Ảnh bài 51.png
Con người đang tỏ ra cân nhắc và thận trọng về hiệu quả thực tế của việc sử dụng AI trong từng trường hợp cụ thể. Ảnh: Midjourney

Giả sử bạn được cho biết một công cụ AI có thể đưa ra dự đoán chính xác về một số cổ phiếu bạn đang sở hữu. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu sử dụng nó? Giờ hãy tưởng tượng bạn đang ứng tuyển vào một công ty mà phòng nhân sự sử dụng hệ thống AI để lọc hồ sơ xin việc. Liệu bạn có cảm thấy thoải mái với điều đó?

Một nghiên cứu mới cho thấy con người không hoàn toàn hứng thú cũng như không hoàn toàn chối bỏ AI. Thay vì rơi vào hai phe đối lập - những người lạc quan với công nghệ và những người phản đối - phần lớn mọi người đánh giá AI dựa vào hiệu quả thực tế trong từng trường hợp cụ thể.

“Chúng tôi đề xuất rằng AI sẽ được đánh giá tích cực khi nó được xem là vượt trội hơn con người và khi cá nhân hóa không phải là yếu tố quan trọng trong ngữ cảnh quyết định đó,” GS. Jackson Lu (Khoa Nghiên cứu Tổ chức và Công việc thuộc Trường Quản lý Sloan, MIT) - đồng tác giả của nghiên cứu mới công bố - cho biết. “Ngược lại, người ta sẽ có xu hướng tránh AI nếu một trong hai điều kiện này không được đáp ứng. Chỉ khi cả hai điều kiện cùng được thỏa mãn thì AI mới thật sự được đánh giá cao.”

Khuôn khổ lý thuyết mới mang lại góc nhìn sâu sắc

Phản ứng của con người đối với AI từ lâu đã là chủ đề được tranh luận sôi nổi, với nhiều kết quả tưởng như mâu thuẫn. Một nghiên cứu nổi tiếng năm 2015 về “sự tránh né thuật toán” cho thấy con người kém khoan dung hơn với lỗi sai do AI gây ra so với lỗi do con người. Trong khi đó, một nghiên cứu nổi bật năm 2019 lại cho thấy “sự đánh giá cao thuật toán”, tức người ta lại thích lời khuyên từ AI hơn là từ con người.

Để dung hòa những phát hiện trái ngược đó, nhóm nghiên cứu của GS. Lu đã tiến hành phân tích tổng hợp 163 nghiên cứu trước đây so sánh giữa lựa chọn AI và con người. Họ kiểm tra xem dữ liệu có ủng hộ mô hình lý thuyết “Năng lực - Cá nhân hóa” hay không - tức trong một ngữ cảnh cụ thể, cả năng lực cảm nhận được của AI lẫn nhu cầu cá nhân hóa đều ảnh hưởng đến việc con người ưu tiên AI hay con người.

Trong 163 nghiên cứu đó, nhóm đã phân tích hơn 82.000 phản ứng trong 93 “ngữ cảnh quyết định” riêng biệt - ví dụ như người tham gia có cảm thấy thoải mái hay không khi AI được sử dụng để chẩn đoán ung thư. Kết quả xác nhận rằng mô hình lý thuyết trên có giá trị giải thích rõ ràng về lựa chọn của con người.

“Phân tích tổng hợp ủng hộ khuôn khổ lý thuyết của chúng tôi. Cả hai chiều đều quan trọng: Người ta đánh giá liệu AI có giỏi hơn con người trong một nhiệm vụ cụ thể không, và liệu nhiệm vụ đó có cần yếu tố cá nhân hóa hay không. Mọi người chỉ thích AI khi họ nghĩ AI giỏi hơn con người và nhiệm vụ đó không cần đến cá nhân hóa”, GS. Lu chia sẻ.

Ông nói thêm: “Điểm mấu chốt là: chỉ năng lực cao thôi thì chưa đủ để khiến người ta đánh giá cao AI. Yếu tố cá nhân hóa cũng rất quan trọng.”

Chẳng hạn, mọi người có xu hướng ưa chuộng AI trong việc phát hiện gian lận hay xử lý dữ liệu lớn - những lĩnh vực mà AI vượt trội con người về tốc độ và quy mô, và không cần yếu tố cá nhân hóa. Ngược lại, họ ngần ngại khi AI được dùng trong trị liệu tâm lý, phỏng vấn xin việc, hay chẩn đoán y khoa - những nơi mà họ tin rằng con người hiểu được hoàn cảnh cá nhân của họ tốt hơn.

“Con người có một mong muốn căn bản là được nhìn nhận như một cá thể độc đáo và khác biệt. AI thường bị xem là vô cảm và máy móc. Dù AI có được huấn luyện với hàng loạt dữ liệu, người ta vẫn cảm thấy AI không thể hiểu được hoàn cảnh riêng của mình. Họ muốn có một bác sĩ, một nhà tuyển dụng là con người - người có thể nhìn thấy sự khác biệt của họ”, GS. Lu nói. 

Ngữ cảnh cũng là yếu tố quan trọng: từ tính hữu hình đến lo ngại thất nghiệp

Nghiên cứu cũng phát hiện ra nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến mức độ chấp nhận AI. Ví dụ, người ta có xu hướng đánh giá cao AI hơn nếu đó là robot hữu hình, thay vì là thuật toán vô hình.

Bối cảnh kinh tế cũng tạo ra khác biệt. Ở các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, AI được đánh giá tích cực hơn.

“Điều này rất hợp lý. Nếu bạn lo mình bị AI thay thế, bạn sẽ khó mà chấp nhận nó được”, GS. Lu nhận định.

Hiện tại, GS. Lu vẫn tiếp tục khám phá thái độ phức tạp và không ngừng thay đổi của con người với AI. Dù ông không xem bản phân tích tổng hợp này là lời kết cho vấn đề, ông hy vọng khuôn khổ “Năng lực - Cá nhân hóa” sẽ là một công cụ hữu ích để hiểu cách con người đánh giá AI trong các bối cảnh khác nhau.

“Chúng tôi không nói rằng năng lực và cá nhân hóa là hai yếu tố duy nhất, nhưng theo kết quả phân tích, hai yếu tố này chiếm phần lớn trong việc định hình thái độ của con người đối với AI và con người trên nhiều ngữ cảnh”, GS. Lu kết luận.

Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học từ MIT, Đại học Tôn Trung Sơn, Đại học Thâm Quyến và Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), và nhận được tài trợ từ Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc.

(Theo MIT News)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/chung-ta-that-su-danh-gia-ai-nhu-the-nao-2417023.html