Tân Mai) để tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chấp hành nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống bão; hỗ trợ giúp ngư dân khẩn trương đưa 100% phương tiện vào nơi tránh trú an toàn.

Tại xã Quỳnh Phú (sáp nhập các xã An Hòa, Phú Nghĩa, Thuận Long và Văn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu cũ), hiện tại đã có 761/768 phương tiện trở về địa phương và được neo đậu an toàn tại hai bến Lạch Thơi và Lạch Quèn của xã. 7 tàu còn lại cũng đã cập các điểm trú tránh an toàn khác ngoài địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Quỳnh Phú có 521 hộ dân với 1.806 nhân khẩu thuộc diện có nguy cơ phải di dời, trong đó có 252 người già, 565 trẻ em và 989 người trong độ tuổi lao động.

Tại phường Cửa Lò và xã Trung Lộc, ghi nhận của phóng viên chiều 21/7 cho thấy các thôn, xóm đã cơ bản hoàn thành xong việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ; chằng chống nhà cửa ở các hộ dân gần khu vực bờ biển. Tại phường Cửa Lò lực lượng chức năng tiếp tục nhắc nhở người dân, du khách không tắm biển. Các đội công nhân vệ sinh môi trường dù trời mưa vẫn tranh thủ dọn rác thải, làm sạch bãi biển trước dự báo sẽ có mưa to đêm 21/7 và các ngày tiếp theo.

Lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó
Những ngày qua, đặc biệt là sáng nay (21/7), sau khi có công điện cấm biển của UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Phú đã thành lập 2 đoàn kiểm tra phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đến các bến neo đậu, tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm lệnh cấm biển, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước ảnh hưởng của bão số 3.
Đồng thời khảo sát tại các điểm xung yếu và khu vực nguy cơ sạt lở trên địa bàn như: hệ thống tiêu úng các thôn Nam Tiến, Bắc Lợi, Tân An, Tân Thành; hệ thống đường dây, cột điện tại thôn Bắc Lợi, Bút Lĩnh; khu vực lồng bè nuôi hàu trên sông Mai Giang. Đặc biệt, lãnh đạo xã đã đến kiểm tra khu vực neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lạch Quèn và Lạch Thơi - nơi tập trung số lượng lớn tàu cá của ngư dân địa phương.
Các lực lượng như dân quân, công an xã, tổ xung kích phòng chống thiên tai được bố trí thường trực 24/24h để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, phương án “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ được kích hoạt đầy đủ.
.jpg)
Ông Hồ Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phú cho biết, địa phương cũng đang đối mặt với một số khó khăn khi nhiều công trình ách yếu rơi vào tình trạng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Cụ thể tại tuyến đê biển và hệ thống cống đê thuộc các thôn: Thành Công, Minh Thành, Phú Liên, Cộng Hòa (thuộc địa bàn xã Quỳnh Long trước khi sáp nhập) hiện đã hư hỏng, cần được khẩn trương khắc phục, gia cố kịp thời để đảm bảo tiêu thoát nước và an toàn phòng, chống thiên tai.

Tại các địa phương khác ở các tuyến miền biển, miền núi cao, cán bộ chính quyền cũng đang căng mình về tận cơ sở để hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng chống mưa lớn, ngập lụt, sạt lở như tại các xã: Hải Châu (sáp nhập các xã Diễn Hoàng, Diễn Kim, Diễn Mỹ và Hùng Hải thuộc huyện Diễn Châu cũ); xã Quỳnh Anh (Minh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Đôi, Quỳnh Thanh và Quỳnh Yên thuộc huyện Quỳnh Lưu); xã Tri Lễ (Nậm Nhoóng và Tri Lễ, huyện Quế Phong cũ); xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng của huyện Tân Kỳ cũ),…

Tại xã Tri Lễ, các đợt mưa đã làm sạt lở một số tuyến đường liên thôn, ngập úng nhiều diện tích hoa màu và làm tốc mái nhà tại các thôn, bản. Ngày 20 - 21/7, UBND xã Tri Lễ đã thành lập các tổ công tác xuống từng bản để kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương tham gia dọn dẹp, khơi thông dòng chảy, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các phương án ứng phó thiên tai.

Hiện nay tại các địa phương, các lực lượng ứng trực được yêu cầu thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Nguồn: https://baonghean.vn/chinh-quyen-nguoi-dan-nghe-an-chay-dua-voi-thoi-gian-chang-chong-nha-cua-san-sang-chong-ngap-lut-sat-lo-10302804.html
Bình luận (0)