Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện ngôn ngữ trong phát triển quan hệ Nga-Việt

Liên Xô là một trong các nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 30/1/1950). Bước đi này của Chính phủ Liên Xô là một thông điệp quan trọng chuyển tới cộng đồng quốc tế rằng Moscow công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là chính quyền hợp pháp tại Việt Nam.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế08/05/2025

Chuyện ngôn ngữ trong phát triển quan hệ Nga-Việt
Lễ khánh thành bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến Petrograd, nay là Saint Petersburg (30/6/1923-30/6/2023).

Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey V. Lavrov phát biểu tại triển lãm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước hôm 11/2/2025 tại Bộ Ngoại giao ở Moscow đã nhấn mạnh: “Ngày 30/1/1950, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô A. Y. Vyshinsky đã gửi công hàm cho người đồng cấp Việt Nam Hoàng Minh Giám về quyết định của Chính phủ Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Tầm nhìn xa của Hồ Chủ tịch

Trong lịch sử phát triển quan hệ ngoại giao hai nước, có một nội hàm quan trọng để hình thành mối bang giao thành công, đó là thông tin và sự hiểu biết về nhau. Tôi sẽ tập trung vào những quyết định cơ bản có tầm nhìn xa được đưa ra vào thời điểm đó, khi quan hệ Xô-Việt mới bắt đầu, góp phần vào việc hỗ trợ, bổ sung và phát triển mối quan hệ này cho đến ngày nay.

Đầu những năm 1950, các đại sứ đầu tiên của chúng tôi hầu như không biết ngôn ngữ nước sở tại. Để mở rộng quan hệ và hợp tác giữa hai nước, Liên Xô dần khôi phục bộ môn nghiên cứu Việt Nam, bắt nguồn từ Giáo sư Yu.K. Shchutsky (1897-1938), người chuyên nghiên cứu đất nước và ngôn ngữ Việt vào những năm 1930 ở thành phố Leningrad. Còn ở Việt Nam, chỉ một số lãnh đạo cách mạng lão thành từng học ở Liên Xô, đứng đầu là Hồ Chí Minh, mới biết tiếng Nga. Trường phái nghiên cứu Nga học của Việt Nam chỉ bắt đầu hình thành sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng năm 1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một nhãn quan chiến lược, khi chú trọng đến sự cần thiết cử sinh viên Liên Xô đi thực tập tại Việt Nam. Chính đề xuất này đã được lãnh tụ Việt Nam đưa ra một cách tinh tế ngay từ thế hệ đại sứ thứ hai của Việt Nam tại Liên Xô và đại sứ Liên Xô thứ ba tại Việt Nam. Những người được trao cơ hội thực tập ngôn ngữ nhờ sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã trở thành những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam tại Liên Xô và trực tiếp tham gia công tác liên quan đến Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, ngay từ đầu đã có sự mất cân bằng nhất định trong hợp tác khoa học - giáo dục giữa hai nước. Trong hồi ký của một trong những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, Giáo sư E.V. Kobelev viết: “Vào năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Moscow và trong cuộc nói chuyện với một trong những lãnh đạo Liên Xô bấy giờ, bày tỏ rằng Việt Nam đã cử 3.000 sinh viên sang học ở Liên Xô, trong khi phía Liên Xô vẫn chưa cử sinh viên nào đến Việt Nam”.

Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra vấn đề, quan hệ ngoại giao và quan hệ giữa các quốc gia muốn ổn định và thành công thì không thể nếu thiếu thông tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Và một trong những khía cạnh quan trọng nhất là việc nắm bắt đầy đủ ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia đối tác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm rất rõ nguyên tắc “biết mình, biết người”. Chỉ sau khi đề xuất này được đưa ra thì quá trình gửi những sinh viên Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam đào tạo ngôn ngữ mới bắt đầu.

Giáo sư E.V. Kobelev nhớ lại: “Tháng 9/1958, ba sinh viên Liên Xô gồm hai người từ Khoa Phương Đông của Đại học Leningrad là V. Panfilova, V. Dvornikov và E.V. Kobelev từ Viện Ngôn ngữ phương Đông tại Đại học Tổng hợp Moscow đã đến Việt Nam trên chuyến tàu liên vận Moscow - Bắc Kinh - Hà Nội”. Giáo sư V.S. Panfilova cũng chính là thầy của tôi sau này.

Việc học tiếng Việt tại các trường đại học Liên Xô vào thời điểm đó rất khó khăn vì không có từ điển hay sách giáo khoa. Các sinh viên phải học tiếng Việt thông qua các từ điển Việt-Pháp/ Pháp-Việt và Nga-Pháp/ Pháp-Nga. Tình trạng tương tự cũng như vậy ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc tìm kiếm một giáo viên có trình độ vô cùng khó khăn. Cũng vẫn là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề này bằng cách cử ông Nguyễn Tài Cẩn, người sau này trở thành nhà ngôn ngữ học và giáo sư nổi tiếng, đến Đại học Tổng hợp Leningrad, nơi ông đặt nền móng cho việc giảng dạy tiếng Việt và phát triển các phương pháp vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Chuyện ngôn ngữ trong phát triển quan hệ Nga-Việt
Tác giả dịch bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang tiếng Nga tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng ở Kazan, Liên bang Nga ngày 24/10/2024.

Cây cầu kết nối thành công

Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhiều mối quan hệ đa dạng giữa hai nước. Tuy nhiên, việc hỗ trợ xứng đáng cho quan hệ trong nhiều lĩnh vực, từ hợp tác ngoại giao và quân sự - kỹ thuật đến năng lượng, nhân đạo và khoa học tự nhiên, văn hóa và nghệ thuật, đòi hỏi những người có hiểu biết tốt về ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia đối tác.

Các công trình sáng tạo và nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà Việt Nam học cũng như Xô Viết/Nga học đã góp phần bổ sung nội hàm các mối quan hệ, tăng cường đáng kể sự giao thoa, qua đó thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Hiện nay, các đại sứ và nhiều nhà ngoại giao đang công tác tại hai nước chúng ta đều có hiểu biết tốt về ngôn ngữ và đặc điểm văn hóa của nước sở tại, tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc tiếp xúc và tăng hiệu quả quan hệ. Đây là một tiến bộ lớn nhưng ít được nhắc đến trong các bài phát biểu chính thức.

Tại các sự kiện quốc tế lớn, khi lãnh đạo hai nước chúng ta phát biểu, việc dịch đúng và chính xác là phần rất quan trọng của ngoại giao. Nếu không có bản dịch chất lượng cao thì phương châm “biết mình, biết người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ không hiệu quả. Điều đáng chú ý là một số nhà dịch thuật được đào tạo bởi chính những sinh viên đã tham gia chuyến thực tập ngôn ngữ đầu tiên trong lịch sử đất nước chúng tôi tại Việt Nam theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1958.

Việc nghiên cứu về Việt Nam tại Nga cũng như ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa hai nước đang phát triển phần lớn nhờ vào sáng kiến của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viện Hồ Chí Minh đầu tiên và duy nhất trên thế giới tại Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg được khánh thành năm 2010. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên tại St. Petersburg cũng đã được đặt tại khuôn viên của trường. Tại đây, bản dịch “Binh pháp Tôn Tử” hoàn chỉnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch sang tiếng Nga đã được Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp St. Petersburg xuất bản mới đây.

Bảy mươi lăm năm là một khoảng thời gian dài. Tên gọi của cả hai nước cũng đã thay đổi. Các thế hệ lãnh đạo và nhà ngoại giao của hai nước đã kế tiếp nhau, chính sách đối nội và đối ngoại của cả hai nước cũng có nhiều đổi mới.

Mặc dù vậy, hai nước chúng ta vẫn duy trì được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác. Như Bộ trưởng Ngoại giao Sergey V. Lavrov phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước rằng: Trong giai đoạn hiện nay, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt dựa trên các cuộc đối thoại chính trị tin cậy, trước hết ở cấp cao nhất. Ông Sergey V. Lavrov tin tưởng rằng hai bên có thể tự hào và lạc quan hướng tới tương lai, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững bền cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp này.

-------------

(*) Giáo sư, Tiến sĩ Sử học, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg

Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-ngon-ngu-trong-phat-trien-quan-he-nga-viet-312331.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm