Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội cho nghề trồng hoa lan phát triển

Đó là Chi hội Hoa lan Mê Kông, dù chỉ mới thành lập không lâu nhưng chi hội đã thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) tham gia chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, nhân giống… nhằm tạo ra những chậu lan có giá trị về mỹ thuật, kinh tế.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang11/07/2025

SÂN CHƠI BỔ ÍCH

Anh Võ Văn Bảy, Chủ nhiệm Chi hội cho biết: Chi hội Hoa lan Mê Kông được thành lập trực thuộc Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh, hoạt động theo điều lệ của Hội và quy chế của Chi hội. Hiện Chi hội có 20 thành viên, là những người đam mê hoa lan trong và ngoài tỉnh. Ngoài sinh hoạt thường xuyên, Chi hội sẽ tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, mua bán các loại giống hoa lan.

Anh Hoàng Nhân, xã Vĩnh Bình sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc hoa lan cho những ai có nhu cầu.
Anh Hoàng Nhân, xã Vĩnh Bình, tỉnh Đồng Tháp sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc hoa lan cho những ai có nhu cầu.

Chi hội có trụ sở đặt tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, tỉnh Đồng Tháp (nhà của Chủ nhiệm Võ Văn Bảy). Theo anh Bảy, mục tiêu của Chi hội là tập hợp những người đam mê, yêu thích hoa lan cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách chăm sóc, nhân giống, bảo tồn một số loài lan quý. Mong muốn của Chi hội không chỉ giúp mang lại thú vui tao nhã cho người trồng hoa lan, chơi lan, mà còn hỗ trợ nhau về giống, hỗ trợ tiêu thụ lan giống, hoa lan tác phẩm giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên… Ngoài ra, Chi hội còn tuyển chọn một số tác phẩm xuất sắc của thành viên tham gia các hội thi hoa lan cấp tỉnh, cấp khu vực.

Anh Huỳnh Ngọc Thẩm, hội viên chi hội, có hơn 10 năm trồng hoa lan tâm huyết: Đối với những người mới chơi lan, quan trọng nhất là khâu chọn giống và kỹ thuật chăm sóc. Các hội viên chi hội sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho người chơi lan từ khâu chọn giống phù hợp với túi tiền đến kỹ thuật chăm sóc gồm: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, nhân giống lan… Bên cạnh đó, việc lựa chọn giá thể trồng lan rất quan trọng, tùy thuộc vào giống lan, điều kiện chăm sóc, thời tiết…

Được biết, bình quân phải trồng khoảng 300 chậu hoa mới tìm ra được 1 chậu ưng ý để dự thi. Tác phẩm đoạt giải tương ứng với tay nghề của nghệ nhân trồng lan được công nhận, là niềm tự hào của thành viên lẫn toàn Chi hội. Đó cũng là động lực để mọi người gắn bó sâu sắc hơn với hoa lan, duy trì ngọn lửa đam mê qua từng ngày. Theo lãnh đạo Hội SVC tỉnh, hiện nay, do điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chơi lan không ngừng gia tăng, nghề trồng lan không chỉ tạo thú vui, mà đã trở thành ngành kinh tế thật sự.

Theo anh Võ Văn Bảy, mục tiêu chung của Chi hội ngoài niềm đam mê, còn tạo thu nhập cao, bền vững từ trồng hoa lan, từ đó giúp chúng tôi duy trì niềm đam mê hoa lan. Giá mỗi chậu lan cũng đa dạng như chủng loại của chúng. Có chậu chỉ 200.000 - 300.000 đồng, nhưng có chậu lên đến vài chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng.

Bên cạnh đó, để thể hiện tài năng của người trồng lan một cách hiệu quả, anh em trong chi hội thường xuyên tham gia các cuộc thi hoa lan trong và ngoài tỉnh. Vừa đoạt giải Nhì tại Hội thi hoa lan lá kẻ - Phát tài toàn quốc lần thứ 2 năm 2025, anh Nguyễn Nhật Hoàng Nhân, hội viên chi hội phấn khởi cho biết: “Để hoa đem đi dự thi thành công, cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, cần xem xét toàn diện từ lá, thân, rễ, hoa. Tất cả phải sạch, đẹp, khỏe, hoa to, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về kích thước, màu sắc được giới chuyên môn đề ra. Cây lan nào được “nhắm” mang đi thi sẽ được tách ra chăm sóc theo “chế độ” đặc biệt, từ phân, thuốc đến vị trí trồng cây”.

LÀM KINH TẾ TỪ HOA LAN

Bén duyên khi chơi hoa và thấy được vẻ đẹp của lan rừng, anh Nguyễn Thành Nhân, xã Tân Thuận Bình là hội viên Chi hội hoa lan Mê Kông quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan. Anh Nhân kể, trước kia từng làm tín dụng cho một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh với thu nhập ổn định, nhưng vì đam mê hoa lan, rồi lập gia đình, nên anh quyết định nghỉ làm và bắt tay vào việc trồng lan từ những năm 2012, trên mảnh vườn gần 1.000 m2 của gia đình ở xã Tân Thuận Bình, tỉnh Đồng Tháp.

 Tham quan vườn lan của ông Võ Văn Bảy.
Tham quan vườn lan của ông Võ Văn Bảy.

Chơi lan, anh Nhân càng hiểu được vẻ đẹp của những cây lan và biết nhiều người có chung niềm đam mê chơi lan giống mình. Nhận thấy nhu cầu chơi lan trên thị trường ngày càng cao, anh Nhân chuyển hướng sang kinh doanh, vừa thỏa mãn đam mê vừa làm kinh tế gia đình. Hoa lan được anh mua từ những người đi rừng khắp mọi miền đất nước về trồng và chăm sóc. Ngoài ra, anh còn nhập các loài hoa từ các nước về trồng, nhân giống. Khi mua về, anh chăm sóc để cây phát triển tốt, nở hoa đẹp, sau đó nhân giống để bảo tồn và làm thương mại.

Thời gian chơi lan giúp anh Nhân có được vốn kiến thức cơ bản về các loài hoa lan cũng như những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Nhờ chịu khó vừa làm vừa học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã nắm bắt được kỹ thuật trồng hoa lan, có thể nhân giống và trồng lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi.

“Để thuận lợi cho việc trồng lan, tôi học từ các nghệ nhân nổi tiếng và đi tham quan nhiều mô hình trồng lan hiệu quả để học cái hay, cái tốt về áp dụng cho vườn của mình. Bán những cây đã nhân được giống và mua lại giống chưa có, đây là cách lấy đam mê nuôi đam mê, để tiếp tục chơi lan và góp phần bảo tồn các loài hoa lan quý” - anh Nhân chia sẻ.

Theo anh Nhân, chăm lan không khó nhưng yêu cầu người chăm phải cẩn thận, tỉ mỉ. Đặc biệt, đối với những cây lan có giá trị kinh tế cao cần phải chăm sóc kỹ hơn. Khách đến vườn sẽ thấy anh Nhân chăm chút lan một cách cẩn thận, thiết kế vườn rất ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, những cây lan tươi tốt và lúc nào cũng khoe sắc cho thấy chủ nhân có tay nghề cao.

Trong mắt người yêu lan như anh Nguyễn Nhật Hoàng Nhân, xã Vĩnh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì mỗi chậu cây đều mang vẻ đẹp rất riêng - vẻ đẹp của sự sống, của tương lai. Tự tay chăm sóc chúng từ lúc còn nhỏ xíu đến khi ra hoa bung nở nên cây nào anh cũng yêu thích. Trong những năm đi nghĩa vụ quân sự, qua những lần chăm sóc cây cảnh, trong đó có hoa lan của đơn vị, anh Hoàng Nhân càng thêm yêu thích với sinh vật cảnh. Thế nên, sau khi xuất ngũ, anh luôn ấp ủ dự định khởi nghiệp nghề trồng hoa lan.

Anh Hoàng Nhân chia sẻ, tôi bắt đầu với công việc trồng hoa lan từ năm 2016. Tôi dành thời gian tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội, Internet, lúc ban đầu livestream chỉ có vài lượt xem vì fanpage không có nhiều người theo dõi. Tôi cũng gặp vài rắc rối khi giao hàng vì khi vận chuyển hoa đến cho khách thì hoa bị héo, gãy. Sau nhiều lần như thế, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, biết cách đóng thùng giao hàng đi khắp cả nước, hoa đến tay khách vẫn tươi, đẹp, cây khỏe.

Khi bán cây giống, anh cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc và cách bón phân, thuốc bảo vệ thực vật như cách mình làm và sẵn sàng thu mua lại sản phẩm khi có yêu cầu. Anh Hoàng Nhân chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng lan không khó, chỉ cần nắm bắt được đặc tính kỹ thuật, nhưng để thành công thì phải có đam mê, phải tìm nguồn cung cấp giống uy tín. Mỗi loài hoa có cách chăm sóc khác nhau, tùy theo bản thân chúng ưa độ ẩm đến đâu. Nhưng kết quả phải giống nhau: Hoa đẹp, nở bền, thơm. Những ưu điểm này thu hút khách đến vườn tham quan, mua nhiều. Nhìn chung, tôi có thu nhập ổn định từ trồng lan. Nguồn thu nhập này tiếp tục nuôi dưỡng đam mê chơi lan cho tôi lâu dài”. Hiện vườn hoa của anh Hoàng Nhân có hơn 100 loài hoa, trong số đó có nhiều loại đột biến, chớp, lá kẻ… Giá trị của những chậu lan trong vườn từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.

P. MAI

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/co-hoi-cho-nghe-trong-hoa-lan-phat-trien-1046690/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm