Dự thảo Nghị định 24 sẽ bỏ độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng. Ảnh: VnE
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Dự thảo được xây dựng nhằm cập nhật khái niệm, mở rộng phạm vi điều chỉnh, siết điều kiện cấp phép và tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh được bổ sung hoạt động sản xuất vàng miếng được cho sẽ xóa bỏ việc độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng. Phạm vi điều chỉnh gồm: sản xuất, gia công, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ; sản xuất, mua bán vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng; các hoạt động kinh doanh vàng khác như giao dịch vàng tài khoản và phái sinh vàng.
Khái niệm vàng miếng cũng được định nghĩa rõ hơn là sản phẩm vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số thể hiện khối lượng, chất lượng, ký mã hiệu của doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất, bao gồm cả vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tổ chức sản xuất.
Đặc biệt, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm tại dự thảo là việc bổ sung điều 11a, quy định điều kiện chặt chẽ để được cấp phép sản xuất vàng miếng.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh vàng miếng, vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, không đang bị xử phạt hành chính (hoặc đã khắc phục hậu quả), có quy trình sản xuất nội bộ rõ ràng.
Đối với tổ chức tín dụng, ngoài giấy phép kinh doanh vàng miếng, yêu cầu vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng trở lên và đáp ứng các điều kiện tương tự doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ cấp phép sản xuất vàng miếng…
Sau hơn một thập kỷ áp dụng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã trở nên cấp thiết nhằm khắc phục một số bất cập về thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng như thúc đẩy tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh tại thị trường vàng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, góp ý nội dung dự thảo nghị định, một số ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện kinh doanh vàng miếng chưa thực sự phù hợp.
Tại văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới đây, dẫn phản ánh của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, quy định điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng trở lên với doanh nghiệp là quá chặt, sẽ loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường… làm hạn chế tính cạnh tranh, không đa dạng hóa được nguồn cung, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người dân.
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đề xuất bãi bỏ các quy định như: “doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng” và “vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng” để được cấp phép sản xuất vàng miếng.
Theo VGTA, chỉ có khoảng ba doanh nghiệp hiện đáp ứng tiêu chí vốn này, điều này vô hình trung vẫn duy trì thế độc quyền sản xuất, cung ứng vàng miếng - trái với tinh thần mở rộng thị trường của chính sách mới.
Thay vì quy định như dự thảo đã đề xuất, VGTA kiến nghị, cơ quan quản lý nên căn cứ vào năng lực sản xuất thực tế (cơ sở vật chất, kỹ thuật), hiệu quả kinh doanh, uy tín thương hiệu và nhu cầu vốn thực tiễn. Kinh nghiệm từ SJC cho thấy mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng là phù hợp để xây dựng hệ thống sản xuất vàng miếng bài bản.
Trước đó, tại cuộc họp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương ngày 28/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy thị trường có kỷ cương, từ "siết để kiểm soát" sang "mở để quản trị”; nhất định phải quán triệt, xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đồng thời phải đưa thị trường vàng vận động phù hợp với các nguyên tắc của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
“Bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự minh bạch trên thị trường. Đồng thời, cần xác định việc lưu trữ vàng của người dân như một hình thức tiết kiệm và đầu tư, là nhu cầu chính đáng, cần tôn trọng, tiếp cận xây dựng cơ chế, chính sách quản lý một cách phù hợp trên cơ sở quan điểm này”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Được biết, trước những hạn chế của thị trường vàng, tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 vừa qua về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.
PV
Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/chot-thoi-han-trinh-chinh-phu-sua-doi-nghi-dinh-24-bo-doc-quyen-vang-mieng-415874.html
Bình luận (0)